Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Nguyễn Quỳnh Giang - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh không thể thiếu trên lâm sàng. Đây là phương tiện có chi phí thấp, dễ thực hiện, có hiệu quả cao trong việc chẩn đoán nhiều bệnh lý? Vậy siêu âm 2D là gì?
1. Siêu âm là gì?
Siêu âm tên tiếng anh là ultrasound - là một kỹ thuật không xâm lấn trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, được sử dụng rất phổ biến cho chẩn đoán và điều trị trong y học ngày nay ở mọi chuyên ngành. Kỹ thuật siêu âm đưa ra hình ảnh thể hiện cấu trúc bằng cách dựng hình các cấu trúc bên trong cơ thể dựa trên sự phản xạ sóng âm cao tần của mô - cấu trúc đó, từ đó người làm siêu âm sẽ mô tả những đặc tính bình thường hoặc bất thường của tổ chức, cơ quan trong cơ thể mà không thể quan sát được.
Khi siêu âm, người làm siêu âm sử dụng đầu dò (transducer) tỳ sát lên bề mặt da vùng xuất chiếu tổ chức cần khảo sát. Đầu dò với tác dụng phát sóng âm cao tần và thu các tín hiệu sóng siêu âm phản xạ, sau đó đưa đến hệ thống xử lý và dựng hình lại có tổ chức mô, cấu trúc được khảo sát. Một số có khả năng hấp thu hoặc khả năng phản xạ sóng âm ở các mức độ khác nhau sẽ mang lại hình ảnh khác nhau trên cấu trúc của cơ thể.
Siêu âm là kỹ thuật rất được ưa chuộng và sử dụng một cách thường quy, rộng rãi, lặp lại mà không mang lại bất kỳ bất lợi nào cho sức khỏe.
2. Siêu âm sử dụng để làm gì?
- Siêu âm nhằm khảo sát các cấu trúc, cơ quan trên cơ thể: Hầu hết các thành phần trong ổ bụng hay các khoang trong ổ bụng, hệ tiêu hóa ruột thừa, đại tràng, gan, lách, tụy, đường mật, túi mật..., sản khoa, tim mạch, hệ tiết niệu, tiền liệt tuyến, tuyến giáp, tuyến vú, cơ xương khớp, các điểm bám gân, tinh hoàn, tử cung, buồng trứng ...
- Siêu âm hỗ trợ xác định vị trí cho kỹ thuật sinh thiết, tiêm nội khớp, mở đường vào mạch máu và hỗ trợ một số kỹ thuật xâm lấn khác.
- Siêu âm trong điều trị dựa trên tác dụng của sóng cao tần đối với một số chuyên ngành phục hồi chức năng.
3. Siêu âm 2D là gì?
Siêu âm 2D hay siêu âm 2 chiều: Mỗi sóng xung kiểu A đều được ghi lại bằng một chấm sáng nhiều hay ít tùy theo cường độ của âm dội. Sự di chuyển của đầu dò trên da bệnh nhân cho phép ghi lại cấu trúc âm của các mô trong cơ thể nằm trên mặt phẳng quét của chùm sóng âm, đây là phương pháp siêu âm cắt lớp. Hình thu được từ các âm vang này sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ và chuyển thành tín hiệu trên màn truyền bằng các chấm trắng đen, xám. Siêu âm 2D bao gồm:
- Siêu âm kiểu Động (Dynamic): Là một kiểu hai chiều với tốc độ quét nhanh, tạo nên hình ảnh theo thời gian thực.
- Siêu âm kiểu M (TM - Time Motion): Trong kiểu siêu âm này âm vang sẽ ghi lại theo kiểu A, nhưng chuyển động theo thời gian nhờ màn hình quét ngang thường xuyên. Siêu âm kiểu này thường dùng để siêu âm tim.
- Siêu âm kiểu Doppler (Động): Dùng hiệu ứng Doppler của siêu âm để đo tốc độ tuần hoàn, xác định hướng của dòng máu và đánh giá lưu lượng máu. Có 3 loại Doppler: Doppler liên tục, Doppler xung, Doppler màu, người ta thường phối hợp hệ thống Doppler với siêu âm cắt lớp theo thời gian thật gọi là siêu âm DUPLEX. Đây là loại siêu âm rất thuận tiện cho việc thăm khám Tim mạch, sản khoa.
4. Ưu nhược điểm của siêu âm 2D
Ưu điểm:
- Hầu hết các phương pháp siêu âm đều không xâm lấn và thường không gây đau hoặc cảm giác gì khó chịu cho bệnh nhân.
- Được sử dụng rộng rãi, đơn giản và chi phí không quá cao trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
- Siêu âm không tác động bất lợi cho cơ thể, sức khỏe do không dùng tia xạ giống như các kỹ thuật chụp X quang, cắt lớp vi tính...
- Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh khá rõ nét các mô mềm thường khó khảo sát bằng việc chụp X quang.
- Siêu âm có thể thực hiện lặp lại nhiều lần ở mức độ cần thiết cho việc theo dõi và điều trị.
- Siêu âm đưa ra kết quả hình ảnh theo thời gian thực tức là hình ảnh thay đổi theo các di chuyển thực tại của người làm siêu âm nên trở thành một công cụ tốt để định hướng, xác định vị trí cho các thủ thuật xâm lấn tối thiểu chẳng hạn như tiêm nội khớp, tiêm điểm bám gân, sinh thiết bằng kim, chọc hút dịch ổ khớp hoặc ở những khoang trong cơ thể.
Nhược điểm siêu âm:
- Về cơ bản sóng siêu âm lan truyền kém hơn trong môi trường khí do đó khó khảo sát các tạng rỗng như ruột, dạ dày và các cơ quan bị che lấp bởi dạ dày và ruột như tụy, động mạch chủ...
- Hình ảnh trong 1 số bệnh lý không quan sát rõ bằng siêu âm 3D, 4D,..
- Những bệnh nhân có thể trạng to béo, thừa cân, chỉ số vòng bụng lớn sẽ dẫn đến siêu âm khó khăn hơn do các mô, tổ chức mỡ làm suy yếu đi sóng âm khi nó đi sâu hơn vào cơ thể. Vì thế một phương pháp siêu âm không thể cho hình ảnh tối ưu để chẩn đoán, việc kết hợp các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như X-quang (có tiêm cản quang), cắt lớp vi tính có hoặc không có thuốc cản quang, và cộng hưởng từ có thể sẽ đem lại kết quả khảo sát rất giá trị.
- Sóng âm khó xuyên thấu được các tổ chức canxi, mô xương và do đó chỉ có thể nhìn thấy được mặt ngoài của các cấu trúc xương, các vị trí bám gân, ổ khớp chứ không nhìn được những gì nằm bên trong của các tổ chức xương nên cần phối hợp các biện pháp khác để xác định hình ảnh tổn thương đang có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.