Sảy thai không chảy máu là tình trạng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra kèm theo đó là các triệu chứng khác. Việc sảy thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với thai phụ. Do đó, các mẹ bầu cần chú ý đến mọi biến đổi trên cơ thể, vì chúng có thể là dấu hiệu của sảy thai.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Sảy thai không chảy máu sẽ xuất hiện khi nào?
Sảy thai xảy ra phổ biến nhất trong những tuần đầu tiên của thai kỳ và nguy cơ giảm dần khi thai kỳ phát triển.
Điều quan trọng các mẹ bầu cần nhận biết là sảy thai không phải lúc nào cũng liên quan đến tình trạng chảy máu. Trên thực tế, thai phụ có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào và chỉ biết về tình trạng sảy thai khi bác sĩ không phát hiện nhịp tim của trẻ lúc siêu âm định kỳ.
Việc chảy máu khi sảy thai xảy ra khi tử cung trống, vì vậy, khi thai sẩy nhưng tử cung không trống sẽ xảy ra tình trạng sảy thai không chảy máu.
Các chuyên gia cho rằng, hầu hết các trường hợp sảy thai sẽ xảy ra trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ và việc sảy thai trong tam cá nguyệt thứ hai là rất hiếm.
2. Các triệu chứng sảy thai khác ngoài dấu hiệu chảy máu
Các triệu chứng sảy thai bên ngoài có thể không xuất hiện ở một số người. Khi sảy thai xảy ra sớm, do thời gian đầu thai phụ có ít dấu hiệu mang thai nên việc xác định sảy thai sẽ trở nên khó khăn trong thời gian này.
Hơn nữa, việc trải qua những thay đổi về dấu hiệu mang thai theo thời gian là điều bình thường, đặc biệt là trong quá trình chuyển từ tam cá nguyệt thứ nhất sang tam cá nguyệt thứ hai. Những thay đổi này thường không phải là dấu hiệu của việc sảy thai.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo sảy thai không chảy máu mà sản phụ có thể nhận biết:
- Dấu hiệu mang thai giảm đột ngột.
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
- Đau lưng.
- Nếu thai đã lớn, chuyển động của thai nhi có thể chậm lại hoặc dừng lại rõ rệt.
3. Nguyên nhân sảy thai
Tong hầu hết các trường hợp, sảy thai là sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát của thai phụ. Bởi nguyên nhân gây sảy thai phổ biến là do xuất hiện những bất thường về nhiễm sắc thể khiến em bé không thể sống sót.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân ít phổ biến khác như:
- Nhiễm trùng.
- Do mắc nhiều bệnh khác.
- Chấn thương thể chất.
- Bất thường ở tử cung hoặc các cơ quan sinh sản khác.
- Tình trạng bệnh lý không được điều trị, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc suy thận.
- Polyp tử cung hoặc dính.
- Lạc nội mạc tử cung.
4. Chẩn đoán sảy thai
Hầu hết sản phụ chỉ tìm cách điều trị sảy thai khi họ bị chảy máu. Còn khi sảy thai không chảy máu, thai phụ thường không tự nhận biết cho đến khi bác sĩ chẩn đoán thông qua việc khám thai định kỳ.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể nghi ngờ thai phụ sảy thai do các dấu hiệu khác như lượng hormone thai kỳ giảm hoặc các dấu hiệu mang thai khác giảm bất thường. Thông qua việc xét nghiệm máu bác sĩ có thể xác định mức độ hormone, giúp đánh giá khả năng sảy thai.
Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác tình trạng này, bác sĩ sẽ phải thực hiện siêu âm để kiểm tra nhịp tim. Thông thường, nhịp tim sẽ không phát triển cho đến khi thai được 6,5–7 tuần, vì vậy việc không có nhịp tim trước thời điểm này chưa phải là dấu hiệu của sảy thai.
Để xác định nguyên nhân sảy thai, bác sĩ cũng có thể đề nghị thai phụ xét nghiệm di truyền, siêu âm thêm hoặc xét nghiệm máu để đưa ra kết quả.
5. Điều trị sau sảy thai như thế nào?
Mục tiêu của việc điều trị sảy thai là loại bỏ thai nhi và mô ra khỏi tử cung nhằm ngăn ngừa các biến chứng như nhiễm trùng tử cung. Khi điều trị, thai phụ có thể bị chảy máu liên quan đến việc truyền mô. Tình trạng này thường kéo dài chưa đầy một tuần và có thể kèm theo tình trạng chuột rút.
Khi sảy thai mà không chảy máu, phương án an toàn nhất được đưa ra là bệnh nhân sẽ phải đợi vài tuần trước khi điều trị vì tử cung có thể tự rỗng.
Nếu tử cung không trống hoặc nếu thai phụ không muốn chờ đợi, sẽ có các lựa chọn điều trị phổ biến sau:
- Thuốc kích thích sự phóng thích của thai nhi
- Một thủ tục phẫu thuật gọi là nong và nạo
- Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau để giảm tình trạng chuột rút liên quan.
Trong một số ít trường hợp, sảy thai dẫn đến nhiễm trùng tử cung thì điều đầu tiên là cần phải xem xét sức khỏe tinh thần cho thai phụ khi lựa chọn một liệu trình điều trị. Bởi nhiều thai phụ sẽ cảm thấy vô cùng đau buồn, cảm giác tội lỗi và lo lắng sau khi sảy thai.
Bên cạnh đó, bằng cách sử dụng thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm cũng có thể hỗ trợ thai phụ trong thời gian khó khăn này.
6. Thời gian phục hồi
Thời gian phục hồi liên quan đến việc sảy thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố thời gian mang thai được bao lâu.
Đối với hầu hết phụ nữ, thời gian để phục hồi thể chất là tương đối ngắn. Thai phụ sau khi trải qua quá trình phẫu thuật cắt bỏ thai nhi có thể không gặp phải triệu chứng thực thể nào sau khi hết chảy máu. Cũng có trường hợp, thai phụ gặp phải các biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng tử cung thì cần thời gian hồi phục lâu hơn.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng về mặt cảm xúc của việc sảy thai có thể kéo dài hơn nhiều. Có những thai phụ sẽ đau buồn suốt đời nhưng cũng có những người cảm thấy tốt hơn sau khi thụ thai một em bé khác.
Nhiều phụ nữ cần thời gian để nguôi đi nỗi đau buồn sau sảy thai và họ nhận thấy việc trò chuyện với những người thân yêu hay tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc gặp gỡ bác sĩ trị liệu chuyên về sảy thai sẽ giúp ích rất nhiều cho họ.
Sau khi sảy thai, nhiều phụ nữ lo lắng rằng mình sẽ không thể mang thai lần nữa. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy phụ nữ có thể mang thai lần nữa một cách an toàn sau khi sảy thai. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khả năng mang thai có thể cao hơn một chút sau khi sảy thai.
Một số trường hợp sảy thai không chảy máu hay không xuất hiện triệu chứng cụ thể nào, trong khi một số trường hợp khác gây đau đớn và cần phải phẫu thuật. Thông qua việc nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế hay các chuyên gia tâm lý có thể giúp thai phụ giải quyết những ảnh hưởng về thể chất lẫn tinh thần của việc sảy thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.