Sau sinh 2 tháng vẫn ra nhiều máu đỏ tươi là bị làm sao?

Hỏi

Chào bác sĩ! Em sinh em bé hơn 2 tháng rồi mà sản dịch vẫn còn ra nhiều máu đỏ tươi. Em có đi khám thì vết thương bình thường, siêu âm tử cung sạch. Vậy bác sĩ cho em hỏi sau sinh 2 tháng vẫn ra nhiều máu đỏ tươi là bị làm sao? Điều trị như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn bác sĩ.

Bach Le, 1991

Trả lời

Chào bạn. Để tư vấn cho bạn: “Sau sinh 2 tháng vẫn ra nhiều máu đỏ tươi là bị làm sao?”, bác sĩ xin gửi đến bạn những thông tin sau:

Thời kỳ hậu sản là thời gian trở về bình thường của cơ quan sinh dục (trừ vú vẫn phát triển tiết sữa) về mặt giải phẫu và sinh lý. Khi có thai, các cơ quan sinh dục và vú phát triển dần, sau khi đẻ sẽ trở lại tình trạng bình thường như khi không có thai. Thời kỳ này kéo dài khoảng 42 ngày kể từ ngày sau khi đẻ, ở những người không cho con bú, kinh nguyệt có thể xuất hiện trở lại.

Những hiện tượng lâm sàng:

  • Sự co hồi tử cung

Sau đẻ, tử cung cao trên khớp mu 13cm, trung bình mỗi ngày tử cung co hồi 1 cm, ngày đầu có thể có nhanh hơn 2 - 3 cm và sau đẻ 12 - 13 ngày không thấy đáy tử cung trên khớp vệ.

Vì trong tử cung vẫn còn máu cục và sản dịch, nên thỉnh thoảng tử cung có những cơn co bóp mạnh để tống máu cục và sản dịch ra ngoài gây ra những cơn đau ở tử cung, ở người con so thường ít gặp vì chất lượng cơ tử cung còn tốt, tử cung luôn luôn co chặt lại.

Các cơn đau tử cung thường gặp ở người con rạ, mức độ đau nhiều hay ít tùy theo cảm giác của mỗi người, nhưng càng đẻ nhiều lần càng đau vì chất lượng cơ tử cung yếu dần, tử cung cần phải co bóp mạnh hơn các lần trước để đẩy máu cục và sản dịch ra ngoài. Đôi khi, các cơn đau tử cung này cần phải dùng thuốc giảm đau vì cường độ quá mạnh.

Ở một số sản phụ, các cơn đau này có thể kéo dài nhiều ngày. Các cơn đau tử cung đặc biệt cũng có thể gặp khi cho trẻ bú do oxytocin được giải phóng ra nhiều. Thông thường các cơn đau giảm dần về cường độ và sản phụ thấy dễ chịu vào

ngày thứ 3 sau đẻ. Sau đẻ cần phải theo dõi sự co hồi tử cung bằng cách đo chiều cao tử cung, tính từ khớp mu đến đáy tử cung.

Sự co hồi tử cung phụ thuộc vào:

  • Ở người con so tử cung co hồi nhanh hơn ở người con rạ.
  • Ở người đẻ thường co nhanh hơn người mổ đẻ.
  • Người cho con bú co nhanh hơn người không cho con bú.
  • Tử cung bị nhiễm khuẩn co chậm hơn tử cung không bị nhiễm khuẩn.
  • Bí đái, táo bón sau đẻ tử cung bị đẩy lên cao và co hồi chậm.

Trên lâm sàng nếu thấy tử cung co hồi chậm, tử cung còn to và đau, bệnh nhân sốt, sản dịch hôi cần phải nghĩ tới nhiễm khuẩn hậu sản.

  • Sản dịch

Là dịch từ buồng tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu của thời kỳ hậu sản. Thành phần Sản dịch được tạo nên bởi máu cục và máu loãng chảy từ niêm mạc tử cung, nhất là từ vùng rau bám, các mảnh ngoại sản mạc, các sản bào, các tế bào biểu mô ở cổ tử cung và âm đạo bị thoái hoá bong ra.

Trong 3 ngày đầu, sản dịch toàn máu loãng và máu cục nhỏ nên có màu đỏ sẫm. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, sản dịch loãng hơn, chỉ còn là một chất nhầy lẫn ít máu nên có màu lờ lờ máu cá. Từ ngày thứ 9 trở đi, sản dịch chỉ còn là một dịch trong.

Bình thường, trong sản dịch không bao giờ có mủ, nhưng khi đi qua âm đạo, âm hộ, sản dịch mất tính chất vô khuẩn và có thể bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh.

Mùi: Sản dịch sau sinh có mùi tanh nồng, pH kiềm, nếu bị nhiễm khuẩn sẽ có mùi hôi.

Khối lượng: Thay đổi tuỳ người. Trong 10 ngày đầu, trung bình sản dịch có thể ra tới 1500g, đặc biệt ngày thứ nhất và ngày thứ hai ra nhiều, có thể lên đến 1000g. Các ngày sau sản dịch ít dần, sau 2 tuần sản dịch sẽ hết hẳn.

Ở người con so, sản dịch hết nhanh vì tử cung co hồi nhanh hơn. Ở người mổ đẻ, sản dịch thường ít hơn so với người đẻ thường.

Trên lâm sàng, 3 tuần sau đẻ ở một số sản phụ có thể ra một ít máu, đó là hiện tượng kinh non do niêm mạc tử cung phục hồi sớm. Nếu không cho con bú, có thể có kinh lại lần đầu tiên sau 6 tuần sau đẻ và đó cũng là chấm dứt thời kỳ hậu sản, kỳ kinh nguyệt đầu thường nhiều và kéo dài hơn các kỳ kinh bình thường.

  • Sự xuống sữa

Nếu không cho con bú, có thể bạn có kinh lại lần đầu tiên sau 6 tuần sau đẻ và đó cũng là chấm dứt thời kỳ hậu sản, kỳ kinh nguyệt đầu thường nhiều và kéo dài hơn các kỳ kinh bình thường có thể có kinh lại và kỳ kinh đầu này thường kéo dài và ra nhiều hơn bình thường .

Trong giai đoạn này Bạn nên thực hiện theo :

  • Chế độ vệ sinh, vận động, dinh dưỡng
  • Không tắm ở nơi gió lùa, ngâm mình trong bồn nước vì cổ tử cung còn mở.
  • Cần tránh giao hợp trong thời kỳ hậu sản vì dễ gây nhiễm khuẩn.
  • Ăn uống đầy đủ, kiêng các chất kích thích như rượu, chè, cà phê, thuốc lá...
  • Ngủ đầy đủ để nhanh hồi phục sức khoẻ và đủ sữa nuôi con.
  • Chế độ mặc: quần áo rộng rãi, sạch, thoáng, không mặc quần áo quá chật.
  • Chế độ vận động: Có thể tập thể dục nhẹ nhàng để tránh táo bón ; giúp ăn ngon và làm cho cơ thành bụng chóng hồi phục trở lại bình thường.
  • Một tuần sau đẻ có thể làm việc nhẹ nhàng. Tránh lao động nặng, mang xách nặng trong thời kỳ hậu sản để khỏi gây sa sinh dục.

Bạn có thể đến các cơ sở Y tế uy tín hoặc một trong các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc sớm để được tư vấn cụ thể hơn về tình trạng sau sinh 2 tháng vẫn ra máu.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Vinmec. Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe