Sau sảy thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ Lê Thị Phương đã có 29 năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa.

Mang thai sau sảy thai có thể khiến nhiều phụ nữ căng thẳng và lo lắng về nguy cơ sảy thai lặp lại. Tìm hiểu những thông tin về việc sau sảy thai cần làm gì sẽ giúp các bà mẹ bắt đầu một thai kỳ tiếp theo khỏe mạnh.

1. Nguyên nhân gây sảy thai

Sảy thai là tình trạng mất thai tự nhiên trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ chiếm khoảng 8 - 20%, song tổng số trường hợp sảy thai thực tế có thể cao hơn vì nhiều chị em thậm chí đã bị sảy thai ngay trước khi phát hiện mình đang mang thai. Sảy thai thường chỉ xảy ra một lần và đa số phụ nữ sau sảy thai có thể tiếp tục bắt đầu một thai kỳ mới hoàn toàn khỏe mạnh. Sảy thai nhiều lần chỉ chiếm 1% trong tổng số các trường hợp.

Nguy cơ sảy thai lặp lại trong lần mang thai kế tiếp ở nữ giới đã từng bị sảy thai trước đây là:

  • Sau sảy thai một lần: Khoảng 20%;
  • Sau sảy thai hai lần liên tiếp: Khoảng 28%;
  • Sau sảy thai ba lần liên tiếp: Khoảng 43%;

Nhiều trường hợp sảy thai bắt nguồn từ nguyên nhân thai nhi không phát triển bình thường, trong đó khoảng 50% những ca mất thai sớm liên quan đến các vấn đề ở nhiễm sắc thể của em bé. Hầu hết sự bất thường của nhiễm sắc thể xuất hiện ngẫu nhiên khi phôi phân chia và phát triển, tuy nhiên tình trạng này diễn ra phổ biến hơn ở những thai phụ lớn tuổi. Ngoài ra một số vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như kém kiểm soát tiểu đường hoặc bệnh lý ở tử cung, cũng có thể dẫn đến sảy thai. Mặc dù vậy, nhìn chung thì nguyên nhân gây sảy thai thường không rõ ràng.


Nhiều trường hợp sảy thai bắt nguồn từ nguyên nhân thai nhi không phát triển bình thường
Nhiều trường hợp sảy thai bắt nguồn từ nguyên nhân thai nhi không phát triển bình thường

2. Sau sảy thai cần làm gì?

Sau sảy thai, nếu mô thai không còn sót lại trong tử cung thì bệnh nhân sẽ không cần phải điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn còn một số mô thai nằm lại trong tử cung, bác sĩ có thể đề nghị:

Chờ mô thai xổ tự nhiên ra khỏi tử cung

Áp dụng với những trường hợp sảy thai trong ba tháng đầu, người mẹ có thể chờ từ 7 - 14 ngày sau sảy thai để mô xổ tự nhiên ra ngoài. Sảy thai kết thúc khi những cơn đau và xuất huyết ngừng hoàn toàn. Nếu các triệu chứng không giảm hay thậm chí là nặng hơn, hoặc xét nghiệm sau 3 tuần cho thấy bệnh nhân vẫn còn đang mang thai, bác sĩ có thể cần phải tiến hành điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Cần đến ngay bệnh viện nếu chị em bị chảy máu hoặc đau dữ dội, đôi khi kèm theo sốt cao trong thời gian chờ đợi này.

Dùng thuốc kích thích đẩy các mô thai ra khỏi tử cung

Nếu mô thai không thoát ra tự nhiên trong vòng 2 tuần, phụ nữ cần dùng thuốc đặt trực tiếp vào âm đạo, có tác dụng kích thích cổ tử cung mở rộng để đẩy các mô ra ngoài. Thuốc sẽ bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng một vài giờ khiến chị em gặp các triệu chứng tương tự như đang bị hành kinh dữ dội, bao gồm chuột rút và chảy máu âm đạo có thể kéo dài đến 3 tuần.

Đa phần quá trình điều trị sẽ diễn ra tại nhà, tuy nhiên bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay nếu như thấy máu chảy quá nhiều hoặc ngược lại, máu không chảy trong vòng 24 giờ sau khi đặt thuốc. Trong trường hợp kết quả thử thai tại nhà sau 3 tuần dùng thuốc cho thấy vẫn đang mang thai, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật.

Phẫu thuật để loại bỏ mô thai

Phẫu thuật được tiến hành để loại bỏ tất cả mô thai còn sót lại trong trường hợp: bệnh nhân bị chảy máu nặng liên tục; mô thai đã bị nhiễm trùng; hoặc hai hình thức điều trị chờ đợi tự nhiên và đặt thuốc không thành công. Bác sĩ sẽ dùng một thiết bị hút, kết hợp với thuốc gây mê và/hoặc gây tê cục bộ trong quá trình loại bỏ hoàn toàn mô thai.

Tất cả những hình thức trên đều rất hiếm khi có nguy cơ xảy ra biến chứng và việc đưa ra lựa chọn điều trị sẽ tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân.


Nếu mô thai không thoát ra tự nhiên trong vòng 2 tuần, phụ nữ cần dùng thuốc đặt trực tiếp vào âm đạo, có tác dụng kích thích cổ tử cung mở rộng để đẩy các mô ra ngoài
Nếu mô thai không thoát ra tự nhiên trong vòng 2 tuần, phụ nữ cần dùng thuốc đặt trực tiếp vào âm đạo, có tác dụng kích thích cổ tử cung mở rộng để đẩy các mô ra ngoài

3. Thời điểm tốt nhất để mang thai sau sảy thai

Sảy thai sẽ đem đến cảm giác mất mát dữ dội, khiến cả hai vợ chồng đều phải trải qua thời gian buồn bã, lo lắng hay thậm chí là cảm giác tội lỗi. Do đó các chuyên gia thường khuyên những cặp đôi không nên vội vã và cố gắng thụ thai ngay sau đó.

Nữ giới cần tránh quan hệ tình dục trong hai tuần kể từ sau khi sảy thai, hoặc cho đến khi tất cả các triệu chứng sảy thai đã biến mất, để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ dần ổn định sau khoảng từ 2 tuần cho đến vài tháng, khi quá trình rụng trứng trở lại bình thường cũng là lúc chị em có khả năng thụ thai nếu không áp dụng các biện pháp tránh thai.

Khi đã cảm thấy sẵn sàng về mặt cảm xúc lẫn thể chất, phụ nữ nên nhờ bác sĩ tư vấn để tiếp tục mang thai sau sảy thai một cách an toàn. Vấn đề này sẽ không quá phức tạp nếu chị em chỉ mới sảy thai một lần, tuy nhiên nếu đã có hai hoặc nhiều lần sảy thai, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân làm một số xét nghiệm và thăm khám để tìm ra bất thường.

4. Các xét nghiệm thường làm trước khi mang thai sau sảy thai

Đối với bệnh nhân đã từng sảy thai hai lần liên tiếp trở lên, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính gây sảy thai trước khi mang thai lần nữa. Chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các vấn đề bất thường ở hormone hoặc hệ thống miễn dịch của người phụ nữ;
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể: Cần kiểm tra cả hai vợ chồng để xác định xem liệu nhiễm sắc thể của bố hoặc mẹ có phải là yếu tố gây sảy thai hay không;
  • Mô bào thai đã sảy: Nếu có sẵn thì đôi khi các bác sĩ cũng có thể đề nghị kiểm tra;
  • Kiểm tra tử cung bằng siêu âm thường hoặc bơm nước, nội soi, chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ (MRI).

Thực tế cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân đã từng bị sảy thai nhiều lần vẫn có khả năng mang thai lần nữa khỏe mạnh. Chính vì vậy chị em không nên quá tuyệt vọng nếu không thể xác định được nguyên nhân gây sảy thai thông qua các xét nghiệm như trên.

5. Biện pháp giúp tăng cơ hội mang thai khỏe mạnh


Trong thời gian mang thai, bà bầu cần hạn chế tiêu thụ cafein
Trong thời gian mang thai, bà bầu cần hạn chế tiêu thụ cafein

Điều đáng tiếc là không có biện pháp nào giúp ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, việc tuân thủ lối sống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng đối với cả thai phụ lẫn em bé, giúp giảm thiểu rủi ro mất thai tự nhiên. Chẳng hạn như:

  • Nên bổ sung vitamin hoặc axit folic trước khi sinh mỗi ngày, tốt nhất là bắt đầu thói quen này trước một vài tháng, ngay khi đang lên kế hoạch thụ thai;
  • Trong thời gian mang thai, bà bầu cần hạn chế tiêu thụ cafein và tránh uống rượu, hút thuốc cũng như tất cả những chất kích thích nguy hại khác.

Vui mừng lẫn lo lắng là cảm xúc thường gặp ở phụ nữ khi mang thai sau sảy thai. Mặc dù bắt đầu một thai kỳ mới sẽ đem lại nhiều niềm vui, tuy nhiên lo lắng và trầm cảm vẫn có nguy cơ xuất hiện ngay cả sau khi người mẹ đã sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh. Do đó nữ giới đang trong giai đoạn này nên chủ động chia sẻ cảm xúc của bản thân với người bạn đời, người thân trong gia đình hoặc bạn bè để được thoải mái về mặt tinh thần. Nếu gặp bất kỳ khó khăn trở ngại nào xung quanh vấn đề sau sảy thai cần làm gì, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ thêm.

Những phụ nữ có tiền sử sảy thai cần hết sức thận trọng ở những lần mang thai kế tiếp. Để khả năng thụ thai cao nhất và đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, trước khi có kế hoạch mang thai, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng. Bạn sẽ được khám đánh giá khả năng sinh sản, tình dục, sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, sàng lọc các bệnh lý về di truyền. Đặc biệt, quá trình khám này sẽ có thể phát hiện sớm nguyên nhân có thể dẫn tới vô sinh, hiếm muộn để có những biện pháp can thiệp sớm. Các bác sĩ cũng sẽ tư vấn thời điểm sinh con tốt nhất và các biện pháp để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh thông minh.


Hình ảnh khách hàng được tư vấn sức khỏe sinh sản trước khi mang thai tại Vinmec
Hình ảnh khách hàng được tư vấn sức khỏe sinh sản trước khi mang thai tại Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; nhs.uk

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe