Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chuyên khoa II - Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thai ngoài tử cung là một hiện tượng thai nghén bất thường, không mong muốn của các gia đình. Hiện tượng này nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà bầu.
1. Hiện tượng thai ngoài tử cung là gì và xảy ra như thế nào?
Quá trình thụ thai bình thường xảy ra ở 1/3 ngoài của ống dẫn trứng. Noãn sau khi kết hợp với tinh trùng được gọi là trứng thụ tinh, phát triển dần thành phôi thai. Sau khi được thụ tinh, trứng sẽ di chuyển dần về tử cung để làm tổ và phát triển thành thai nhi trong buồng tử cung.
Hiện tượng thai ngoài tử cung xảy ra khi sự di chuyển của trứng thụ tinh bị trì trệ hoặc không có sự di chuyển, khi này trứng đã thụ tinh tiếp tục phát triển dần thành phôi thai và nhau thai trong túi thai ở ngoài tử cung. Vị trí thai làm tổ ngoài tử cung gồm có:
- Trên 95% hiện tượng thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng: Loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo hoặc đoạn kẽ.
- Chỉ khoảng 5% xảy ra ở các vị trí khác như: Trong ổ bụng, buồng trứng, cổ tử cung hay sẹo mổ cũ.
Đa phần hiện tượng thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng, khi này túi thai phát triển sẽ hình thành các gai nhau ăn sâu vào lớp niêm mạc của ống dẫn trứng. Do cấu tạo lớp nội mạc của ống dẫn trứng khác với nội mạc tử cung nên nguy cơ vỡ xuất huyết trong trường hợp này luôn xảy ra. Thai ngoài tử cung vỡ là một trường hợp cấp cứu phụ khoa thường gặp. Đây từng là nguyên nhân gây tử vong cho phụ nữ trong những thập niên 70 - 80 trở về trước.
2. Ai dễ bị thai ngoài tử cung?
Những phụ nữ sau đây có nguy cơ bị thai ngoài tử cung cao hơn bình thường, đó là:
- Những phụ nữ bị viêm nhiễm vùng chậu, nguyên nhân do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae và vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra tình trạng viêm dính ống dẫn trứng.
- Những người có tiền sử bị thai ngoài tử cung.
- Những người đã từng nạo hút thai sẽ làm tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung lên 5 lần so với người bình thường.
Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ khác như là:
- Dụng cụ trong lòng tử cung.
- Tiền sử vô sinh.
- Hút thuốc lá.
- Quan hệ tình dục với nhiều người.
- Quan hệ tình dục từ rất sớm: Đây là một yếu tố gián tiếp gây ra những bệnh lý lây qua đường tình dục.
3. Một số câu hỏi liên quan đến hiện tượng thai ngoài tử cung
3.1. Thai ngoài tử cung có phải cắt buồng trứng không?
Do vị trí thường gặp của thai ngoài tử cung là ở ống dẫn trứng nên hầu như hai buồng trứng được giữ nguyên vẹn sau mổ thai ngoài tử cung.
Trường hợp thai ngoài tử cung nằm ở buồng trứng khiến phải can thiệp vào buồng trứng rất hiếm gặp.
3.2. Sau mổ thai ngoài tử cung có bị vô sinh không?
Trước tiên, xét trường hợp mổ nội soi, bảo tồn ống dẫn trứng. Sau khi mổ 3 tháng, bệnh nhân được tiến hành chụp tử cung - ống dẫn trứng có cản quang được bơm vào lòng tử cung qua âm đạo để đánh giá những bất thường trong tử cung và ống dẫn trứng. Kỹ thuật này được thực hiện vào thời điểm ngày thứ 8 - 10 chu kỳ kinh, tính từ ngày đầu tiên có kinh.
Theo số liệu thống kê kết quả cho thấy tỷ lệ thông ống dẫn trứng khi ngấm thuốc đều đạt 78%. Điều này cho phép bệnh nhân có khả năng có thai bình thường ở lần sau. Đây chính là một bước tiến bộ giúp phụ nữ không may bị chửa ngoài tử cung vẫn mong muốn được làm mẹ.
Còn với trường hợp mổ mở, cắt bỏ bên ống dẫn trứng chứa túi thai có gây vô sinh hay không? Với những phụ nữ mổ chửa ngoài tử cung 1 lần, có nghĩa là vẫn còn 1 bên vòi trứng bình thường, thì vẫn có thể có thai bình thường, tuy rằng tỷ lệ có thai đã bị giảm 50% so với phụ nữ bình thường.
Trong trường hợp đã chờ đợi hơn 1 năm mà vẫn chưa có thai, bệnh nhân cần phải đi khám, kiểm tra xem vòi trứng còn lại có thông hay không. Nếu vòi trứng đó bị tắc, có thể tiến hành phương pháp nội soi nối vòi trứng. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao hơn so với thụ tinh nhân tạo.
Trong trường hợp chửa ngoài tử cung hai bên, phải cắt bỏ cả 2 ống dẫn trứng, sẽ không thể thụ tinh bình thường được. Lúc này cần tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm nếu như vẫn muốn mang thai và làm mẹ.
Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, giúp phát hiện sớm tình trạng thai ngoài tử cung, giúp điều trị bảo tồn ống dẫn trứng tốt, qua đó duy trì khả năng sinh sản bình thường cho bệnh nhân. Còn với những trường hợp phải cắt bỏ cả 2 bên vòi trứng vẫn có thể có thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chửa ngoài tử cung
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.