Hỏi
Chào bác sĩ! Bác sĩ cho hỏi:
- Sau khi chích áp xe vú có nên có bé bú hoặc vắt bỏ sữa ở bên vú bị chích hàng ngày không ạ? Vì nếu không vắt bỏ có nguy cơ đau nhức, hoặc bị viêm lại.
- Sau khi chích áp xe bị sốt 38-39 độ là bình thường? Bác sĩ nói uống efferalgan 500 để giảm đau vào sốt 6 viên/ngày có được không? Có nên dùng thêm thuốc gì khác không ạ?
Mong nhận được câu trả lời của bác sĩ về vấn đề sau chích áp xe vú có nên cho con bú và nếu bị sốt nên dùng thuốc gì? Em xin cảm ơn.
Câu hỏi ẩn danh
Trả lời
Chào bạn! Áp xe vú hay gặp nhất trong thời kỳ người phụ nữ sinh đẻ, nuôi con (áp xe vú trong thời kỳ cho bú). Các vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập vào tuyến vú qua hai đường trực tiếp và gián tiếp
- Đường trực tiếp: Các vi khuẩn gây bệnh thường có trên da có thể xâm nhập trực tiếp vào tuyến vú qua các ống dẫn sữa hoặc các vết xây xát ở núm vú và vùng quầng vú.
- Đường gián tiếp: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào tuyến vú từ một ổ nhiễm khuẩn nào đó của cơ thể qua đường máu hoặc đường bạch huyết
Có thể chia ra: Giai đoạn viêm và giai đoạn tạo thành áp xe
- Giai đoạn viêm: Bệnh thường khởi phát đột ngột sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Đau nhức sâu ở trong tuyến, đau tăng khi khám, khi cử động cánh tay. Vú bị viêm to ra, chắc, hạch nách cùng bên to và đau. Vùng da ở phía trên ổ viêm có thể bình thường nếu ổ viêm ở sâu trong tuyến hoặc có thể nóng đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay dưới da hoặc trên bề mặt của tuyến. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng cao, công thức bạch cầu chuyển trái, tốc độ máu lắng tăng cao.
- Giai đoạn tạo thành áp xe: Áp xe vú là những túi mủ khu trú ở vú được hình thành do sự hoại tử các mô. Có thể có một hoặc nhiều ổ áp xe nằm ở một hoặc nhiều thuỳ khác nhau của tuyến vú. Ở giai đoạn tạo thành áp xe tất cả các triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng lên. Toàn thân biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc: sốt cao kèm theo rét run rùng mình. Môi khô, lưỡi bự bẩn, đau đầu, khát nước. Da xanh, cơ thể gầy yếu, mất ngủ. Đau nhức nhối, đau sâu trong tuyến vú. Đau tăng khi vận động cánh tay, khi cho con bú. Tại chỗ: Vú sưng to, vùng da phía trên ổ áp xe thường nóng, căng, xung huyết đỏ hoặc phù tím. Da cũng có thể vẫn bình thường nếu ổ áp xe nằm ở sâu. Các tĩnh mạch dưới da nổi rõ có hiện tượng viêm bạch mạch, núm vú tụt. Sờ có thể thấy dấu hiệu ba động. Nếu ổ áp xe thông với các ống dẫn sữa thì có thể thấy sữa lẫn mủ chảy qua đầu núm vú. Chọc hút đúng ổ áp xe có thể hút được mủ.
- Tiến triển và biến chứng: Viêm mủ tuyến vú nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể diễn biến theo các hướng sau: Viêm xơ tuyến vú mãn tính là hậu quả của việc dùng kháng sinh kéo dài ở giai đoạn áp xe hoặc là hậu quả của các quan niệm sai lầm: tiêm trực tiếp kháng sinh vào tuyến vú để điều trị áp xe vú. Ở giai đoạn này biểu hiện toàn thân khá hơn. Không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Khám có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt lổn nhổn, ranh giới không rõ ràng, không dính da,ít đau.
Viêm mô liên kết (viêm tấy tuyến vú) là quá trình viêm mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, tổ chức lỏng lẻo dưới da, tổ chức liên kết và tổ chức tuyến vú. Quá trình viêm được khuếch tán lan rộng và thấm ướt tổ chức Diễn biến lâm sàng thường được biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng. Vùng thâm nhiễm không có ranh giới rõ ràng .
Hoại tử vú là biến chứng nặng nhất cả quá trình viêm mủ vú do những vi trùng có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra. Lâm sàng được biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, huyết áp tụt, toàn thân suy mòn. Tuyến vú sưng to, phù nề, da có màu vàng nhạt, có thể hoại tử. Hệ thống hạch bạch huyết sưng đau.
Để tránh áp xe vú trong thời kỳ cho bú cần: giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Tránh làm xây xát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa tắc sữa.
Tùy theo vị trí và kích thước của ổ áp xe mà có thái độ điều trị khác nhau. Về nguyên tắc khi đã tạo thành áp xe thì cần phải chích rạch, tháo mủ. Sau khi tháo mủ, kết hợp với dùng kháng sinh toàn thân. Giai đoạn sữa ứ trệ, vú sưng đầy đau, sữa ra không đều, không thông, sắc da đỏ nhẹ hoặc không đỏ, có hòn cục nhỏ, kèm theo người sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau mình mẩy, ngực tức. Rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng.
Trường hợp sưng đau do sữa tắc, dùng cả lòng bàn tay vừa xoa vừa day, nắn vuốt theo hướng xuôi xuống đầu vú, xem đầu vú có bị vảy sữa thì bóc đi, mục đích là để thông sữa. Có thể dùng giác và hút sữa từ đầu vú.
Giai đoạn làm mủ, bầu vú sưng to, da đỏ nóng từng đám hoặc cả vú, đau sốt cao, người bứt rứt khó chịu, miệng khát muốn uống. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
Ngoài ra, có thể chích rạch da tạo mủ hay chọc hút mủ. Giai đoạn vỡ mủ, mủ tự vỡ hoặc chích rạch tháo mủ, thân nhiệt hạ, sưng đau giảm, miệng liền dần. Kết hợp nghỉ ngơi, không cho bú bên tổn thương, vắt bỏ sữa. Kháng sinh (Rovamycine 500mg x 2v / ngày trong 15 ngày, phối hợp các thuốc chống viêm). Thuốc diệt nấm cho cả mẹ và con. Giảm đau paracetamol 500mg/lần. tối đa 3g trong 24g
Vật lý trị liệu: xoa bóp, chườm nóng. Khuyến khích mẹ tiếp tục cho con bú ngay trong khi có ổ mủ 3. Phòng ngừa áp xe vú là bệnh có thể phòng ngừa được. Để phòng tránh áp xe vú, các bà mẹ đang cho con bú cần chú ý một số điều sau:
- Sau khi sinh con mẹ nên massage nhẹ nhàng bầu vú để ống dẫn sữa thông thoát và cho con bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và bú đúng tư thế.
- Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ trước và sau khi cho con bú.
- Nên cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú, nếu không phải vắt hết sữa thừa sau mỗi lần con bú.
- Nếu có hiện tượng tắc tia sữa, phải điều trị kịp thời để thông ống dẫn sữa. Để tránh bị tắc tia sữa, bạn có thể xoa bóp bằng tay, chườm ấm, chiếu đèn hồng ngoại...
- Tránh làm nứt hoặc xước núm vú, vì đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa. Tránh để da bị khô nẻ nên mặc áo ngực phù hợp, vừa vặn... để tránh gây tổn thương vú.
- Không cai sữa sớm, khi cai sữa, nên giảm dần số lượng và số cữ bú từ từ.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ câu hỏi “Sau chích áp xe vú có nên cho con bú và nếu bị sốt nên dùng thuốc gì?” tới Hệ thống Y tế Vinmec. Chúc bạn luôn có sức khỏe tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng