Sau cai sữa: Một số vấn đề sức khỏe trẻ có thể gặp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Cai sữa là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của bé. Vì vậy, để vượt qua bước ngoặt của bé thuận lợi và thành công, mẹ nên chú ý chăm sóc bé sau cai sữa đúng cách, để ý đến chế độ dinh dưỡng của bé, đảm bảo cho bé phát triển tốt nhất.

1. Thời điểm trẻ có thể cai sữa mẹ

Thông thường trong vòng 6 tháng đầu, mẹ nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Sữa mẹ vừa đảm bảo nguồn dinh dưỡng tối ưu cho hệ tiêu hoá và sự phát triển toàn diện của bé, vừa cung cấp các yếu tố tăng cường hệ miễn dịch cho bé mà không một thức ăn nào có thể thay thế. Ngoài tháng thứ 6, khi hệ tiêu hoá của bé đã sẵn sàng và nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng cao, mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm. Đến tháng thứ 12, nhiều bà mẹ đã bắt đầu tiến hành việc cai sữa cho con. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, tốt nhất mẹ nên cai sữa cho bé khi bé được 18 – 24 tháng tuổi.

2. Những bệnh bé thường gặp sau khi cai sữa mẹ

Sau khi cai sữa cho bé, cha mẹ có thể thấy sự phát triển lớn mạnh khi con được tiếp xúc nguồn dinh dưỡng mới lạ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ về nhiều căn bệnh trẻ nhỏ.

  • Chứng rối loạn hệ tiêu hóa

Sau khi cai sữa, bé rất dễ gặp tình trạng rối loạn hệ tiêu hóa, bởi nhiễm khuẩn khả năng cao từ nguồn thức ăn, nước uống hay đồ chơi... Những biểu hiện dễ thấy nhất đó là tiêu chảy nặng hoặc táo bón, kèm theo nôn trớ nhiều, óc ách, đầy bụng và khó tiêu...

  • Đường hô hấp nhiễm khuẩn

Thời kỳ sau khi cai sữa, bé ngừng nhận được kháng thể từ mẹ, trong khi tiếp xúc môi trường ngoài nhiều hơn, đây là nguyên nhân chính khiến bé gặp tình trạng nhiễm khuẩn ảnh hưởng tới hệ hô hấp, cụ thể như: sổ mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm amygdales,...

  • Suy dinh dưỡng

Rất nhiều trường hợp, sau khi cai sữa cho bé, con trở nên biếng ăn, không thích nghi được với chế độ ăn mới, dẫn tới tình trạng chậm lớn, còi cọc, phát triển chậm cả về cân nặng lẫn chiều cao... từ đó dẫn tới hệ quả suy dinh dưỡng, còi xương, ảnh hưởng đến cả sự phát triển giai đoạn trưởng thành sau này.

Những bé bị suy dinh dưỡng, đề kháng kém, dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc tiêu hoá. Từ đó, hình thành vòng bệnh luẩn quẩn: suy dinh dưỡng, còi xương -> đề kháng suy giảm -> nhiễm khuẩn -> suy dinh dưỡng, còi xương.


Rất nhiều trường hợp, sau khi cai sữa cho bé, con trở nên biếng ăn
Rất nhiều trường hợp, sau khi cai sữa cho bé, con trở nên biếng ăn

3. Phòng bệnh ở bé sau cai sữa

Chính vì sau cai sữa con dễ mắc các chứng bệnh như trên, thế nên cha mẹ cần lưu ý phòng ngừa cho con sớm nhất có thể, để con được phát triển toàn diện về sau.

  • Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ

Các chuyên gia dinh dưỡng vẫn luôn nhắc nhở, sữa mẹ luôn là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng và tốt nhất của bé. Sữa mẹ giàu chất xơ có khả năng hòa tan, khiến hệ tiêu hoá hoạt động dễ dàng, đồng thời tăng khả năng nhu động đường ruột, bé bú hoàn toàn sữa mẹ hiếm khi gặp tình trạng táo bón. Đặc biệt trong những ngày đầu đời, khi hệ miễn dịch của con còn non nớt chưa hoàn thiện, nguồn sữa non chứa kháng thể từ mẹ giúp bé được bảo vệ và chống lại tác nhân gây nhiễm khuẩn.

Nếu đủ sữa thì tốt nhất mẹ hãy để bé được ăn hoàn toàn sữa mẹ 6 tháng đầu đời, không cần kết hợp bất cứ loại sữa công thức nào khác, cung không cần bổ sung thêm nước.

  • Giữ môi trường sống lành mạnh

Để giúp bé phát triển khỏe mạnh, bố mẹ nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh và giữ nhà cửa sạch sẽ. Tuân thủ nguyên tắc cho bé ăn chín, uống sôi và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho bé, đặc biệt rửa tay sạch trước lúc ăn, sau lúc đi vệ sinh.

  • Cải thiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày

Cung cấp và bổ sung cho bé đầy đủ các dinh dưỡng, được cân đối với từng lứa tuổi. Khẩu phần ăn cho bé phải đầy đủ các loại rau xanh, trái cây, các loại vitamin cùng và nhiều dưỡng chất thiết yếu.

  • Điều trị bệnh nhiễm khuẩn sớm

Nếu bé không may bị nhiễm khuẩn, hệ tiêu hóa hay hô hấp phải cho con đi khám ngay, điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng thêm, ảnh hưởng tới sức khỏe, cùng khả năng phát triển toàn diện của con.

  • Tăng cường đề kháng

Thời điểm sau khi cai sữa, nhiều chức năng cơ thể bên trong con còn chưa được hoàn thiện, và khả năng miễn dịch chưa đủ phát triển. Vì vậy, để giúp con tăng cường đề kháng, mẹ nên bổ sung đầy đủ vitamin cùng những dưỡng chất thiết yếu, nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho con.

4. Chăm sóc bé sau khi cai sữa


Sau khi cai sữa thành công cho bé, việc quan trọng là mẹ cần bổ sung sữa công thức giàu dưỡng chất
Sau khi cai sữa thành công cho bé, việc quan trọng là mẹ cần bổ sung sữa công thức giàu dưỡng chất
  • Dừng bú mẹ từ từ

Tuỳ vào khả năng thích ứng của mỗi bé mà thời gian cai sữa có thể vài ngày, cũng có thể tới vài tuần. Mẹ không nên dừng cho con ăn sữa mẹ đột ngột, con dễ cảm thấy sốc, lạ lẫm và trở nên biếng ăn. Không những vậy, dừng đột ngột còn khiến mẹ dễ bị tắc sữa, nặng hơn là áp xe...Mẹ cũng không nên bắt con cai sữa thời điểm bé đang ốm hay đang tiêu chảy, lúc đó con chưa thích nghi được với chế độ dinh dưỡng mới, mà vốn sữa mẹ đang là nguồn cung cấp kháng thể và nước chính cho bé. Chính vì vậy, bé càng dễ rối loạn hệ tiêu hoá và càng suy dinh dưỡng.

Mẹ nên cai sữa cho bé từ từ. Đầu tiền là giảm dần các cữ bú trong ngày, rồi mỗi cữ bú sẽ nhanh hơn, ngắn hơn. Mẹ cũng có thể tận dụng sự hỗ trợ từ người thân mỗi khi con ăn sữa bình cũng như toàn thời gian cai sữa, ở bên chăm sóc và gần gũi bé hơn.

  • Thay thế bằng sữa công thức

Sau khi cai sữa thành công cho bé, việc quan trọng là mẹ cần bổ sung sữa công thức giàu dưỡng chất phù hợp với độ tuổi của bé. Nếu bé ăn 2 bữa/ngày thì cần uống ít nhất 800 ml sữa mỗi ngày, nếu bé ăn 3 bữa/ngày thì cần uống ít nhất 600 ml sữa mỗi ngày.

Với bé 6 tháng đến 2 tuổi, trong thời kỳ ăn dặm, mẹ cần cho con ăn đầy đủ dưỡng chất, và liều lượng ăn theo khả năng từng bé, tuy nhiên, sữa vẫn phải là nguồn cung cấp bổ sung năng lượng và dinh dưỡng quan trọng nhất

  • Bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn

Mẹ nên cho con làm quen với ăn dặm từ thời điểm 6 tháng tuổi. Có thể bắt đầu từ ăn loãng dần dần đến đặc, ăn ít dần dần tăng khẩu phần, cùng với đó là đa dạng các loại thực phẩm. Bé từ 6 tháng nên ăn mỗi ngày 2 bữa, còn bé ngoài 9 tháng, nên tăng mỗi ngày 3 bữa.

Bé cần được tăng cường các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo bé không bị thiếu hụt các nguồn dinh dưỡng thiết yếu. Chú ý khẩu phần ăn hàng ngày của bé phải cân đối, đa dạng thực phẩm, sử dụng các thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu, giàu chất xơ, giúp tăng cường miễn dịch như sữa, sữa chua, thịt, cá, trứng, rau, trái cây. Mẹ cần cho bé tiếp xúc nắng sớm hoặc bổ sung Vitamin D cho bé mỗi ngày để phòng chống bệnh còi xương.

Lưu ý chăm sóc bé sau cai sữa:

Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho bé sau khi cai sữa, mẹ nên chú ý một vài vấn đề sau:

  • Theo dõi cân nặng

Sau khi cai sữa cho bé, mẹ nên thường xuyên theo dõi cân nặng của con. Nếu thấy con chậm tăng cân thì mẹ phải xem lại chế độ ăn uống của bé cũng như khả năng hấp thụ của bé.

  • Không ép con ăn

Khi mới cai sữa không nên ép bé ăn quá nhiều sẽ khiến con có cảm giác khó chịu, dễ nôn, trớ và có tâm lý sợ ăn. Để bé ăn uống ngon miệng hãy chia thành nhiều bữa trong ngày để bé dễ ăn, không bị ngán và thường xuyên đổi thực đơn cho bé. Chú ý chế biến cho hợp khẩu vị của bé và thường xuyên thay đổi món để bé ăn được hết suất. Mẹ có thể kích thích sự ham thích của bé đối với các món ăn bằng cách để bé tham gia vào bữa ăn của cả gia đình.

  • Thức ăn phù hợp độ tuổi

Phần lớn bé ở độ tuổi cai sữa dù đã mọc răng nhưng cơ nhai chưa phát triển toàn diện nên vẫn còn yếu, chức năng của hệ tiêu hóa cũng chưa hoàn thiện như người lớn nên thức ăn cho bé cần nấu mềm, nhừ, chín kỹ để bé không bị hóc, hấp thu tốt và dễ tiêu hóa.

Sau cai sữa, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn của con nhiều hơn nhằm đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Có thể bổ sung thêm lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

TS.BS. Phan Nguyễn Thanh Bình đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong điều trị- can thiệp dinh dưỡng, đào tạo- huấn luyện về dinh dưỡng, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về mối liên quan giữa dinh dưỡng- lối sống- sức khỏe được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Tiến sĩ Thanh Bình hiện là Trưởng khoa Dinh dưỡng- Tiết chế, bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe