Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Con bạn cần sắt trong chế độ ăn uống để ngăn chặn tình trạng thiếu máu do thiếu sắt và giữ cho cơ thể của trẻ được khỏe mạnh. Sắt hỗ trợ tăng trưởng và giúp tạo ra các tế bào hồng cầu mới và mang oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể.
Trẻ sơ sinh được sinh ra với lượng sắt dự trữ kéo dài khoảng 6 tháng. Sau đó, em bé đang lớn của bạn cần nhận được chất sắt từ thực phẩm trong quá trình ăn dặm. Vậy nên bổ sung sắt từ những nguồn thực phẩm an toàn nào? Hàm lượng sắt cần bổ sung là bao nhiêu? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho các bà mẹ về việc bổ sung sắt trong chế độ ăn của trẻ.
1. Sắt là gì? Tại sao sắt lại quan trọng?
Sắt rất quan trọng đặc biệt đối với trẻ em bởi nó là thành phần sản xuất hemoglobin - một loại sắc tố đỏ có vai trò vận chuyển oxy trong máu và myoglobin - một loại sắc tố lưu trữ oxy trong cơ bắp. Ngoài ra, sắt còn đóng vai trò thiết yếu trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, bao gồm tổng hợp DNA (deoxyribonucleic acid), tăng cường hệ miễn dịch, duy trì mô liên kết, góp phần trong sự phát triển sinh lý và thần kinh, sản xuất một số hormon và năng lượng. Thiếu sắt có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và năng suất lao động, ảnh hưởng sự phát triển trí não hay tệ hơn là ảnh hưởng đến tính mạng.
2. Biểu hiện của thiếu sắt
Thiếu sắt là khi cơ thể cạn kiệt nguồn sắt dự trữ. Trẻ em từ khi sinh ra đến 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn sẽ nhận được nguồn cung cấp đủ sắt trong sữa mẹ. Sau 12 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có nguy cơ thiếu sắt do trẻ bú ít hơn, và các loại thực phẩm trẻ ăn không cân bằng được lượng sắt trẻ cần. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, đó là khi số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể bạn quá thấp, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nội tạng quan trọng.
Nhiều trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào vì nguồn cung cấp sắt trong cơ thể bị cạn kiệt từ từ. Nhưng khi thiếu máu tiến triển, một số triệu chứng sau có thể xuất hiện:
- Mệt mỏi và suy nhược
- Da và niêm mạc nhợt nhạt
- Tim đập loạn nhịp (Rối loạn nhịp tim)
- Tăng cân chậm
- Cáu gắt
- Giảm sự thèm ăn hoặc có cảm giác thèm ăn bất thường đối với các chất không có dinh dưỡng, chẳng hạn như nước đá, tinh bột nguyên chất
- Chóng mặt hoặc cảm giác lâng lâng
- Phát triển nhận thức và xã hội chậm
- Viêm lưỡi
- Khó duy trì nhiệt độ cơ thể
- Tăng khả năng nhiễm trùng (hệ thống miễn dịch kém)
Khi con bạn có những dấu hiệu trên hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn giàu sắt hay được kê đơn sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt. Không tự ý cho con uống bổ sung sắt mà không được sự giám sát của bác sĩ có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Những đối tượng trẻ có nguy cơ thiếu sắt cao
- Trẻ sinh non - hơn ba tuần trước ngày dự sinh - hoặc nhẹ cân
- Trẻ uống sữa bò trước 1 tuổi
- Trẻ ăn dặm muộn sau hơn 6 tháng tuổi.
- Trẻ bú sữa mẹ không được cung cấp thực phẩm bổ sung có chứa sắt sau 6 tháng tuổi
- Trẻ uống sữa công thức không được bổ sung sắt.
- Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi uống hơn 710 ml sữa bò, sữa dê hoặc sữa đậu nành mỗi ngày
- Trẻ em có một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như nhiễm trùng mãn tính hoặc chế độ ăn kiêng hạn chế
- Trẻ có nhu cầu sắt tăng lên chẳng hạn như trong giai đoạn tăng trưởng vượt bậc
- Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi có tiếp xúc với chì
- Trẻ em gái vị thành niên cũng có nguy cơ thiếu sắt cao hơn vì cơ thể mất chất sắt trong chu kỳ kinh nguyệt.
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm các tình trạng gây ra các vấn đề về hấp thu sắt từ ruột, chẳng hạn như bệnh celiac không được chẩn đoán hoặc không được điều trị . Bệnh viêm ruột có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt từ ruột và gây chảy máu dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
4. Con bạn cần bao nhiêu sắt?
Sắt cần thiết cho sự phát triển của một em bé đang lớn. Sau đây là nhu cầu sắt hàng ngày được khuyến nghị theo độ tuổi:
- 0–6 tháng tuổi: 0,27 miligam (mg) mỗi ngày
- 6-12 tháng tuổi: 11 mg mỗi ngày
- Từ 1 đến 3 tuổi: 7 mg mỗi ngày
- Từ 4-8 tuổi: 10 mg mỗi ngày
Trẻ sinh non tháng hoặc nhẹ cân thường cần nhiều sắt hơn những trẻ sinh ra có cân nặng bình thường.
5. Sắt trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ
Sắt trong chế độ ăn uống có hai dạng chính: sắt heme và sắt nonheme.
Sắt heme là loại sắt có trong thực phẩm mà cơ thể dễ hấp thụ nhất. Loại sắt này được tìm thấy trong thịt đỏ, hải sản, cá, thịt gia cầm và nội tạng như gan (và các loại thực phẩm như pate làm từ các loại thịt này). Thịt càng đỏ thì càng chứa nhiều sắt.
Sắt từ các nguồn khác ngoài thịt được gọi là sắt nonheme. Cơ thể khó hấp thu loại sắt này. Chất sắt nonheme được tìm thấy trong trứng, đậu đen, đậu nành, rau lá xanh đậm (bông cải xanh, rau bina), trái cây sấy khô, nho khô, mơ, bánh mì tăng cường chất sắt và ngũ cốc ăn sáng, mì ống và bánh mì, gạo, ngô, lúa mì, các loại hạt và đậu lăng. Có thể cải thiện sự hấp thu bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống giàu vitamin C cùng với những thực phẩm này.
6. Thực phẩm giàu sắt
Một lưu ý khi bổ sung sắt cho trẻ: Cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất sắt cùng với thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu sắt cho trẻ.
6.1. Các loại rau củ
Cải bó xôi
Đây là loại rau đứng đầu bảng về hàm lượng sắt có trong nó, nên bạn hãy thường xuyên thêm vào thực đơn của trẻ loại rau này nếu bạn muốn tăng lượng Hemoglobin của con bạn.
Hàm lượng sắt : 4mg / 100 gam rau cải bó xôi
Bông cải xanh
Cũng là một nguồn cung cấp sắt không kém. Ngoài ra loại rau này còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như magie, vitamin A và vitamin C.
- Hàm lượng sắt : 2,7 mg / 100gr bông cải xanh
Củ cải đỏ
Với hàm lượng folate cao, củ dền nên là lựa chọn bạn nên thử khi làm tăng nồng độ hemoglobin trong máu. Nó cũng là một nguồn tuyệt vời của sắt và vitamin C.
- Hàm lượng sắt: 0,8 mg / 100 gam Củ cải đường.
Khoai tây
Giàu sắt và vitamin C, đặc biệt tốt cho hemoglobin của trẻ.
- Hàm lượng sắt: 3,2 mg trong một củ khoai tây lớn.
6.2. Các loại trái cây
Dưa hấu
Là loại trái cây được ưa chuộng nhất vào mùa hè, Nó không chỉ tươi, mát mà còn cung cấp không ít sắt cũng như chứa nhiều vitamin C. Điều này giúp hấp thụ tốt hơn và chuyển hóa thành Hemoglobin cao hơn cho trẻ.
- Hàm lượng sắt: 0,4 mg trong một cốc Dưa hấu
Táo
Cũng là một sự lựa chọn thông minh. Vừa ngon miệng lại cung cấp nhiều sắt cũng như không ít các loại vitamin khác.
- Hàm lượng sắt: 0,31 miligam trong một quả táo vừa
Lựu
Ngoài việc chứa sắt, lựu cũng rất giàu canxi, protein, chất xơ và một số vitamin và khoáng chất khác. Làm cho nó trở thành một nguồn hoàn hảo cho những người có lượng hemoglobin thấp,
- Hàm lượng sắt: 0,3 mg trong 100 gam quả lựu.
Dâu tây
Nhiều người cho rằng dâu tây là loại trái cây ngon nhất hành tinh. Nó vừa đẹp mắt lại cung cấp không ít hàm lượng sắt và vitamin C. Quá tuyệt cho việc thưởng thức một loại trái cây.
- Hàm lượng sắt: 0,4 mg trên 100 gam
Thành phần trong táo có hàm lượng dinh dưỡng cao
6.3. Thịt
Ức gà
Protein nạc siêu tốt cho sức khỏe là cách tốt nhất cho bạn để nạp đủ lượng sắt cho trẻ. Ức gà có thể được nấu theo nhiều cách khác nhau và chắc chắn sẽ giúp trẻ tăng lượng hemoglobin.
- Hàm lượng sắt: 0,7 mg trong 100g thịt gà.
Thịt bò xay/ thịt đỏ
Một sự lựa chọn khôn ngoan khác, thịt bò xay/ thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt dồi dào. Chỉ cần bạn chắc chắn rằng không mua thịt có quá nhiều mỡ động vật.
- Hàm lượng sắt: 2,1 mg trên 85 gam.
Gan
Với hàm lượng sắt cao đến mức kỳ lạ, ngay cả một khẩu phần nhỏ gan cũng đủ tốt để tăng mức hemoglobin của trẻ. Bạn có thể chọn gan gà hoặc gan bò. Mặc dù, gan gà là lựa chọn phổ biến hơn nhưng gan bò lại chứa ít calo và cholesterol hơn. Hãy cân nhắc lựa chọn để thay đổi món mới lạ cho trẻ.
- Hàm lượng sắt: 9 mg sắt trên 100 gam gan gà.
6.4. Các loại hải sản
Tôm
Một gợi ý quá dễ dàng để thực hiện. Vừa ngon miệng, dễ chế biến lại đáp ứng được nhu cầu sắt hàng ngày của trẻ.
- Hàm lượng sắt: 3 mg trên 100 gam tôm.
Cá thu hoặc cá hồi
Không chỉ giàu axit béo Omega 3 mà còn là nguồn cung cấp sắt dồi dào. Vì vậy hãy cho trẻ ăn cá ít nhất 1 tuần 1 lần.
- Hàm lượng sắt: 1,7 mg trong 100 gam cá.
Ngao
Được coi là vua sắt trong thế giới hải sản. Không những thế chúng còn là nguồn cung cấp vitamin C và B12
- Hàm lượng sắt: 28 mg trong 100 gam ngao.
6.5. Các loại đậu và ngũ cốc
Đậu nành, đậu gà, đậu xanh
Được chứng minh là một loại thực phẩm tuyệt vời để tăng lượng Hemoglobin trong máu. Ngoài ra chúng còn chứa nhiều folate và vitamin C
- Hàm lượng sắt: 15,7 mg trong 100 gam đậu nành
Gạo lứt
Đôi khi có thể thay đổi món cháo gạo hàng ngày trẻ ăn thành món cháo gạo lứt độc đáo mới lạ.
- Hàm lượng sắt: 0,4 mg trên 100 gam
Ngũ cốc nguyên hạt
Lúa mạch, bột yến mạch là những lựa chọn bổ dưỡng khi thiếu sắt. Những loại ngũ cốc nguyên hạt này nên được thêm vào chế độ ăn uống của trẻ để tăng nồng độ hemoglobin.
- Hàm lượng sắt: 2,5 mg trong 100 gam ngũ cốc nguyên hạt bất kỳ.
6.6. Một số lựa chọn khác
Ngoài ra còn có nhiều lựa chọn khác như trứng, hạt bí ngô, đậu phụ,và sô cô la đen là cũng nguồn cung cấp sắt tuyệt vời. Bạn có thể lựa chọn những loại thực phẩm này khi muốn thay đổi món cho con của bạn.
7. Một vài lời khuyên bổ sung sắt cho trẻ theo từng lứa tuổi
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những nhu cầu về bổ sung sắt khác nhau trong chế độ ăn uống. Sau đây là một vài lời khuyên để đảm bảo con bạn nhận đủ lượng sắt cần thiết tùy theo độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ.
7.1. Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi
Hầu hết trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều có đủ lượng sắt dự trữ trong cơ thể khi mới sinh để đáp ứng nhu cầu của chúng.
Trẻ bú mẹ hoàn toàn nên được cung cấp đủ chất sắt từ sữa mẹ trong 6 tháng đầu, miễn là mẹ bổ sung đủ các loại thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn uống của mình. Trẻ bú bình nên được cho uống sữa công thức bổ sung sắt.
7.2. Trẻ trên 6 tháng tuổi
Dự trữ sắt bắt đầu cạn kiệt khi trẻ được 6 tháng tuổi. Vì vậy, bạn thường xuyên cho trẻ ăn thức ăn đặc giàu chất sắt, chẳng hạn như ngũ cốc, gạo. Vẫn tiếp tục duy trì cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình với sữa công thức có bổ sung sắt cho đến ít nhất 12 tháng.
Sữa bò, sữa dê và sữa đậu nành có hàm lượng sắt thấp và khuyến cáo không nên dùng làm nguồn sữa chính cho đến khi con bạn được ít nhất 12 tháng tuổi và được cung cấp đủ chất sắt từ thức ăn đặc.
7.3. Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ
Trẻ mới biết đi và trẻ lớn hơn nên được khuyến khích ăn các loại thực phẩm chứa sắt như thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, ngũ cốc và bánh mì tăng cường, và các loại rau như cải bó xôi và bông cải xanh. Thực phẩm chứa vitamin C, chẳng hạn như cà chua và cam quýt, sẽ cải thiện sự hấp thụ sắt khi ăn cùng lúc với thực phẩm giàu chất sắt.
Sữa bò có hàm lượng sắt thấp. Sữa dê và sữa đậu nành cũng vậy. Trẻ em bú các loại sữa này thay vì thức ăn có nguy cơ bị thiếu sắt. Vì vậy, từ 12 tháng tuổi, không nên cho trẻ uống quá 500mL các loại sữa kể trên mỗi ngày.
7.4. Trẻ lớn
Trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng vượt bậc sẽ cần nhiều thực phẩm giàu chất sắt hơn bình thường. Ngoài chế độ ăn uống, trẻ cũng cần được bổ sung: lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com; kidshealth.org; stanfordchildrens.org
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong