Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Phượng - Bác sỹ Siêu âm - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Sản dịch sau sinh là hiện tượng sinh lý thường gặp ở sản phụ giai đoạn hậu sản và thường đem lại cảm giác không hề dễ chịu. Tuy nhiên sản dịch sau sinh có mùi hôi khó chịu là dấu hiệu bất thường mà tất cả các chị em phụ nữ sau "vượt cạn" cần lưu ý.
1. Sản dịch sau sinh là gì và nguyên nhân xuất hiện sản dịch
Sản dịch là dịch tiết từ âm đạo của phụ nữ sau khi sinh con. Phần dịch này được cấu tạo từ những cục máu đông nhỏ ở vết thương nơi nhau bám, những mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung (màng rụng), phần sót lại nước ối và những chất dịch tiết từ vết thương ở cổ tử cung, âm đạo do quá trình sinh đẻ.
Sản dịch xuất hiện ở cả thai thai phụ sinh mổ và phụ sinh thường. Khi con chào đời, nhau thai được thoát ra ngoài, tử cung của người mẹ sẽ co lại tạo thành một khối cầu an toàn, tử cung co hồi tốt giúp khả năng cầm máu sinh lý, hạn chế tối đa sự mất máu sau sinh. Những ngày tiếp theo, khả năng co hồi tử cung dần giảm đi. Sau mỗi ngày tử cung co hồi là sự thoát chất dịch hay còn gọi là sản dịch từ lòng tử cung ra ngoài theo đường âm đạo.
Thông thường sản dịch sau khi sinh mổ sẽ hết nhanh hơn so với sinh thường, bởi trong quá trình mổ đẻ lớp nội mạc tử cung đã được bóc sạch. Tuy nhiên, không phải trường hợp sinh mổ nào cũng nhanh hết vì chúng còn tùy thuộc vào cơ địa, chế độ chăm sóc và vận động cũng ảnh hưởng đến quá trình bài tiết sản dịch ở phụ nữ sau sinh.
2. Sản dịch sau sinh có mùi hôi và những dấu hiệu sản dịch sau sinh bất thường
Sản dịch có mùi hôi khó chịu
Sản dịch sau sinh thường có mùi tanh tương tự như khi hành kinh. Tuy nhiên, nếu sản dịch xuất hiện mùi hôi hoặc mùi lạ bất thường, đó có thể là do nhiễm trùng trong tử cung hoặc bị nhiễm khuẩn do rách tầng sinh môn trong quá trình sinh nở. Nếu nhận thấy có sự thay đổi về mùi của sản dịch, sản phụ nên thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.
Lượng sản dịch tăng chứ không giảm
Lượng sản dịch sẽ ra nhiều trong khoảng vài ngày đầu sau khi sinh, nhưng sau đó giảm dần theo thời gian. Nếu tại bất kỳ thời điểm nào, lượng máu đột ngột ra nhiều hơn so với ban đầu và kéo dài hơn một tuần, hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đau vùng chậu
Đau vùng chậu xuất phát từ nguyên nhân nhiễm trùng tiết niệu hoặc táo bón. Nghiêm trọng hơn, đau vùng chậu còn có thể bắt nguồn từ nguyên nhân nhiễm trùng trong tử cung. Trong cả hai trường hợp, chúng ta nên uống nhiều nước và liên hệ bác sĩ càng sớm càng tốt.
3. Sản dịch như thế nào là bình thường?
Sản dịch sau sinh bình thường có mùi tanh nồng như thời kỳ kinh nguyệt, sản dịch thường kéo dài trung bình khoảng 20 ngày, hoặc có thể lên đến 40 – 45 ngày. Màu sắc và lượng sản dịch sau sinh có thể thay đổi theo thời gian.
Trong 2-3 ngày đầu: Sản dịch có màu đỏ sậm, xen lẫn các cục máu đông nhỏ và trong thời gian này, lượng sản dịch có thể ra khá nhiều. Chúng ta không cần lo lắng nếu nhận thấy phần sản dịch có xen lẫn các cục máu đông, đây chỉ là nhau thai còn lại được đẩy ra khỏi cơ thể chúng ta khi không còn cần thiết nữa.
Sau 1 tuần: Phần sản dịch sẽ chuyển sang màu nâu hồng và vết bẩn trên miếng lót của sản phụ sẽ ngày càng nhỏ và nhạt hơn. Phần sản dịch có thể xen lẫn với một ít cục máu đông, có kích thước bằng quả nho khô hoặc nhỏ hơn, điều này là hoàn toàn bình thường.
Sau 3 tuần: Sản dịch chỉ là dịch trong hoặc trắng, không còn xuất hiện máu, chứa một lượng lớn bạch cầu và mô màng vỏ bị hoại tử. Tử cung sẽ trở về kích thước trước đây và những cơn co hồi tử cung cũng sắp kết thúc.
Sau 6 tuần: Một số chị em phụ nữ có thể bị ra ít dịch màu nâu, hồng hoặc trắng vàng cho đến 6 tuần sau khi sinh và nó có thể xuất hiện với số lượng nhỏ hàng ngày hoặc chỉ thỉnh thoảng. Đây sẽ là giai đoạn cuối cùng xuất hiện sản dịch sau sinh.
Lượng sản dịch sau sinh có thể ra nhiều hơn trong khi di chuyển và đi lại. Nếu sản phụ gặp phải điều này, hãy cố gắng đứng yên và nghỉ ngơi một chút. Chúng ta cảm thấy lượng sản dịch chảy nhiều khi đứng là do cấu tạo của âm đạo khiến một lượng sản dịch đọng lại ở một khu vực tương tự như chiếc cốc khi ngồi hoặc nằm và sẽ chảy ra nhiều khi đứng dậy hay vận động.
4. Cách xử trí khi sản dịch sau sinh có mùi hôi
Khi thấy sản dịch có dấu hiệu bất thường, chị em phụ nữ cần đi khám ngay, bên cạnh khám phụ khoa thông thường, bác sĩ có thể sẽ siêu âm để chẩn đoán chính xác. Để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tình trạng sản dịch sau sinh có mùi hôi bất thường, chúng ta cần lưu ý:
- Không nên nằm nhiều sau sinh, nằm nhiều và hạn chế vận động khiến tử cung không co lại được, sản dịch không được đẩy ra ngoài. Vì thế, sau sinh chúng ta chỉ nên nằm nghỉ ngơi khoảng 6 tiếng, sau đó nên vận động đi lại nhẹ nhàng để tử cung co hồi tốt, đẩy nhanh quá trình hậu sản, sản dịch thoát ra ngoài dễ dàng. Nên nằm sấp 20-30 phút mỗi ngày, những sản phụ có tử cung gập trước với tư thế này sẽ thoát sản dịch dễ hơn.
- Sau khi sinh, sản phụ cần ăn uống đa dạng, nghỉ ngơi đầy đủ.
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng vệ sinh đều đặn mỗi giờ trong ngày đầu sau sinh và 3-4 tiếng/lần trong những ngày tiếp theo. Cần rửa tay sạch trước và sau khi thay băng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.