Sa tử cung: Ai dễ mắc?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh sa tử cung là tình trạng tử cung bị sa xuống dưới vị trí bình thường. Bệnh sa tử cung xảy ra khi các cơ của vùng chậu bị yếu đi, khiến nhiều cơ quan bao gồm: bàng quang, trực tràng, niệu đạo bị tụt xuống âm đạo. Tuy nhiên cơ quan hay bị sa xuống nhất đó là tử cung.

1. Bệnh sa tử cung là gì?

Các cơ quan trong vùng chậu người phụ nữ gồm: bàng quang (bọng đái) ở phía trước, âm đạo, tử cung ở giữa và phía sau là hậu môn trực tràng. Để nâng đỡ tất cả các cơ quan này cần có hệ thống cân, cơ, dây chằng và thần kinh đan xen với nhau. Khi hệ thống nâng đỡ này bị thương tổn, thường do nguyên nhân mang thai, sinh đẻ hoặc do thiếu nội tiết ở người cao tuổi, các cơ quan này bị sa và tụt ra khỏi âm hộ. Trong đó, sa tử cung là một trong các bệnh lý sàn chậu, ngoài ra còn có sa bọng đái, sa trực tràng kèm theo, gây viêm nhiễm, són tiểu, đi tiểu khó, táo bón...

Các bệnh lý sàn chậu bao gồm sa tử cung không phải là bệnh di truyền. Có nhiều cách để phòng tránh bệnh như xây dựng chế độ ăn uống tránh táo bón, định hình các tư thế khi làm việc, sinh hoạt để tránh gây tăng áp lực ổ bụng, thực hiện các bài tập thể dục để giúp tăng cường sức cơ ở vùng sàn chậu...

2. Đối tượng dễ mắc bệnh sa tử cung

Sa tử cung là một căn bệnh có thể bắt gặp ở bất cứ người phụ nữ nào. Tuy nhiên vẫn có một số đối tượng có tỉ lệ mắc sa tử cung cao hơn so với những phụ nữ còn lại:

  • Phụ nữ sau sinh nở, đặc biệt đối với những sản phụ sinh con bằng đường âm đạo (sinh thường), đặc biệt có thời gian chuyển dạ quá lâu. Phụ nữ mang thai lần đầu thường ít mắc bệnh sa tử cung hơn so với phụ nữ đã mang thai nhiều lần;
  • Phụ nữ vận động ngay sau khi sinh nở mà không kiêng cữ, lao động, mang vác nặng nhọc dẫn đến đáy bụng phải co bóp quá nhiều, ổ bụng căng giãn, có khi tổn thương hoặc rách một số bộ phận trong cơ thể, dẫn đến sa tử cung. Vì vậy, không phải tự nhiên mà dân gian cho rằng phụ nữ phải kiêng cữ sau sinh rất nhiều việc để tránh các bệnh về sau;
  • Phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ đã lớn tuổi;

Phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh dễ mắc bệnh sa tử cung
Phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh dễ mắc bệnh sa tử cung
  • Phụ nữ mang thai đôi hoặc đa thai;
  • Thai nhi khi sinh ra quá lớn theo đường sinh tự nhiên;
  • Thai phụ mang thai nhiều lần. Mỗi lần sinh, vùng đáy chậu phải giãn căng hết mức để thai nhi có thể chui ra. Sau khi sinh xong, dù các cơ này có co để hồi phục lại nhưng cũng không thể nào bền chắc được như trước. Nhiều lần sinh đẻ sẽ khiến đáy chậu không khác gì sợi chun - căng giãn nhiều nên nhão ra, dễ đứt;
  • Thai phụ khó sinh dẫn đến thời gian co thắt tử cung quá dài;
  • Nhau thai có dấu hiệu bất thường khi mang thai, ví dụ như nhau cài răng lược;
  • Những phụ nữ có thực hiện phẫu thuật tử cung;
  • Việc can thiệp y tế khi sinh, ví dụ như dùng thuốc oxytocin. Sa tử cung cũng gặp ở những bà mẹ trước đây đẻ thường, bị rách tầng sinh môn nhưng không được khâu hồi phục lại làm cho đáy chậu có thêm điểm yếu;
  • Những người phải lao động nặng nhọc, vất vả khiến áp lực trong ổ bụng luôn luôn cao, lại thường xuyên ở tư thế đứng hoặc đi lại, ví dụ gồng gánh, vác đội nặng (địu con, vác củi...) suốt ngày cũng dễ bị sa tử cung;
  • Sa tử cung thường xảy ra ở các nước kém phát triển, việc thiếu các dịch vụ cấp cứu sản khoa cũng đe dọa tính mạng cho người mẹ và thai nhi. Ở nước ta ngày nay, hiểu biết của phụ nữ được nâng cao, đời sống khá hơn, việc sinh nở giảm đi nên bệnh sa tử cung đã không còn nhiều như trước, nhất là ở thành thị. Tuy nhiên ở nông thôn, nhất là miền núi, sa tử cung vẫn là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ đứng tuổi;
  • Ngoài ra, sa tử cung còn do thể tạng của một số người dễ bị căng giãn, vì thế có những phụ nữ không sinh đẻ hoặc sinh con không nhiều, đời sống nhàn hạ vẫn bị sa tử cung.

Khi nhận thấy mình thuộc một trong số những đối tượng có yếu tố nguy cơ bị sa tử cung cao, phụ nữ cần hết sức chú ý theo dõi các biểu hiện của cơ thể, đặc biệt là ở vùng kín và báo ngay cho bác sĩ khi thấy có bất thường để được can thiệp kịp thời,

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe