Sa niệu đạo của nữ: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sa niêm mạc niệu đạo nữ hay còn gọi là sa niệu đạo là bệnh lý hiếm gặp. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về bệnh sa niệu đạo ở nữ giới.

1. Sa niệu đạo là bệnh gì?

Sa niêm mạc niệu đạo nữ hay còn gọi là sa niệu đạo, là tình trạng khối niêm mạc niệu đạo bị trồi ra bên ngoài âm hộ.

Bệnh sa niệu đạo thường gặp ở bé gái trong khoảng 6 - 9 tuổi. Bệnh được chia làm ba mức độ là: sa bán phần, toàn phần và sa có biến chứng.

2. Nguyên nhân gây sa niệu đạo

Nguyên nhân gây sa niệu đạo chưa được xác định rõ ràng. Bệnh có thể là do khiếm khuyết bẩm sinh hoặc bị chấn thương:

  • Bẩm sinh: Niệu đạo bất thường, phần cơ vùng thành niệu đạo bị yếu, thần kinh cơ bị rối loạn, các cấu trúc vùng chậu suy yếu, dưới tác động của một số yếu tố khác làm tăng áp lực đột ngột lên ổ bụng (ho kéo dài hoặc bị táo bón lâu ngày) sẽ làm trồi vùng niêm mạc niệu đạo;
  • Chấn thương: Khi vùng sinh dục bị chấn thương làm tăng áp lực lên ổ bụng, gây táo bón kinh niên, hay dị vật âm đạo, viêm âm đạo,... làm vùng niêm mạc niệu đạo bị trồi ra.

3. Triệu chứng của sa niêm mạc niệu đạo nữ

  • Do xuất phát từ niệu đạo nên khi quan sát sẽ thấy có nước tiểu rỉ ra từ khối sa;
  • Triệu chứng đầu tiên của bệnh là chảy máu chỗ niêm mạc bị sa do cọ xát, vì vậy bệnh dễ nhầm lẫn với chấn thương hoặc lạm dụng;
  • Gây rối loạn tiểu tiện như tiểu khó khăn, đau buốt, són tiểu hoặc bí tiểu;

Do là bệnh hiếm gặp nên sa niêm mạc niệu đạo nữ thường bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác ở vùng sinh dục. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị, khối niêm mạc sa có thể bị hoại tử và gây hẹp lỗ tiểu về sau, sa niêm mạc niệu đạo bị tắc nghẽn.


Sa niêm mạc niệu đạo gây rối loạn tiểu tiện
Sa niêm mạc niệu đạo gây rối loạn tiểu tiện

4. Chẩn đoán bệnh sa niêm mạc niệu đạo nữ

Để chẩn đoán xác định bệnh sa niêm mạc niệu đạo nữ, bên cạnh việc dựa vào triệu chứng lâm sàng nêu trên, bác sĩ chuyên khoa có thể dùng phương pháp cận lâm sàng là siêu âm để tìm dị tật kết hợp.

Để chẩn đoán phân biệt bệnh sa niêm mạc niệu đạo nữ với những bệnh lý khác, bác sĩ điều trị dựa vào những biểu hiện sau:

  • Tiểu tiện ra máu;
  • Âm hộ có bị chấn thương hay có vết thương nào không;
  • Có nang cạnh lỗ tiểu;
  • Nang niệu quản lòi ra bên ngoài âm hộ;
  • Có polyp âm đạo.

5. Điều trị sa niệu đạo

5.1 Nguyên tắc điều trị sa niệu đạo

Bệnh cần được điều trị sớm để giải quyết tình trạng khối sa niêm mạc niệu đạo gây chảy máu. Trong trường hợp bệnh nhân bị chảy máu nhiều sẽ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

5.2 Điều trị trước phẫu thuật bệnh sa niệu đạo

  • Tiến hành xét nghiệm công thức máu và tổng phân tích nước tiểu, thời gian máu chảy (TS), máu đông (TC);
  • Trong lúc chờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn uống;
  • Để phòng ngừa trước hoặc trong khi phẫu thuật, bệnh nhân được kê sử dụng kháng sinh.

5.3 Điều trị phẫu thuật bệnh sa niệu đạo

  • Nguyên tắc phẫu thuật là cắt khối niêm mạc niệu đạo bị sa;
  • Đây là một phẫu thuật đơn giản được thực hiện khi người bệnh nằm ngửa (tư thế sản khoa) và đã được gây mê;
  • Đặt thông tiểu cho bệnh nhân sa niệu đạo;
  • Bác sĩ phẫu thuật dùng dao hoặc dao điện để cắt phần niêm mạc bị sa quanh ống thông tiểu;
  • Bệnh nhân được cầm máu bằng cách đốt điện hoặc khâu lại bằng chỉ tiêu.

Nguyên tắc phẫu thuật là cắt khối niêm mạc niệu đạo bị sa
Nguyên tắc phẫu thuật là cắt khối niêm mạc niệu đạo bị sa

5.4 Điều trị sau phẫu thuật bệnh sa niệu đạo

  • Bệnh nhân được kê sử dụng thuốc kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 và thuốc giảm đau;
  • Từ 1 - 3 ngày sau khi phẫu thuật, rút thông tiểu cho bệnh nhân;
  • Thay băng và vệ sinh, chăm sóc vết mổ hằng ngày;
  • Thời gian điều trị nằm viện từ 1 - 3 ngày.

Phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị đối với sa niệu đạo toàn phần hoặc sa niệu đạo có biến chứng. Trong khi đó, sa niệu đạo bán phần có thể được điều trị nội khoa bằng việc bôi thuốc oestrogen, tuy nhiên phương pháp này mang hiệu quả không cao và mất nhiều thời gian.

Sa niêm mạc niệu đạo nữ là bệnh lý hiếm gặp do bẩm sinh hoặc chấn thương vùng âm hộ, niệu đạo. Khi thấy bất thường ở vùng này với các dấu hiệu nêu trên, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ sớm để được điều trị kịp thời, mang lại hiệu quả điều trị cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe