Nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp của Trung tâm giám sát ma túy và tình trạng nghiện ma túy châu Âu (EMCDDA) và do Trung tâm nghiên cứu tội phạm và pháp luật Anh tài trợ.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật phân tích vấn đề theo nhiều tiêu chí (MCDA) để phân tích mức độ gây nghiện của một loạt chất kích thích và tác động của chúng đối với người sử dụng cũng như môi trường xung quanh.
MCDA gồm chín tiêu chí đánh giá tác hại đối với người sử dụng như nguy cơ tử vong liên quan sử dụng chất kích thích, tác hại đối với sức khỏe, tình trạng lệ thuộc vào thuốc, và nguy cơ mất khả năng giao tiếp.
Bảy tiêu chí liên quan đến môi trường xung quanh bao gồm nguy cơ phạm tội, hủy hoại môi trường, gây xung đột gia đình, thiệt hại về kinh tế và phá hoại sự liên kết cộng đồng. Thang điểm xếp loại mức độ tác hại cao nhất là 100.
Xét về góc độ sức khỏe con người, cocaine, heroin và moócphin được coi là những chất nguy hại nhất. Nhưng rượu, sau đó mới đến cocaine và heroin, là những mối nguy hại lớn nhất nếu xét về tác động đối với xã hội.
Xét về tác động toàn diện đối với người sử dụng và môi trường xung quanh, rượu đứng đầu "bảng xếp hạng" nói trên với 72 điểm, tiếp đến là heroin (55 điểm) và cocaine (54 điểm). Mức độ nguy hại của các chất gây nghiện khác như cần sa, thuốc lắc và thuốc lá thấp hơn nhiều.
Các nhà khoa học cho biết khi việc lạm dụng rượu có thể huỷ hoại tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể người. Rượu cũng được coi là nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong và tội phạm cao hơn hầu hết các chất gây nghiện khác, kể cả heroin.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân gây ra 2,5 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm (chiếm 3,8% tất cả các ca tử vong), chủ yếu là các trường hợp chết vì bệnh tim, bệnh gan, ung thư, tai nạn giao thông và tự tử. Rượu cũng là nguyên nhân gây nguy cơ chết non và tàn phế cao thứ ba trên thế giới./.
(TTXVN/Vietnam+)