Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Rốn trẻ sơ sinh bị lồi hay còn gọi là thoát vị rốn, đây là một khối phình bất thường do một phần niêm mạc của bụng, ruột hoặc chất lỏng chui ra ngoài, đi qua cơ của thành bụng và lồi ra lỗ rốn trẻ sơ sinh. Thoát vị rốn diễn ra khá phổ biến và trẻ nhẹ cân và sinh non thì dễ mắc thoát vị rốn hơn.
1. Nguyên nhân của thoát vị rốn
Trong thời kỳ mang thai, dây rốn đi qua một lỗ nhỏ ở cơ bụng của thai nhi và lỗ này sẽ đóng lại ngay sau khi sinh. Trong trường hợp các cơ thành bụng không kết hợp hoàn toàn với nhau để đóng kín lỗ rốn, rốn trẻ sơ sinh bị hở thì sẽ xảy ra hiện tượng thoát vị rốn xuất hiện khi sinh hoặc sau này trẻ lớn lên.
Các bậc phụ huynh yên tâm là các bác sĩ hoặc nữ hộ sinh cắt hoặc kẹp dây rốn khi trẻ chào đời không ảnh hưởng hoặc không gây ra thoát vị rốn.
Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng?
Đặc điểm bên ngoài của trẻ sơ sinh đủ tháng được thể hiện qua các tiêu chuẩn như: Cân nặng, chiều dài và hình thể. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng, qua đó có thể đánh giá tổng trạng sức khỏe và sự phát triển của bé yêu nhà mình.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Triệu chứng của thoát bị rốn
Bố mẹ có thể nhìn thấy khối thoát vị rõ nhất khi trẻ khóc, ho hoặc trẻ đang rặn để đi vệ sinh. Do các hành động này làm tăng áp lực lên ổ bụng nên đẩy khối thoát vị ra rốn. Khối thoát vị có thể nhỏ đi hoặc biến mất khi trẻ được thư giãn hoặc ngủ. Thông thường thì trẻ không cảm thấy khó chịu do thoát bị rốn không gây đau.
Thoát vị rốn diễn ra phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh - đặc biệt là trẻ sinh non và trẻ sinh nhẹ cân. Tại Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc thoát vị rốn cao hơn so với các trẻ ở các chủng tộc khác. Tỷ lệ mắc thoát vị rốn ở trẻ nam và nữ đều ngang nhau.
Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu nghiêm trọng của thoát vị rốn, do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức:
- Trẻ bị đau
- Trẻ đột nhiên nôn ói
- Chỗ rốn lồi rất mềm, sưng hoặc đổi màu
3. Biến chứng của thoát vị rốn
Đối với trẻ em thì rất hiếm khi xảy ra các biến chứng của thoát vị rốn. Biến chứng có thể xảy ra khi ruột nhô ra bị kẹt ở lỗ thoát vị và không thể đẩy trở lại vào khoang bụng. Khi bị kẹt, sẽ làm giảm lượng máu cung cấp cho phần ruột bị mắc kẹt và có thể dẫn đến đau rốn và tổn thương mô. Nếu phần ruột bị mắc kẹt và cắt đứt hoàn toàn khỏi nguồn cung cấp máu (thoát vị nghẹt) thì sẽ bị hoại tử dần dần. Cuối cùng dẫn đến nhiễm trùng và có thể lan rộng khắp khoang bụng, đe dọa đến tính mạng của trẻ.
4. Điều trị
Hầu hết thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh sẽ tự đóng khi trẻ từ 1 đến 2 tuổi. Bác sĩ thậm chí có thể đẩy túi phình trở lại vào bụng trong khi khám cho trẻ, tuy nhiên bố mẹ không nên thực hiện điều này. Mặc dù một số người cho rằng thoát vị rốn có thể được khắc phục bằng cách dùng đồng xu đặt lên chỗ khối thoát vị hoặc dùng băng dính dán lên, nhưng các chuyên gia khuyến cáo, cách này không có bất kỳ lợi ích nào và có thể khiến vi trùng tích tụ dưới băng, gây nhiễm trùng rốn.
Đối với trẻ em có khối thoát vị rốn thì phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp:
- Trẻ có đau ở khối thoát vị
- Khối thoát vị có đường kính lớn hơn 1 đến 2 cm
- Khối thoát vị lớn và không giảm kích thước trong hai năm đầu đời
- Khối thoát vị không biến mất khi 4 tuổi
- Ruột bị mắc kẹt trong khối thoát vị
Trước khi phẫu thuật, trẻ sẽ phải nhịn ăn và uống theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật diễn ra khoảng một giờ. Sau khi trẻ được gây mê toàn thân, bác sĩ sẽ rạch một đường ở gần rốn và đẩy các mô ruột trở lại vào ổ bụng. Bác sĩ sẽ khâu lại để để đóng lỗ thoát vị và nối kín vết cắt bằng keo phẫu thuật để giữ các cạnh của vết thương đóng chặt lại với nhau và vết thương nhanh liền.
Sau khi trẻ đã tỉnh táo hoàn toàn sau phẫu thuật, hầu hết trẻ em có thể về nhà khoảng vài giờ sau đó.
Sau phẫu thuật, trẻ có thể được sử dụng một loại thuốc giảm đau không kê đơn để giúp trẻ cảm thấy đỡ đau hơn sau khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đặt lịch tái khám khoảng sau 2 đến 4 tuần tính từ ngày phẫu thuật. Trong thời gian ở nhà, nếu trẻ gặp các triệu chứng sau thì bố mẹ nên đưa trẻ quay lại cơ sở Y tế:
- Trẻ có sốt
- Vị trí mổ có đỏ, sưng hoặc đau
- Trẻ bị lồi rốn hoặc gần rốn
- Vị trí mổ có máu hoặc dịch có mùi hôi
- Trẻ buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón mà các triệu chứng này không thuyên giảm
Khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương đã từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Thủ Đức và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Với thế mạnh trong việc chẩn đoán, khám bệnh lý sơ sinh - hồi sức sơ sinh, Bác sĩ Chương hiện đang là Bác sĩ Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park và là thành viên hiệp hội Nhi khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
XEM THÊM:
- Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh có tự khỏi không? Khi nào là nguy hiểm?
- Những điều cần biết về thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
- Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.