Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi tại khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Rối loạn vận động ở trẻ em xảy ra do cấu trúc não bị tổn thương sau sang chấn, bệnh tật, rối loạn chuyển hóa hoặc di truyền. Bệnh có thể trầm trọng dần và trở thành mãn tính nếu không được điều trị kịp thời.
1. Rối loạn vận động là gì?
Rối loạn vận động là dạng rối loạn có thể xảy ra do chấn thương não, chẳng hạn như chấn thương đầu, nhiễm trùng, viêm, rối loạn chuyển hóa, độc tố hoặc tác dụng phụ ngoài ý muốn của thuốc. Bệnh cũng có thể là một triệu chứng của bệnh lý có sẵn trong đó có rối loạn di truyền.
Cấu trúc não bị ảnh hưởng bao gồm hạch nền, các phần vận động của vỏ não, đồi thị, tiểu não và / hoặc thân não. Tất cả các cấu trúc này được cho là có mối liên hệ mật thiết với nhau, do đó, tổn thương chỉ một bộ phận cũng đủ để gây ra rối loạn vận động.
Điều trị rối loạn vận động thường tập trung vào việc khắc phục các nguyên nhân cơ bản. Mức độ hồi phục của trẻ phụ thuộc vào loại rối loạn vận động, nguyên nhân gây rối loạn vận động và giai đoạn điều trị.
Ví dụ, một đứa trẻ mắc chứng loạn trương lực cơ nguyên phát có thể sống một cuộc sống bình thường nếu được điều trị sớm, trong khi chứng loạn trương lực cơ không được chẩn đoán và không được điều trị trong nhiều năm có thể trở thành bệnh mãn tính. Các rối loạn vận động khác như rối loạn tic cũng có thể tự khỏi hoặc trở nên nhẹ hơn nhiều sau điều trị.
Đối với rối loạn vận động là một phần của rối loạn di truyền hoặc thoái hóa nghiêm trọng, có thể không có phương pháp điều trị. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, có những can thiệp có thể làm giảm triệu chứng đáng kể của bệnh.
2. Phân loại rối loạn vận động
Các loại rối loạn vận động bao gồm:
2.1 Múa giật (Chorea)
Múa giật (Chorea) là một triệu chứng của tổn thương thần kinh, không phải là một bệnh nguyên phát. Trẻ em bị múa giật có những chuyển động không đều, đôi khi được mô tả là giống như nhảy múa. Các chuyển động có thể chậm và quằn quại (athetosis) hoặc mạnh hơn (ballismus). Nếu múa giật ảnh hưởng đến chân, trẻ có thể thường xuyên vấp ngã và khó đi lại nhưng hiếm khi bị ngã.
Chorea ở trẻ em có thể được gây ra bởi chấn thương não khi sinh, chấn thương đầu, nhiễm trùng, viêm hoặc là một phản ứng độc hại với thuốc. Trong một số trường hợp, nó có thể có một nguyên nhân di truyền. Các loại múa giật cụ thể bao gồm:
- Syndenham chorea: Bệnh còn được gọi là viêm não thấp khớp, là một dạng múa giật tự miễn, tồn tại trong thời gian ngắn, có thể xảy ra như là hậu quả của nhiễm trùng strep nhóm A.
- Bệnh Huntington: Là một dạng di truyền rất hiếm gặp ở trẻ em.
- Chorea từ các nguyên nhân di truyền: Một số rối loạn di truyền chẳng hạn như đột biến NKX2.1, có thể tự xảy ra hoặc là một phần của phổ lớn hơn của các triệu chứng thần kinh hoặc các triệu chứng khác.
2.2 Run (Tremor)
Run có thể biểu hiện run rẩy toàn thân hoặc run rẩy cục bộ như ở một chi. Bệnh cũng có thể xảy ra như là một biến chứng của một căn bệnh tiềm ẩn hoặc chấn thương đầu, như là một tác dụng phụ của thuốc hoặc do hậu quả của bệnh di truyền. Run rẩy có thể xảy ra khi nghỉ ngơi hoặc trong khi vận động, có thể xảy ra một mình hoặc kèm theo các triệu chứng thần kinh khác như yếu chân tay và khó khăn trong các cử động tinh chỉnh. Run rẩy đôi khi cũng do yếu tố di truyền.
Run đôi khi cũng chỉ là một phần tạm thời của sự phát triển cơ vận động trẻ con; trong các trường hợp khác, nó có thể tồn tại lâu dài. Không giống như hầu hết các rối loạn vận động khác, trẻ em đôi khi có thể có ý thức ức chế run.
2.3 Động kinh (Myoclonus)
Động kinh (Myoclonus) là rối loạn vận động liên quan đến những cú giật cơ rất nhanh, đột ngột, không tự ý mà trẻ không thể kìm nén. Các cú giật có thể thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, xảy ra ngẫu nhiên hoặc theo kiểu bán nhịp. Myoclonus đôi khi có các yếu tố kích hoạt, như giữ cơ thể ở một tư thế nhất định, bị chạm hoặc giật mình; hoặc các triệu chứng dường như xuất hiện mà không có lý do.
Myoclonus thường là một tình trạng lành tính, không ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ, nhưng điều quan trọng là phải được đánh giá bởi một chuyên gia rối loạn vận động để xác định loại myoclonus và nguyên nhân của nó.
Myoclonus có thể xảy ra sau một chấn thương não nghiêm trọng, hoặc có thể là do rối loạn chuyển hóa hoặc bệnh thoái hóa thần kinh. Nó cũng có thể là một phần của chứng rối loạn co giật được gọi là chứng động kinh cơ.
2.4 Loạn trương lực cơ (Dystonia)
Ở trẻ em bị loạn trương lực cơ, tín hiệu não bị lỗi khiến các nhóm cơ co thắt bất thường. Thay vì co thắt theo kiểu phối hợp, các cơ bắp có thể co lại đối lập với nhau.
Loạn trương lực cơ (Dystonia) thường xảy ra cùng các hành động cụ thể, như viết hoặc đi bộ, nhưng cũng có thể xảy ra khi trẻ nghỉ ngơi. Các triệu chứng thường bắt đầu ở một bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như bàn tay, chân hoặc miệng, sau đó lan sang các khu vực khác của cơ thể.
Dystonia nguyên phát được cho là di truyền. Trẻ bị loạn trương lực cơ nguyên phát không có rối loạn thần kinh đi kèm. Dystonia nguyên phát có xu hướng tiến triển và lan nhanh nhất trong 5 năm đầu tiên sau khi khởi phát, sau đó bắt đầu ổn định. Hầu hết trẻ em bị loạn trương lực cơ nguyên phát có tuổi thọ bình thường, nhưng chứng loạn trương lực cơ có thể hạn chế nghiêm trọng một cử động trẻ nếu không được điều trị.
Dystonia thứ phát, dạng dystonia phổ biến nhất ở trẻ em, là kết quả của chấn thương não (trong khi sinh, do đột quỵ, chấn thương, hội chứng thoái hóa di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa). Mức độ nghiêm trọng và triệu chứng của loạn trương lực cơ thứ phát khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Dystonia thứ phát thường xảy ra cùng với co cứng, và 5 - 15% trẻ em bị bại não cũng bị loạn trương lực cơ.
2.5 Rối loạn Tic / hội chứng Tourette
Tics là những chuyển động đột ngột, không tự chủ hoặc âm thanh đến và đi theo thời gian. Chúng khá phổ biến ở trẻ em và thường có thể được điều trị bởi bác sĩ nhi khoa. Tics cơ có thể liên quan đến bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể và có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng, từ rất nhẹ và hầu như không đáng chú ý đến rất đột ngột, thường xuyên và nghiêm trọng.
Nếu trẻ có cả vấn đề về giọng nói và vận động kéo dài hơn một năm, chúng được coi là mắc hội chứng Tourette. Nhiều trẻ mắc hội chứng Tourette cũng bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc rối loạn học tập, có thể được đánh giá và điều trị bởi bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ nhi khoa.
2.6 Parkinson
Trẻ được coi là mắc bệnh parkinson nếu có ít nhất 2 triệu chứng là cứng cơ, vấn đề thăng bằng hoặc ngã thường xuyên, di chuyển chậm (bradykinesia) hoặc run khi nghỉ ngơi. Parkinson là rối loạn vận động ít gặp nhất ở trẻ em. Thông thường, các triệu chứng xảy ra như là một tác dụng phụ của thuốc.
Parkinson cũng có thể xuất phát từ các bệnh di truyền gây thoái hóa não, chẳng hạn như bệnh Wilson, bệnh Huntington vị thành niên và rối loạn lysosomal, và từ các dạng chấn thương não khác nhau.
2.7 Mất điều hòa (Ataxia)
Ataxia là tình trạng giảm khả năng trong việc phối hợp vận động gây ra bởi chấn thương hoặc rối loạn chức năng của tiểu não. Các triệu chứng của nó là vụng về, cân bằng kém, không đều của chuyển động và không có khả năng thực hiện các chuyển động tinh chỉnh hoặc trơn tru.
Ataxia có thể có các mẫu khác nhau. Một số trường hợp bắt đầu đột ngột, do đột quỵ hoặc chảy máu não, viêm hoặc nhiễm trùng, và thường được giải quyết khi những nguyên nhân này được điều trị. Các loại mất điều hòa khác liên tục đến và đi, và được gây ra bởi chứng động kinh, đột biến gen, rối loạn chuyển hóa hoặc các loại đau nửa đầu không điển hình. Ngoài ra còn có các dạng mất điều hòa tiến triển gây ra bởi các điều kiện di truyền khác nhau được gọi là ataxias spinocerebellar.
2.8 Rối loạn chức năng thần kinh / rối loạn chuyển đổi
Rối loạn triệu chứng thần kinh chức năng còn được gọi là rối loạn chuyển đổi. Rối loạn chức năng cũng có thể xảy ra ở trẻ em với các chẩn đoán thần kinh khác và làm cho rối loạn vận động hiện có trở nên tồi tệ hơn. Hầu hết trẻ em đều khỏi chứng rối loạn vận động này với sự đào tạo của các nhà trị liệu vật lý và tiếp tục chăm sóc hỗ trợ từ bác sĩ thần kinh. Trong một số trường hợp, trẻ em có thể được hưởng lợi từ việc chăm sóc cùng với một nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần.
3. Chẩn đoán rối loạn vận động
Nguyên nhân gây rối loạn vận động rất đa dạng, các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán các rối loạn này cũng có thể khác nhau. Chúng có thể bao gồm:
- Xét nghiệm di truyền
- Xét nghiệm trao đổi chất
- Xét nghiệm hình ảnh MRI
- Điện não đồ (EEG) để đánh giá trẻ bị co giật
4. Điều trị rối loạn vận động
Điều trị rối loạn vận động ở mỗi trẻ là khác nhau, tùy thuộc vào loại rối loạn và nguyên nhân gây rối loạn. Một số trẻ bị rối loạn vận động có thể chỉ cần quan sát, vì nhiều rối loạn được cải thiện khi trẻ phát triển. Trong trường hợp trẻ cần được điều trị, các lựa chọn có thể bao gồm:
- Thuốc uống để thư giãn cơ bắp và giảm run và co thắt
- Tiêm độc tố botulinum (Botox) cho các trường hợp rối loạn vận động ảnh hưởng đến một bộ phận cơ thể, rối loạn tic và myoclonus
- Dopamine (levodopa) cho bệnh parkinson
- Cấy Baclofen vào cơ thể có thể hữu ích cho chứng loạn trương lực kết hợp với sự co cứng không cải thiện hơn khi dùng thuốc uống
- Kích thích não sâu là một điều trị cho chứng loạn trương lực cơ đơn thuần không đáp ứng thuốc
Một số trẻ bị rối loạn vận động cũng có thể sử dụng một số phương pháp khác:
- Vật lý trị liệu để tăng cường hoặc kéo giãn các chi và cơ bị ảnh hưởng
- Liệu pháp nghề nghiệp để giúp khắc phục các hạn chế gây ra bởi các chuyển động bất thường.
- Hỗ trợ để giúp gia đình và trẻ em đối phó với các triệu chứng rối loạn vận động đang diễn ra
- Xét nghiệm thần kinh khi rối loạn vận động đi kèm với các vấn đề về nhận thức hoặc hành vi
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov, childrenshospital.org
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong