Rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ: sự thật ít người biết!

Không chỉ là nguyên nhân gây nhiều bệnh tim mạch khác, mối liên hệ giữa rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ là vấn đề ít người biết đến để điều trị. Rối loạn nội tiết có thể tăng nguy cơ rung nhĩ bằng cách ảnh hưởng đến hệ thống tín hiệu điện của cơ thể. Một số rối loạn nội tiết, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, và bệnh tuyến giáp có thể gây ra sự thay đổi trong hoạt động của tim. Điều này có thể dẫn đến rung nhĩ, một loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ, chuyên ngành Tim mạch, tại Bệnh viện Vinmec Central Park

1. Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ hay còn được gọi là Atrial Fibrillation, là loại bệnh lý rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Rung nhĩ xuất hiện khi hoạt động điện của tim không diễn ra đều như bình thường, dẫn đến tình trạng tim đập nhanh và đập không đều. Kết quả, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, dẫn đến nguy cơ suy tim. Do máu không lưu thông qua tim như thông thường, có thể xảy ra tình trạng đọng máu và hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ trong thời gian dài.


Người bệnh cần chủ động khám chữa bệnh tim mạch nếu có các vấn đề về rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ
Người bệnh cần chủ động khám chữa bệnh tim mạch nếu có các vấn đề về rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ

Một số yếu tố nguy cơ gây ra rung nhĩ, như huyết áp cao và bệnh mạch vành, thường được nhận biết rõ ràng. Tuy nhiên, có những dấu hiệu khác mà ban đầu có vẻ không có liên quan đến nguy cơ rung nhĩ. Trong số những dấu hiệu đó, rối loạn nội tiết đóng vai trò quan trọng. Đây là những tình trạng xuất hiện khi mức độ hormone tăng cao hoặc giảm thấp không đúng mức bình thường.

Hệ thống nội tiết, bao gồm các tuyến, cơ quan sản xuất và kiểm soát hormone, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác của cơ thể, từ quá trình trao đổi chất đến tâm trạng. Sự tác động quá mức hoặc quá ít của một số hormone có thể góp phần tăng nguy cơ mắc rung nhĩ hoặc các loại rối loạn nhịp tim khác.

2. Nguy cơ tiềm ẩn từ rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ

Có nhiều bệnh gây rối loạn nội tiết, tuy nhiên chỉ một số ít được xem xét là yếu tố nguy cơ đặc biệt cao đối với rung nhĩ, bao gồm:

2.1 Bệnh đái tháo đường:

Bệnh đái tháo đường type 1 là rối loạn nội tiết phổ biến nhất. Đối với đái tháo đường type 1, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để kiểm soát đường trong máu. Trong khi đó, ở đái tháo đường type 2 cơ thể không phản ứng với insulin, khiến tuyến tụy phải sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu. Mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường và rung nhĩ vẫn chưa rõ ràng, nhưng giả thuyết cho rằng, kiểm soát đường kém có thể gây sẹo tâm nhĩ, ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim.

2.2 Bệnh tuyến giáp:

Tuyến giáp ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của sức khỏe như quá trình trao đổi chất và nhịp tim. Khi tuyến giáp hoạt động quá mạnh (cường giáp) hoặc quá yếu (suy giáp), đều có thể liên quan đến nguy cơ gây ra vấn đề về nhịp tim, trong đó cường giáp có thể tăng nguy cơ này hơn. Mức độ cao của hormone tuyến giáp có thể làm tăng nhịp tim và gây ra sự rối loạn nhịp tim, bao gồm cả tình trạng rung nhĩ.

2.3 Rối loạn tuyến thượng thận:

Tuyến thượng thận sản xuất các hormone như aldosterone, cortisol và adrenaline, ảnh hưởng đến tim. Mức độ cao hoặc thấp của các hormone này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tim. Ví dụ, việc có quá nhiều aldosterone, hormone kiểm soát chất điện giải, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc rung nhĩ, đồng thời cũng liên quan đến đột quỵ và đau tim. Thuốc lá, rượu và caffeine có thể kích thích tuyến thượng thận sản xuất nhiều adrenaline, cũng có thể tăng nguy cơ mắc rung nhĩ.

3. Bạn nên làm gì khi gặp tình trạng rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ?

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nội tiết hoặc trải qua sự thay đổi về nồng độ hormone do mãn kinh hoặc các lý do khác, hãy thăm khám tim mạch thường xuyên vì rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ và các vấn đề về tim mạch khác.


Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ làm ảnh hưởng đến sức khỏe
Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ làm ảnh hưởng đến sức khỏe

Có thể bác sĩ sẽ đề xuất bạn thực hiện điện tâm đồ (ECG) để kiểm tra rối loạn nhịp tim. ECG là một bài kiểm tra ghi lại hoạt động điện trong tim. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn kiểm tra định kỳ cholesterol và huyết áp. Có thể bạn cần thêm một bác sĩ chuyên khoa tim mạch (bác sĩ tim) vào đội ngũ chăm sóc sức khỏe của mình, ngay cả khi trái tim của bạn hiện tại có vẻ khỏe mạnh.

4. Các yếu tố rủi ro gây ra bệnh rung nhĩ khác

Ngoài yếu tố rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ, còn có một số yếu tố khác góp phần tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Các yếu tố rủi ro chính của rung nhĩ bao gồm:

  • Tuổi: Rung nhĩ rất hiếm ở trẻ em và thanh niên, nhưng nguy cơ mắc rung nhĩ tăng lên theo tuổi tác.
  • Tiêu thụ rượu: Uống quá mức rượu liên quan đến nguy cơ cao hơn về rung nhĩ. Ngay cả một lượng rượu nhỏ cũng có thể tăng nguy cơ mắc rung nhĩ.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có người thân, chẳng hạn cha mẹ hoặc anh chị em, mắc bệnh rung nhĩ, bạn có thể mắc bệnh này ở độ tuổi trẻ hơn.
  • Huyết áp cao: Huyết áp cao và kiểm soát kém có thể gây thay đổi trong cấu trúc tâm nhĩ, tăng nguy cơ phát triển rung nhĩ.
  • Các bệnh tim khác: Bệnh van tim, bệnh tim mạch vành, cũng như thực hiện phẫu thuật tim đều có thể tăng nguy cơ mắc rung nhĩ.

Nếu bạn đã được chẩn đoán với bất kỳ bệnh tim nào, hãy thảo luận với bác sĩ về nguy cơ mắc rung nhĩ và những biện pháp phòng ngừa thích hợp.

5. Các biện pháp phòng ngừa bệnh rung nhĩ

Đối với bệnh nhân muốn ngăn chặn sự phát triển của bệnh rung nhĩ, có thể thực hiện những biện pháp sau để tối ưu hóa quá trình điều trị, cải thiện sức khỏe và gia tăng hiệu quả điều trị:

  • Giảm tiêu thụ rượu và bia: Hạn chế lượng rượu và bia có thể giảm nguy cơ rung nhĩ.
  • Hạn chế chất kích thích: Tránh sử dụng quá mức caffeine và nước tăng lực.
  • Ngừng hút thuốc lá: Việc ngừng hút thuốc lá có thể giúp bình thường hóa nhịp tim và huyết áp.
  • Tập luyện đều đặn: Thực hiện hoạt động thể dục mỗi ngày để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
  • Giảm stress và căng thẳng: Học cách quản lý stress và tìm kiếm các hoạt động giảm căng thẳng.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng lành mạnh để tránh tình trạng thừa cân và béo phì.

Mọi người nên chủ động luyện tập thể thao để phòng ngừa các bệnh về tim mạch và rối loạn nội tiết
Mọi người nên chủ động luyện tập thể thao để phòng ngừa các bệnh về tim mạch và rối loạn nội tiết

Ngoài ra, việc kiểm soát các yếu tố rủi ro như rối loạn nội tiết tăng nguy cơ rung nhĩ và bệnh tiền sử cũng đóng vai trò quan trọng:

  • Kiểm soát áp lực máu: Đối với những người có huyết áp cao.
  • Kiểm soát đường huyết: Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường.
  • Điều trị cường giáp: Nếu cần thiết.
  • Chữa trị ngưng thở khi ngủ: Nếu đã từng xảy ra.

Xây dựng lối sống lành mạnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cách hiệu quả để giảm khả năng rối loạn nội tiết và nguy cơ rung nhĩ. Đồng thời, thực hiện thêm những biện pháp như tăng cường hoạt động thể dục hàng ngày và tránh các thói quen xấu sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe