Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Cơ thể con người có một hệ thống nội tiết, tiết ra các hormon và hệ thống thần kinh cùng lúc điều chỉnh sự chuyển hóa và chức năng sinh lý của cơ thể người. Khi ở trạng thái bình thường, các hormon giữ sự cân bằng trao đổi chất của cơ thể và chức năng sinh lý. Nếu vì một nguyên nhân nào đó phá vỡ sự cân bằng sẽ dẫn đến sự rối loạn nội tiết và gây ra một số biểu hiện lâm sàng tương ứng. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn nội tiết là chấn thương sọ não.
1. Chấn thương sọ não là gì?
Chấn thương sọ não (tên tiếng Anh là Traumatic brain injury) là tổn thương não đột ngột khi đầu đập vào thứ gì đó rất mạnh hoặc bị đánh vào đầu hoặc khi một vật xuyên qua hộp sọ và vào não. Nguyên nhân bao gồm:
- Ngã
- Tai nạn xe cơ giới
- Bạo lực, như vết thương do súng bắn, lạm dụng trẻ em hoặc đánh đập
- Chấn thương do thể thao hoặc trong khi chiến đấu (như nổ mìn).
2. Hệ thống nội tiết là gì?
Hệ thống nội tiết bao gồm các tuyến, các cơ quan sản xuất và giải phóng hormone, đây là những hóa chất giúp cơ thể bạn hoạt động hiệu quả bằng cách kiểm soát sự tăng trưởng, phát triển tình dục, cách cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng (trao đổi chất), cách đối phó với bệnh tật và nhiều hơn thế nữa.
Có hai hệ thống chính điều hòa các chức năng cơ thể là hệ thần kinh thông qua cơ chế thần kinh và hệ nội tiết thông qua cơ chế thể dịch. Hệ nội tiết bao gồm các tuyến nội tiết nhỏ, nằm rải rác, không liên quan về mặt giải phẫu nhưng lại liên quan rất chặt chẽ về mặt chức năng. Bên cạnh đó, có thể nói hầu hết các cơ quan và tế bào trong cơ thể đều làm nhiệm vụ nội tiết.
Tuyến nội tiết là những tuyến không có ống dẫn, gồm hai phần: phần chế tiết tạo thành từng đám tế bào có nhiệm vụ tổng hợp và phóng thích hormon, lưới mao mạch phong phú bao bọc xung quanh các tế bào chế tiết có nhiệm vụ tiếp nhận hormone đưa vào hệ thống tuần hoàn.
Các tuyến nội tiết chính trong cơ thể gồm: vùng hạ đồi, tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục.
Bình thường, hệ thống thông tin phản hồi của các tuyến nội tiết giúp kiểm soát sự cân bằng hormon trong máu. Nếu cơ thể có quá nhiều hoặc ít hormon nào đó, hệ thống này sẽ phát tín hiệu để các tuyến nội tiết khắc phục sự cố. Mất cân bằng nội tiết tố có thể xảy ra nếu hệ thống thông tin phản hồi gặp vấn đề.
3. Chấn thương não ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết như thế nào?
Hai phần quan trọng của hệ thống nội tiết là tuyến yên và tuyến dưới đồi nằm ở vùng dưới đồi và quanh não thất ba trong não bộ. Vùng dưới đồi và tuyến yên giống như những nhạc trưởng trong dàn nhạc nhằm thông báo cho các tuyến nội tiết khác trên khắp cơ thể tạo ra các hormone và bảo vệ mọi khía cạnh của sức khỏe.
Tuy nhiên chấn thương sọ não có thể làm tổn thương đến hai tuyến nội tiết quan trọng này gây ra vấn đề về hormone. Một người bị chấn thương sọ não có thể có vấn đề về hormone ngay lập tức hoặc vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi bị thương.
4. Những vấn đề về hormone thường gặp sau khi chấn thương sọ não?
Một người bệnh mắc chấn thương sọ não có thể có một hoặc nhiều vấn đề, tùy thuộc vào mức độ và loại chấn thương. Các vấn đề thường xảy ra ngay sau khi chấn thương sọ não bao gồm:
- Suy tuyến thượng thận
Thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay phía trên 2 thận. Mỗi tuyến bao gồm 2 phần, phần tủy (bên trong) tiết ra các hormon catecholamin có tác dụng duy trì mức huyết áp và nhịp tim, phần vỏ (bên ngoài) tiết ra các hormon corticosteroid. Những hormon này có vai trò rất quan trọng đối với sự sống.
Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận sản xuất quá ít cortisol, dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, mệt mỏi, sụt cân, huyết áp thấp, nôn mửa và mất nước ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị.
- Đái tháo nhạt
Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh đái tháo nhạt là người bệnh thường xuyên đi tiểu, nước tiểu loãng và nhạt. Tùy thuộc vào mức độ mà lượng nước tiểu có thể từ khoảng 2,5 lít mỗi ngày nếu có đái tháo nhạt nhẹ, nếu nặng người bệnh có thể tiểu đến khoảng 15 lít mỗi ngày, trường hợp này thường kèm theo bệnh nhân dùng rất nhiều dịch.
Ngoài ra, người bệnh còn hay đi tiểu vào ban đêm, thường xuyên khát nước, đặc biệt là muốn uống nước lạnh. Nếu không được điều trị, đái tháo nhạt có thể làm tăng lượng natri trong máu, dẫn đến lú lẫn, co giật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đái tháo nhật, trong đó có chấn thương sọ não khiến tuyến yên không sản xuất ra đủ hormone chống bài niệu (ADH); dẫn đến đi tiểu thường xuyên và khát nước cực độ.
- Hạ natri máu
Một số vấn đề về hormone làm đảo lộn sự cân bằng của muối và nước trong cơ thể dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa, lú lẫn và co giật.
Các vấn đề có thể xảy ra sau đó và các triệu chứng như:
- Suy giáp (không đủ hormone tuyến giáp): mệt mỏi, táo bón, tăng cân, kinh nguyệt không đều, nhạy cảm với lạnh (cold intolerance)
- Suy tuyến sinh dục (Hypogonadism): ở phụ nữ ngừng kinh nguyệt và rụng lông trên cơ thể; Ở nam giới, rối loạn chức năng tình dục, vú to ra, rụng lông trên cơ thể và mất cơ bắp
- Thiếu hormone tăng trưởng: ở người trưởng thành có triệu chứng tăng mỡ, mất cơ và xương và giảm năng lượng; ở trẻ em gặp các vấn đề về tăng trưởng
- Hyperprolactinemia (quá nhiều prolactin): dẫn đến kinh nguyệt không đều, chảy dịch núm vú và rối loạn cương dương
5. Làm thế nào được chẩn đoán vấn đề hormone liên quan đến chấn thương sọ não?
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật và thực hiện các bài kiểm tra thể chất. Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra mức độ hormone, chụp MRI để kiểm tra tuyến yên và các khối u, u nang hoặc các vấn đề khác.
6. Điều trị các vấn đề liên quan đến hormone liên quan đến chấn thương sọ não là gì?
Thông thường, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng hormone bổ sung để thay thế những hormone còn thiếu hay còn gọi là liệu pháp hormone. Các vấn đề khác đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau, chẳng hạn như điều trị hạ natri máu bằng cách cắt giảm lượng chất lỏng, truyền tĩnh mạch dung dịch muối và uống các loại thuốc khác tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh.
7. Tiên lượng dài hạn cho các vấn đề về hormone liên quan đến chấn thương sọ não là gì?
Tiên lượng phụ thuộc vào loại vấn đề và mức độ nghiêm trọng của hormone và nguyên nhân dẫn đến chấn thương não. Một số vấn đề nội tiết có thể là tạm thời và biến mất trong vòng một năm sau khi chấn thương sọ não.
Liệu pháp hormone là một phần rất quan trọng trong điều trị để khôi phục sức khỏe, làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống và thậm chí là cứu sống người bệnh.
Khi nhận thấy những biểu hiện, triệu chứng trên, người bệnh cần đi khám để được kiểm tra và có những phác đồ điều trị thích hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: ncbi.nlm.nih.gov; academic.oup.com; hormone.org