Rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai có thể gây hoang mang cho bà mẹ và lo lắng cho sức khỏe bản thân ở những lần mang thai tiếp theo. Vậy tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai là gì và có cách nào cải thiện được không?
1. Các vấn đề liên quan đến sảy thai
Sẩy thai có thể do virus như herpes, rubella... hoặc do rối loạn do một số bất thường chẳng hạn như bất thường nhiễm sắc thể hoặc di truyền mendelian, hoặc các thiếu hụt trong giai đoạn hoàng thể.
Các nguyên nhân gây nên tình trạng sẩy thai có thể bao gồm những bất thường về miễn dịch, chấn thương lớn, hoặc các bất thường liên quan đến tử cung như u xơ tử cung, dính buồng trứng... Tuy nhiên, thông thường thì các nguyên nhân này không rõ ràng nên rất khó để phụ nữ có thể nhận biết được dễ dàng.
Những bà mẹ có khả năng gây nguy cơ sảy thai cao bao gồm: những bà mẹ có độ tuổi trên 35 tuổi, có tiền sử sảy thai trước đó, hoặc có hút thuốc lá, sử dụng thuốc hoặc các chất kích thích hoặc mắc một số bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn tuyến giáp...
2. Dấu hiệu của tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai được biểu hiện rất rõ ràng bao gồm:
- Hiện tượng của quá trình kinh nguyệt không đều sau khi sảy thai. Quá trình mang thai với sự thay đổi về hormone nội tiết tố với xu hướng tăng lên. Nhưng sau khi bị sảy thai, lượng hormone này lại giảm đột ngột. Sự thay đổi liên tục này khiến cho cơ thể không thể thích nghi và đáp ứng được với sự tăng giảm của hormone đồng thời cần có thời gian để người phụ nữ được phục hồi. Đôi khi trong thời gian này, hiện tượng kinh nguyệt sẽ không đều, có thể ra nhiều hoặc cũng có thể quá ít.
- Hiện tượng rong kinh sau sảy thai. Sau quá trình này xảy ra thời gian của chu kỳ hành kinh có thể kéo dài, liên tục trên 7 ngày được xem như rong kinh. Dấu hiệu của quá trình rong kinh cho thấy bạn có thể bị rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai và lúc này tử cung chưa được phục hồi. Hiện tượng rong kinh sau khi sảy thai không chỉ gây ra sự bất tiện, khó chịu cho người phụ nữ mà còn có những nguy cơ tiềm ẩn gây viêm nhiễm, hoặc các bệnh liên quan đến phụ khoa.
- Hiện tượng mất kinh sau khi sảy thai. Sau sảy thai, ngược với hiện tượng rong kinh thì có thể xuất hiện cả mất kinh với tình trạng kinh nguyệt sẽ không trở lại sau 4 đến 6 tuần. Mất kinh quá lâu có thể gây các ảnh hưởng nghiêm trọng đến những lần có thai tiếp theo. Vì vậy, phụ nữ cần đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
- Hiện tượng kinh nguyệt ít sau khi sảy thai. Sau quá trình sảy thai buồng trứng gặp nhiều vấn đề, cùng với cơ thể thiếu chất, chưa có thời gian phục hồi nên có thể là những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng kinh nguyệt ít. Chứng rối loạn kinh nguyệt với số lượng kinh nguyệt ít cũng thường thấy khi bị sảy thai.
3. Các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai
Có thể có nhiều yếu tố gây nên tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai và những yếu tố này bao gồm tâm lý, nội tiết tố, chế độ dinh dưỡng...
- Yếu tố tâm lý. Sau khi sảy thai sẽ khiến cho người phụ nữ có cú sốc quá lớn. Họ không chỉ buồn bã, mệt mỏi mà còn cảm thấy lo lắng và nhiều áp lực cho lần mang thai tiếp theo. Và như vậy sẽ vô tình gây ức chế cho hoạt động của tuyến yên khiến cho nội tiết tố rối loạn và xảy ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai.
- Yếu tố nội tiết tố. Khi mang thai, hormone nội tiết tố trong cơ thể tăng lên với chức năng giúp đảm bảo chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh. Nhưng khi sảy thai lượng hormone giảm đột ngột làm cho cơ thể mất cân bằng nội tiết tố, dẫn tới sự thay đổi chu kỳ cũng như thời kỳ rụng trứng khiến cho kinh nguyện gặp tình trạng rối loạn. Hơn nữa, sảy thai cũng làm tổn thương trực tiếp đến tử cung và buồng trứng và ảnh hưởng đến thời gian rụng trứng gây ra rối loạn kinh nguyệt.
- Yếu tố về dinh dưỡng và nghỉ ngơi. Sau khi sảy thai, nếu chế độ dinh dưỡng không cung cấp đầy đủ cho người phụ nữ có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Bởi vì sau quá trình này cơ thể bị thiếu chất trầm trọng, kèm theo sức đề kháng giảm do vừa trải qua biến cố. Hơn nữa, những người phụ nữ bị sảy thai có thể làm việc quá sức hay vận động mạnh khiến cơ bụng co lại và tác động mạnh đến tử cung. Tử cung ở giai đoạn này đang yếu đuối nên rất dễ gây ra những ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.
- Các yếu tố liên quan đến viêm nhiễm phụ khoa sau khi sảy thai. Sau quá trình sảy thai, vùng kín của người phụ nữ luôn ẩm ướt, và cổ tử cung mở rộng, cùng với dịch âm đạo tiết ra nhiều, các yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây tình trạng viêm nhiễm hoặc nấm ở vùng kín. Ở giai đoạn này phụ nữ không thực hiện vệ sinh sạch sẽ và điều trị tích cực, nếu không có thể tăng cao nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa như viêm lộ tuyến, lạc nội mạc tử cung... gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
4. Mức độ nguy hiểm của rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai
Sau khi sảy thai và kinh nguyệt trở lại bình thường thì người phụ nữ có thể yên tâm với sức khỏe sinh sản của mình. Tuy nhiên, rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai kéo dài có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đến sức khoẻ người phụ nữ, như biểu hiện cơ thể yếu đuối, mất cân bằng,... hoặc có thể thấy rõ những biểu hiện trên da như da sạm, da nhợt nhạt... Hoặc có thể gây ra tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Bởi vì sau khi bị sảy thai, người phụ nữ bị mất máu khá nhiều, lượng sắt dự trữ trong máu không đủ để tái tạo hồng cầu, và rối loạn kinh nguyệt sẽ làm cho người phụ nữ cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi. Hoặc người khó có khả năng mang thai ở những lần sau. Do tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể tăng nguy cơ viêm tử cung khiến cho niêm mạc tử cung mỏng dần nên nguy cơ vô sinh cao và khó có cơ hội được thực hiện thiên chức của người mẹ.
5. Các cách giúp hạn chế tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai
Rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai có thể khó tránh khỏi với một số phụ nữ, nhưng bạn nên thực hiện một số cách giúp hạn chế mức độ nguy hiểm của tình trạng này.
Chăm sóc sức khỏe thật tốt. Đây được xem như giai đoạn khá quan trọng bởi vì khi phụ nữ sảy thai cơ thể đang yếu dần đi. Vì vậy, cơ thể người phụ nữ cần thời gian để phục hồi. Để thực hiện được việc này thì người phụ nữ cần phải xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý và giữ vững một tinh thần thoải mái nhất.
- Chăm sóc dinh dưỡng với đầy đủ và đa dạng các chất dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, và các loại cá biển để vừa giúp cân bằng nội tiết tố và duy trì cân nặng hợp lý.
- Uống nhiều nước đặc biệt là nước ấm giúp thanh lọc và thải độc cơ thể.
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, người bệnh nên ngủ sớm trước 22 giờ, và không nên thức khuya ảnh hưởng đến sức khoẻ.
- Thực hiện làm việc nhẹ nhàng, và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc quá nặng và quá sức.
- Thực hiện các bài tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc... để tạo một tâm trạng thoải mái dễ chịu.
Ngoài ra, phụ nữ cũng nên thăm khám định kỳ để chuẩn bị một sức khoẻ tốt cho những lần mang thai tiếp theo. Việc khám phụ khoa định kỳ cũng giúp phụ nữ sớm phát hiện những bất thường liên quan đến cơ quan sinh sản đặng biệt tử cung và buồng trứng.
Những phụ nữ có tiền sử sảy thai cần hết sức thận trọng ở những lần mang thai kế tiếp. Để khả năng thụ thai cao nhất và đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, trước khi có kế hoạch mang thai, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng. Bạn sẽ được khám đánh giá khả năng sinh sản, tình dục, sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, sàng lọc các bệnh lý về di truyền. Đặc biệt, quá trình khám này sẽ có thể phát hiện sớm nguyên nhân có thể dẫn tới vô sinh, hiếm muộn để có những biện pháp can thiệp sớm. Các bác sĩ cũng sẽ tư vấn thời điểm sinh con tốt nhất và các biện pháp để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh thông minh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.