Rối loạn estrogen - vấn đề phổ biến giai đoạn tiền, mãn kinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Rối loạn estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người phụ nữ. Không những nhan sắc xuống cấp, sinh lý suy giảm mà phụ nữ còn phải đối mặt với tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường tiết niệu, loãng xương, tim mạch,...

1. Estrogen có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, sắc đẹp người phụ nữ

Estrogen là tên gọi chung của 3 loại hormone là Estron (E1), Estradiol (E2) và Estriol (E3). Do Estradiol là loại có hoạt tính cao nhất, gấp 12 lần so với Estron và 80 lần so với Estriol nên tác dụng Estrogen chủ yếu là tác dụng của Estradiol. Estrogen được sinh ra chủ yếu ở buồng trứng, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, sắc đẹp và sự hấp dẫn của người phụ nữ:

  • Estrogen giúp phát triển giới tính và các cơ quan sinh dục, giúp phụ nữ có đặc tính của phái nữ như ngực nở, eo thon, vai nhỏ, giọng nói thanh, tạo nhu cầu tình dục và bảo vệ cơ quan sinh dục chống lại các tác nhân viêm nhiễm. Estrogen tạo nên sắc đẹp, tuổi xuân người phụ nữ nhờ tác dụng giữ nước, tích tụ collagen và lớp mỡ dưới da, giúp phụ nữ có làn da mịn màng, tóc nhanh dài, đen mượt.
  • Estrogen giúp niêm mạc tử cung phát triển, cùng với Progesteron tạo chu kỳ kinh nguyệt, tạo ham muốn và duy trì khả năng tình dục.
  • Estrogen quyết định sự thụ thai nhờ giúp phát triển các nang trứng, kích thích rụng trứng, tạo môi trường thuận lợi để tình trùng di chuyển, thụ tinh.
  • Estrogen giúp các cơ quan tim mạch hoạt động nhịp nhàng, trung hòa gốc tự do, chống lão hóa và các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, rối loạn lipid máu, ung thư,..

Estrogen có vai trò quan trọng với khả năng tình dục
Estrogen có vai trò quan trọng với khả năng tình dục

Video đề xuất:

Thời kỳ mãn kinh kéo dài bao lâu?

2. Rối loạn estrogen - vấn đề phổ biến giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian được tính từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của rối loạn mãn kinh, thường vào khoảng 40 tuổi và kết thúc vào chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.

Mãn kinh được định nghĩa là tình trạng hết hẳn kinh nguyệt do sự suy giảm sinh lý tự nhiên, không hồi phục của buồng trứng. Mãn kinh được chẩn đoán khi một phụ nữ đang có kinh đều mỗi tháng tự nhiên ngừng, không có kinh trong 12 chu kỳ liên tiếp. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, buồng trứng cạn dần dự trữ, suy giảm nội tiết tố nữ diễn ra đột ngột, estrogen trong huyết thanh giảm dần. Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nồng độ estradiol huyết thanh dao động từ 50-350 pg/ml và estron từ 30-110 pg/ml. Ở phụ nữ mãn kinh, nồng độ estradiol xuống thấp, chỉ còn khoảng từ 5-25 pg/ml, nồng độ estrogen còn từ 20-70 pg/ml. Sự rối loạn estrogen sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người phụ nữ thời kỳ tiền, mãn kinh. Các rối loạn chức năng đặc trưng do rối loạn nội tiết nữ estrogen là:


Kinh nguyệt hết hẳn ở tuổi mãn kinh
Kinh nguyệt hết hẳn ở tuổi mãn kinh

2.1 Rối loạn vận mạch

Rối loạn vận mạch đặc trưng bởi bốc hỏa và vã mồ hôi đêm. Bốc hỏa là cơn nóng phừng thoáng qua và tái diễn ở mặt hoặc ngực, sau đó lan khắp cơ thể, kèm theo vã mồ hôi, nóng toàn thân, hồi hộp, đánh trống ngực, lo lắng, ớn lạnh. Cơn bốc hỏa thường kéo dài từ 1 đến 5 phút. Vã mồ hôi đêm là cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm và can thiệp vào giấc ngủ.

2.2 Thay đổi tâm lý

Các thay đổi tâm lý do rối loạn estrogen chủ yếu là mất ngủ, dễ cáu gắt, lo lắng, trầm cảm, thay đổi tính tình, giảm ham muốn. Các biến đổi tâm lý thể hiện ở các mức độ khác nhau tùy theo trạng thái tâm lý của mỗi người. Rối loạn dạng trầm cảm chiếm 20% các phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh.

2.3 Thay đổi hình thái các cơ quan sinh dục

Suy giảm nội tiết tố nữ estrogen khi mãn kinh sẽ làm niêm mạc âm đạo mỏng, khô, nhợt nhạt. Âm đạo trở nên kém đàn hồi, thu hẹp và ngắn lại. Viêm âm đạo hoặc teo âm đạo có thể xảy ra với các triệu chứng như ngứa, nóng rát kèm tiết dịch âm đạo mãn tính. Ước tính có khoảng 45% phụ nữ sau mãn kinh có triệu chứng của teo âm đạo. Những thay đổi trong âm đạo, âm hộ làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người phụ nữ và chức năng sinh dục.


Hình thái các cơ quan sinh dục bị thay đổi
Hình thái các cơ quan sinh dục bị thay đổi

2.4 Dễ bị nhiễm trùng phụ khoa

pH acid của dịch âm đạo giúp chống lại mầm bệnh. Estrogen kích thích các tế bào biểu mô âm đạo tạo ra glycogen, sau đó tạo thành glucose. Vi khuẩn Lactobacillus giúp chuyển hóa glucose thành acid lactic, có nhiệm vụ duy trì pH acid của âm đạo. Rối loạn estrogen trong thời kỳ tiền, mãn kinh sẽ dẫn đến giảm sản xuất glycogen, làm tăng nồng độ pH âm đạo. pH âm đạo cao khiến các mầm bệnh dễ xâm nhập làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng phụ khoa.

2.5 Rối loạn tiết niệu

Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì biểu mô của bàng quang và niệu đạo. Thiếu hụt estrogen sẽ làm thay đổi hầu hết cấu trúc giải phẫu, tế bào, vi trùng và sinh lý hệ niệu sinh dục. Phụ nữ thời kỳ mãn kinh có các triệu chứng tiết niệu như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu khó, tiểu máu, kích thích, tiểu không kiểm soát nhiễm trùng đường tiểu tái phát,...

2.6 Suy giảm tình dục

Rối loạn estrogen ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh làm các tuyến nhờn ở âm đạo và âm hộ trở nên ít hoặc không tiết dịch nhờn gây đau khi quan hệ tình dục. Cảm giác đau khi quan hệ tình dục, cùng với giảm ham muốn tình dục là nguyên nhân chính làm giảm tần suất hoạt động tình dục.


Suy giảm tình dục do nội tiết tố
Suy giảm tình dục do nội tiết tố

2.7 Tăng nguy cơ loãng xương

Suy giảm nội tiết tố nữ estrogen đã được chứng minh là nguyên nhân gây loãng xương do làm giảm mật độ xương. Từ 1,5 năm trước mãn kinh đến 1,5 năm sau mãn kinh, mật độ xương giảm khoảng 2.5% mỗi năm. Phụ nữ mãn kinh sớm sẽ có nguy cơ loãng xương tăng nhiều lần so với phụ nữ mãn kinh bình thường. Thời gian mãn kinh càng dài thì nguy cơ loãng xương càng cao, nguy cơ loãng xương ở phụ nữ có thời gian mãn kinh trên 10 năm tăng 2.9 lần so với những phụ nữ mãn kinh dưới 10 năm.

2.8 Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch

Estrogen có vai trò bảo vệ tim mạch thông qua cơ chế duy trì nồng độ HDL cao và LDL thấp. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, khi lượng estrogen bắt đầu suy giảm thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch của phụ nữ cũng bắt đầu tăng. Sự thiếu hụt estrogen tạo điều kiện cho sự hình thành các tổn thương xơ vữa. Các mảng xơ vữa động mạch phát triển, rời ra khỏi thành mạch, di chuyển, gây biến chứng tắc nghẽn động mạch xung yếu ở phổi, não, gây các biến chứng nghiêm trọng.

Tiền mãn kinh, mãn kinh là một tiến trình tự nhiên của quá trình lão hóa. Phụ nữ phải làm quen dần với sự thay đổi cơ thể do rối loạn nội tiết tố nữ, đặc biệt là giảm estrogen gây ra. Thực hiện lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối và thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều trái cây, rau xanh, ăn nhiều cá để cung cấp omega-3 và các chất béo có lợi...sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu và duy trì sức khỏe của phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Trong những trường hợp suy giảm nội tiết tố nữ làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe phụ nữ, bác sĩ có thể cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng liệu pháp hormon thay thế.

Video đề xuất:

Giới thiệu Hệ thống Y tế Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe