Bài viết được viết bởi BS Đỗ Phước Huy - Trung tâm Công nghệ cao Vinmec
Rối loạn dự trữ glycogen type 0 (hay còn gọi là GSD 0) là một bệnh lý trong nhóm bất thường rối loạn dự trữ glycogen. Rối loạn dự trữ glycogen type 0 gây ra bởi sự giảm dự trữ glycogen, nguồn dự trữ năng lượng chính của cơ thể.
1. Thông tin chung
Rối loạn dự trữ glycogen type 0 gây ra do sự bất thường enzyme glycogen synthase có mặt tại gan và cơ, từ đó cũng có hai thể khác nhau của nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 0 là rối loạn dự trữ glycogen type 0 - biểu hiện cơ và rối loạn dự trữ glycogen type 0 – biểu hiện gan.
Hiện nay trên y văn ghi nhận ít hơn 10 trường hợp rối loạn dự trữ glycogen type 0 - biểu hiện cơ và ít hơn 30 trường hợp rối loạn dự trữ glycogen type 0 – biểu hiện gan. Tuy nhiên do số ca đột tử trẻ do ngừng tim chưa được chẩn đoán cũng như nhiều trường hợp có triệu chứng nhẹ, vì vậy tỷ lệ mắc rối loạn dự trữ glycogen type 0 có thể chưa ước tính chính xác.
2. Các thể của rối loạn dự trữ glycogen type 0
2.1 Rối loạn dự trữ glycogen type 0 - biểu hiện ở cơ
Trong cơ, glycogen khi thoái hóa tạo ra ATP cung cấp năng lượng cho sự co cơ. Vì vậy khi không có đủ lượng glycogen dự trữ (trong bệnh lý rối loạn dự trữ glycogen type 0 - biểu hiện cơ do bất thường enzyme glycogen synthase tại cơ) các biểu hiện sẽ thường xuất hiện từ giai đoạn trẻ nhỏ đến dậy thì gồm: đau, yếu cơ, dễ ngất xỉu hoặc co giật đặc biệt sau các hoạt động thể lực mức độ vừa và nặng như leo cầu thang.
Một số trường hợp bệnh nhân rối loạn dự trữ glycogen type 0 - biểu hiện cơ có ghi nhận bất thường trên điện tim như hội chứng QT dài... Trong tất cả các trường hợp, GSD0 làm suy giảm khả năng tống máu bình thường của tim và làm tăng nguy cơ ngừng tim, đột tử. Đột tử do ngừng tim được ghi nhận ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành bị rối loạn dự trữ glycogen type 0 - biểu hiện cơ, thường sau một hoạt động gắng sức. Trên tử thiết, thường ghi nhận bệnh nhân có cơ tim phì đại.
Rối loạn dự trữ glycogen type 0 - biểu hiện ở cơ (OMIM # 611556) gây ra do đột biến gen GYS1 (mã hóa cho enzyme glycogen synthase trong cơ) trên nhiễm sắc thể 19q13. Gen GYS1 bao gồm 25181 bases, 16 exon mã hóa cho 737 amino acid. Tính tới thời điểm hiện tại, toàn bộ các đột biến gen GYS1 được báo cáo là gây bệnh hoặc có thể gây bệnh trên ClinVar đều nằm trên vùng exon hoặc vùng splicing. Với các xét nghiệm gen khảo sát mức độ exon và vùng gần exon có thể phát hiện được các đột biến gen liên quan nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 0 này.
2.2 Rối loạn dự trữ glycogen type 0, biểu hiện ở gan
Trong gan, glycogen khi thoái hóa tạo ra glucose cung cấp cho gan cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy khi không có đủ lượng glycogen dự trữ (trong bệnh lý rối loạn dự trữ glycogen type 0 - biểu hiện gan do bất thường enzyme glycogen synthase tại gan) các biểu hiện sẽ thường xuất hiện từ giai đoạn sơ sinh gồm: hạ đường huyết (đặc biệt ở giai đoạn bắt đầu cai sữa ban đêm), hay sau một bệnh lý đường tiêu hóa cấp tính; tăng keton máu; mệt mỏi, xanh xao; buồn nôn, và chậm phát triển (22% số trường hợp rối loạn dự trữ glycogen type 0, biểu hiện ở gan có ghi nhận chậm phát triển). Khám bụng có thể thấy gan kích thước bình thường hoặc to nhẹ (do gan nhiễm mỡ, không do tích trữ glycogen như các bệnh rối loạn dự trữ glycogen khác).
Ngoài ra, do trẻ không tổng hợp được glycogen nên có thể biểu hiện tăng đường huyết sau khi ăn, có thể nhầm lẫn trẻ bị đái tháo đường sơ sinh.
Rối loạn dự trữ glycogen type 0, biểu hiện ở gan (OMIM # 240600) gây ra do đột biến gen GYS2 (mã hóa cho enzyme glycogen synthase trong gan) trên nhiễm sắc thể 12p12.1. Gen GYS2 bao gồm 73332 bases, 16 exon mã hóa cho 703 amino acid. Tính tới thời điểm hiện tại, gần 90% các đột biến gen GYS2 được báo cáo là gây bệnh hoặc có thể gây bệnh trên ClinVar đều nằm trên vùng exon hoặc vùng splicing. Với các xét nghiệm gen khảo sát mức độ exon và vùng gần exon có thể phát hiện được hầu hết các đột biến gen liên quan nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 0 này.
3. Xét nghiệm gen cho nhóm bệnh lý rối loạn di truyền type 0
Hiện nay xét nghiệm giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) cho phép khảo sát nhiều gen và nhiều vùng của gen một lúc. Trong bệnh lý GSD0, do chủ yếu đột biến xảy ra vùng mã hóa (exon) và vùng nối (splicing site) nên các xét nghiệm giải trình tự gen vùng mã hóa như WES có thể đáp ứng được nhu cầu này, cũng như giúp chẩn đoán phân biệt với các nhóm bệnh lý khác trong nhóm rối loạn dự trữ glycogen.
4. Điều trị với nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 0
Hiện chưa có cách điều trị đặc hiệu với nhóm rối loạn dự trữ glycogen type 0.
Với rối loạn dự trữ glycogen type 0, biểu hiện ở gan, mục tiêu điều trị nhằm phòng ngừa hạ đường huyết và nhiễm toan lúc đói ở trẻ bằng cách cho trẻ ăn thường xuyên và ăn nhẹ sau 3-4 giờ đồng hồ. Sử dụng những dạng glucose “giải phóng chậm” như bột bắp có hiệu quả trong duy trì đường huyết ở trẻ. Một chế độ ăn giàu protein (3g/kg/ngày) cùng với hạn chế đường sẽ giúp hạn chế tăng đường huyết máu, insulin máu cũng như lactate máu.
Với rối loạn dự trữ glycogen type 0, biểu hiện ở cơ, hiện nay chưa có nhiều bằng chứng cũng như khuyến cáo điều trị hiệu quả. Với những trẻ có bất thường về tim, các thuốc nhóm beta blocker như bisoprolol và metoprolol có hiệu quả sử dụng để phòng ngừa những biến cố tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn:
- Chen, M. A., & Weinstein, D. A. (2016). Glycogen storage diseases: Diagnosis, treatment and outcome. Translational Science of Rare Diseases, 1(1), 45–72. doi:10.3233/trd-160006
- Kollberg, G., Tulinius, M., Gilljam, T., Östman-Smith, I., Forsander, G., Jotorp, P. Holme, E. (2007). Cardiomyopathy and Exercise Intolerance in Muscle Glycogen Storage Disease 0. New England Journal of Medicine, 357(15), 1507–1514. doi:10.1056/nejmoa066691.
- https://medlineplus.gov/genetics/condition/glycogen-storage-disease-type-0/
- https://www.omim.org/entry/611556
- https://www.omim.org/entry/240600
- https://www.genecards.org/cgi-bin/carddisp.pl?gene=GYS2
- https://www.genecards.org/cgi-bin/carddisp.pl?gene=GYS1