Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Néang Chanh Ly - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Viêm âm đạo là bệnh lý phổ biến ở nữ giới, gây ra những triệu chứng khó chịu như ngứa, đau rát ở vùng kín, ra khí hư,... Các nguyên nhân gây viêm âm đạo có thể do các sinh vật như nấm men gây ra hoặc do kích ứng từ hóa chất hoặc thuốc xịt.
1. Viêm âm đạo ở nữ giới
Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm, có thể tiết dịch, ngứa và rát, đau buốt ở vùng kín nữ giới. Nguyên nhân thường là sự thay đổi cân bằng bình thường của vi khuẩn âm đạo hoặc nhiễm trùng. Nồng độ estrogen giảm sau khi mãn kinh và một số rối loạn về da cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm âm đạo.
Các loại viêm âm đạo thường gặp nhất là:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn, là kết quả của sự thay đổi của vi khuẩn bình thường có trong âm đạo của bạn thành sự phát triển quá mức của các sinh vật khác.
- Nhiễm trùng nấm men: Do nấm Candida albicans gây ra.
- Nhiễm trùng roi trichomonas: Thường lây truyền khi quan hệ tình dục.
2. Triệu chứng của viêm âm đạo
Các dấu hiệu của viêm âm đạo thường bao gồm:
- Thay đổi màu sắc, mùi hoặc lượng dịch tiết âm đạo.
- Ngứa hoặc kích ứng âm đạo.
- Đau rát vùng kín khi giao hợp, khi đi tiểu.
- Chảy máu âm đạo.
Một số người sẽ tiết dịch âm đạo có đặc điểm có thể chỉ ra loại viêm âm đạo mắc phải như:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Bạn có thể tiết dịch màu trắng xám, có mùi hôi, mùi có thể rõ ràng hơn sau khi quan hệ tình dục.
- Nhiễm trùng nấm men: Triệu chứng chính là ngứa âm đạo, nhưng bạn có thể tiết dịch màu trắng, đặc giống như pho mát.
- Nhiễm trùng trichomonas: Có thể gây ra dịch màu vàng xanh, đôi khi có bọt.
3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy khó chịu bất thường ở âm đạo, đặc biệt là nếu:
- Âm đạo tiết dịch có mùi khó chịu hoặc ngứa.
- Nếu bạn chưa bao giờ bị nhiễm trùng âm đạo: Gặp bác sĩ có thể xác định nguyên nhân và giúp bạn tìm hiểu để xác định các dấu hiệu và triệu chứng.
- Bạn đã từng bị viêm âm đạo trước đây.
- Bạn đã có nhiều bạn tình hoặc bạn tình mới gần đây. Bạn có thể bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Bạn đã hoàn thành một đợt điều trị bằng thuốc chống nấm men không kê đơn và các triệu chứng của bạn vẫn tiếp diễn.
- Bạn bị sốt, hoặc đau vùng chậu.
4. Ngăn ngừa viêm âm đạo bằng cách nào?
Vệ sinh vùng kín tốt có thể giúp ngăn ngừa một số loại viêm âm đạo tái phát và có thể làm giảm một số triệu chứng của bệnh:
- Tránh việc tắm bồn, bồn nước nóng và bồn tạo sóng.
- Tránh các chất gây kích ứng: Băng vệ sinh thơm, miếng đệm, thụt rửa và xà phòng thơm. Rửa sạch xà phòng khỏi bộ phận sinh dục ngoài của bạn sau khi tắm và lau khô khu vực này thật kỹ để ngăn ngừa kích ứng. Không sử dụng xà phòng mạnh, chẳng hạn như xà phòng có tác dụng khử mùi hoặc kháng khuẩn, hoặc tắm dạng bọt.
- Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh: để tránh lây lan vi khuẩn trong phân xâm nhập vào âm đạo của bạn.
Những điều khác bạn có thể làm để giúp ngăn ngừa viêm âm đạo bao gồm:
- Đừng thụt rửa: Vùng kín của bạn không cần làm sạch thêm ngoài việc tắm rửa bình thường. Việc thụt rửa nhiều lần sẽ phá vỡ các sinh vật bình thường cư trú trong âm đạo và thực sự có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.
- Sử dụng bao cao su: Cả bao cao su dành cho nam và nữ đều có thể giúp bạn tránh bị nhiễm trùng lây lan khi quan hệ tình dục.
- Mặc đồ lót bằng vải cotton: Bạn cũng nên mặc quần tất có đáy quần bằng vải cotton. Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi ngủ nude, hãy bỏ qua việc mặc đồ lót khi đi ngủ vì nấm men phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt.
Để tránh xảy ra tình trạng đau, rát và các tình trạng khác liên quan tới vùng kín, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ để có thể bảo vệ cơ thể mình một cách chủ động.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo: suckhoedoisong.vn, tudu.com.vn