Quy trình siêu âm ổ bụng - những lưu ý cần thiết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Trần Như Tú - Trưởng khoa và Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Siêu âm ổ bụng là một trong những phương pháp cận lâm sàng được áp dụng phổ biến nhất hiện nay, giúp bệnh nhân khám, kiểm tra, đánh giá những tổn thương ở các cơ quan trong ổ bụng.

1. Siêu âm ổ bụng là gì?

Siêu âm ổ bụng là một trong những thăm khám thường quy nhằm mục đích kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc theo dõi, đánh giá những bệnh lý đã biết trước. Siêu âm ổ bụng có thể đánh giá được tổn thương ở các cơ quan như: Gan, mật, hệ tiết niệu (thận, bàng quang, niệu quản), hệ sinh dục (tử cung, buồng trứng ở nữ, tuyến tiền liệt ở nam), lách, tụy.

Siêu âm ổ bụng còn có thể đánh giá một số bệnh lý đường tiêu hóa như: Viêm ruột thừa, các khối u lớn ở các cơ quan trong ổ bụng, hạch ổ bụng, các bất thường mạch máu ổ bụng, đánh giá được dịch ổ bụng và cả dịch trong khoang màng phổi, màng ngoài tim.


Siêu âm ổ bụng giúp đánh giá tình hình một số cơ quan trong cơ thể
Siêu âm ổ bụng giúp đánh giá tình hình một số cơ quan trong cơ thể

2. Siêu âm ổ bụng phát hiện được những bệnh gì?

Ý nghĩa siêu âm ổ bụng là để kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc xác định bệnh lý thông qua các dấu hiệu người bệnh cho là bất thường. Chúng có thể phát hiện:

  • Các bệnh lý về gan: Viêm gan mạn tính, xơ gan, gan xơ K hóa, ung thư gan
  • Các bệnh lý về mật: Viêm túi mật, sỏi mật
  • Bệnh viêm tuyến tụy cấp hay mãn tính, u tụy, lá lách to
  • Các bệnh về hệ tiết niệu: Tắc nghẽn thận, sỏi thận hoặc ung thư thận, bàng quang, niệu quản
  • Các bệnh về hệ sinh dục: Nhân xơ tử cung, nang lạc nội mạc tử cung, ung thư tử cung, u buồng trứng, phì đại hay ung thư tiền liệt tuyến
  • Các bệnh về hệ tiêu hóa: Viêm ruột thừa, các khối u dạ dày, các khối u ống tiêu hóa, khối máu tụ, u hạch mạc treo, các khối lồng ruột...

Bên cạnh đó, siêu âm ổ bụng còn có thể phát hiện nhiều bệnh lý khác như các bệnh phình động mạch chủ bụng, các chất lỏng tích tụ trong ổ bụng,... và có thể đánh giá dịch trong bụng, khoang màng phổi và màng ngoài tim.

3. Quy trình siêu âm ổ bụng

Quy trình siêu âm ổ bụng diễn ra rất nhanh chóng, an toàn, không đau, không bức xạ nên được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp chẩn đoán viêm nhiễm, tầm soát ung thư và theo dõi diễn biến bệnh lý ở ổ bụng. Các bước tiến hành cụ thể:

  • Đặt bệnh nhân lên bàn khám siêu âm
  • Cho bệnh nhân nằm ngửa lên giường, hai chân duỗi thẳng. Áo kéo qua mũi ức và quần kéo qua khớp mu, hai tay bên nhân đưa lên cao qua đầu
  • Đăng ký tên và thông tin quan trọng của bệnh nhân vào máy, chọn đầu dò và chương trình siêu âm ổ bụng
  • Bôi gel lên đầu dò
  • Thực hiện siêu âm ổ bụng qua các mặt phẳng cắt. Có thể làm siêu âm qua các tư thế khác như nằm nghiêng, chếch... tùy từng trường hợp.
  • Khi làm xong dùng khăn sạch lau hết gel trên người bệnh nhân

Siêu âm ổ bụng nhanh chóng và an toàn
Siêu âm ổ bụng nhanh chóng và an toàn

4. Những lưu ý khi thực hiện siêu âm ổ bụng

Thông thường khám siêu âm có thể được thực hiện ngay mà không cần chuẩn bị như; siêu âm tim, mạch máu, tuyến giáp, vùng mặt cổ, mắt, tuyến vú, phần mềm cơ khớp... Tuy nhiên, để quy trình siêu âm ổ bụng diễn ra thuận lợi và thu được kết quả chính xác nhất, bệnh nhân cần lưu ý một số trường hợp sau:

Lưu ý siêu âm ổ bụng, bệnh nhân nên cố gắng nhịn tiểu, có thể uống nhiều nước để bác sĩ có thể siêu âm dễ hơn và cho kết quả chính xác. Không nên cố uống quá nhiều nước một lúc khiến dạ dày bị giãn, ảnh hưởng tới kết quả siêu âm.

  • Siêu âm khảo sát túi mật : Nhịn ăn > 6 giờ trước khi siêu âm vì khi ăn, túi mật sẽ co nhỏ, khó thăm khám và có thể bỏ sót các tổn thương nhỏ.
  • Siêu âm đầu dò âm đạo (chỉ thực hiện ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục): bệnh nhân phải đi tiểu hết để bàng quang không còn nước tiểu trước khi siêu âm.
  • Siêu âm bụng tổng quát nên ăn nhẹ, nên ăn các thức ăn dễ tiêu, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và thức ăn gây đầy bụng.
  • Siêu âm khảo sát vùng tiểu khung: khảo sát niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng và thai dưới 3 tháng cần nhịn tiểu đến khi căng bàng quang (cảm giác rất buồn tiểu).
  • Siêu âm khảo sát dạ dày, tụy: bệnh nhân cần uống nước trước khi khám.
  • Lưu ý siêu âm ổ bụng người bệnh nên mặc đồ thoải mái, quần áo rộng khi khám. Giữ im lặng trong quá trình chờ thăm khám, để bác sĩ có thể tập trung thăm khám tốt hơn.
  • Nên chọn những cơ sở khám bệnh hiện đại, thiết bị tiên tiến và đội ngũ chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

5. Khi nào cần siêu âm ổ bụng?

Khi bạn phát hiện các triệu chứng như: Đau bụng kéo dài, sờ thấy hoặc nghi ngờ có khối u, tinh thần mệt mỏi, không muốn ăn uống, sụt cân không rõ nguyên do hoặc bị rối loạn tiêu hóa. Thậm chí ngay cả khi không có biểu hiện gì, bạn cũng có thể đi siêu âm ổ bụng để kiểm tra sức khỏe định kỳ vì đây là một thăm dò an toàn. Nên tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần.

Tóm lại, siêu âm ổ bụng là một kỹ thuật được sử dụng gần như đầu tay để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý ổ bụng, trong đó có các bệnh lý cấp tính như ruột thừa viêm, viêm tụy cấp, viêm ruột cấp, sỏi đường mật, viêm túi mật cấp, sỏi niệu quản, u nang buồng trứng xoắn, thai ngoài tử cung..., vì vậy khi có bất thường cần đến viện để có chẩn đoán sớm.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe