Phẫu thuật nối ống dẫn tinh là một thủ thuật nam khoa được sử dụng để nối lại hai đầu ống dẫn tinh đã bị cắt trong các phẫu thuật triệt sản trước đó. Điều này cũng có nghĩa là sau phẫu thuật, nam giới có thể có lại chức năng sinh sản bình thường.
1. Tìm hiểu chung về phẫu thuật nối ống dẫn tinh
Rất nhiều nam giới trước và sau khi cắt ống dẫn tinh để triệt sản đều có câu hỏi rằng, liệu sau này thắt ống dẫn tinh có nối lại được không? Câu trả lời là có và giải pháp chính là phẫu thuật nối ống dẫn tinh.
Trên thực tế, phẫu thuật nối ống dẫn tinh chủ yếu dùng trong mục đích khôi phục sự liên tục của ống dẫn tinh sau phẫu thuật đình sản (trong các trường hợp nhất định). Hiện nay, phẫu thuật này được tiến hành dưới kính phóng đại và sử dụng chỉ nhỏ, do đó được gọi là vi phẫu thuật.
2. Mổ nối ống dẫn tinh áp dụng cho đối tượng nào?
Nối ống dẫn tinh được áp dụng cho những đối tượng sau:
- Bệnh nhân có mong muốn nối lại ống dẫn tinh để tiếp tục thực hiện chức năng sinh sản (như lấy vợ mới, con mất...)
- Bệnh nhân cần phải nối ống dẫn tinh do xảy ra các vấn đề áp lực tâm lý sau phẫu thuật triệt sản.
Bên cạnh đó, phẫu thuật này cũng có chống chỉ định đáng lưu ý sau:
- Bệnh nhân có kháng thể kháng tinh trùng với hiệu giá cao sau phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Trường hợp này, bệnh nhân cần được điều trị trước, sau đó mới tiến hành nối lại ống dẫn tinh.
3. Nối ống dẫn tinh có tỷ lệ thành công cao không?
Trước hết, cũng như nhiều loại phẫu thuật khác, nối ống dẫn tinh vẫn có rủi ro và tỷ lệ thất bại nhất định. Khả năng thành công của phẫu thuật phụ thuộc rất nhiều vào thời gian cách biệt từ lúc thắt ống dẫn tinh đến thời điểm phẫu thuật.
Điều này được các bác sĩ giải thích rằng: theo thời gian, một số đoạn tắc nghẽn khác sẽ được hình thành thêm và ở một số trường hợp đặc biệt, cơ thể bệnh nhân có thể sản sinh kháng thể kháng tinh trùng tiêu diệt tình trùng của chính bệnh nhân.
4. Mổ nối ống dẫn tinh được tiến hành như thế nào?
Phẫu thuật sẽ được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên khoa Nam học. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân và người thân sẽ được giải thích kỹ về tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật.
Thời gian phẫu thuật dự kiến kéo dài từ 90 phút đến 120 phút, bao gồm các bước sau:
- Gây tê tủy sống hoặc gây mê.
- Rạch da dọc theo bìu các bên dựa trên vị trí thắt ống dẫn tinh trước đó, hoặc cũng có thể rạch phần da dọc giữa bìu.
- Sử dụng một số kĩ thuật đặc biệt để phẫu tích lớp bìu đến khu vực thắt ống dẫn tinh.
- Bơm lưu thông ống dẫn tinh bằng dung dịch Ringer Lactat hoặc NaCl 0.9%.
- Kiểm tra tinh trùng có ở gần đầu ống dẫn tinh hay không, sau đó dùng kẹp bulldog để kéo 2 đầu ống dẫn tinh lại gần nhau, khâu vi phẫu một lớp hoặc 2 lớp bằng các loại chỉ đặc biệt.
- Cầm máu cho bệnh nhân và khâu phục hồi bìu.
5. Vấn đề theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật nối ống dẫn tinh
Bệnh nhân sẽ được cắt chỉ sau vài ngày phẫu thuật và cần tránh sinh hoạt tình dục trong ít nhất 2 tuần. Trong thời gian này, bệnh nhân cần được theo dõi hậu phẫu ở vị trí vết mổ, một số chức năng hoạt động của cơ thể.
6. Những biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật nối ống dẫn tinh?
Bất kì loại phẫu thuật nào cũng có những biến chứng/rủi ro nhất định và việc mổ nối ống dẫn tinh cũng không ngoại lệ. Do đó, bệnh nhân cần phải khai báo đầy đủ tất cả các vấn đề cá nhân với bác sĩ để có sự xem xét cụ thể.
Đối với phẫu thuật nối ống dẫn tinh, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng đặc biệt sau:
- Nhiễm trùng vết mổ.
- Tụ dịch bên trong phần bìu.
- Chấn thương động mạch hoặc dây thần kinh trong bìu.
- Chảy máu bìu, phù nề bìu và một số trường hợp có thể bị bung mũi khâu nối ống dẫn tinh.
- Xa hơn, một số vấn đề khác có thể xảy ra là tắc ống dẫn tinh, hình thành khối u hạt... do tinh trùng.
Việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra các rủi ro trên phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị trước khi phẫu thuật. Trong đó, một số chú ý bệnh nhân cần nhớ là:
- Tối trước khi mổ có thể ăn nhẹ nhưng sáng ngày mổ phải nhịn ăn.
- Ngưng một số loại thuốc.
- Về ruột: ruột cần được thụt tháo vào tối trước khi phẫu thuật.
Nhìn chung, việc nối ống dẫn tinh là một thủ thuật nam khoa cơ bản để phục hồi chức năng sinh sản của bệnh nhân sau khi phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tỷ lệ thành công cao, bệnh nhân cần có sự lựa chọn các cơ sở y tế uy tín với bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, đồng thời phối hợp theo sự hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ.