Răng vĩnh viễn là những răng mọc cuối cùng, chúng sẽ đảm nhiệm chức năng nhai và thẩm mỹ cho hàm răng một người đến suốt đời. Tuy vậy, trong một số trường hợp nha sĩ sẽ phải chỉ định nhổ bỏ các răng vĩnh viễn này với mục đích giữ cho hàm răng được khỏe mạnh. Vậy chỉ định và quy trình nhổ răng vĩnh viễn như thế nào?
1. Răng vĩnh viễn là gì?
Răng vĩnh viễn là những bộ răng phát triển từ khi còn nhỏ cho đến độ tuổi trưởng thành. Bình thường, răng sữa sẽ mọc vào khoảng từ 4 – 24 tháng tuổi và sớm bị rụng đi để thay thế bằng các răng vĩnh viễn to hơn , chắc khỏe hơn.
Răng vĩnh viễn đảm nhiệm chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho hàm răng trong suốt cuộc đời của chúng ta. Bởi vậy, chăm sóc và bảo vệ một bộ răng vĩnh viễn chắc khỏe đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe của cơ thể nói chung.
Các nhóm răng vĩnh viễn bao gồm:
- Nhóm răng cửa: Răng “mặt tiền” của cả hàm răng, chúng có một chân hình chóp để cắm vào hõm xương ổ răng. Do đó, thao tác để nhổ nhóm răng này tương đối đơn giản và ít đau.
- Nhóm răng nanh: Gồm 2 răng nanh ở hàm trên và 2 răng ở hàm dưới chia cung răng thành hai phần trước sau riêng biệt. Nhóm răng này có chân dài nhất trong tất cả các răng, vì thế khi mổ thường phức tạp hơn nhóm răng cửa một chút và cũng để lại cảm giác đau nhiều hơn.
- Nhóm răng hàm nhỏ: Gồm 4 răng hàm trên và 4 răng hàm dưới mọc lần lượt sau răng nhanh. Các răng này có thân răng hình vuông và có 1 – 2 chân bám chặt sâu trong xương hàm. Chân răng của chúng phát triển khá chắc và lớn nên việc nhổ bỏ khó khăn hơn hai nhóm răng trên.
- Nhóm răng hàm lớn: Gồm 12 chiếc răng còn lại ở 2 hàm, thường có 2 – 3 chân răng gắn vào xương hàm, việc nhổ bỏ các răng này cũng tương đối khó khăn.
2. Khi nào cần nhổ răng vĩnh viễn?
Nhổ răng vĩnh viễn là một tiểu phẫu nha khoa thường được áp dụng trong những trường hợp sau:
- Sâu răng đã quá trầm trọng, răng bị sâu hoàn toàn, không thể hàn răng. Cấu trúc răng gần như vỡ, mẻ dẫn đến tình trạng chết tủy và viêm cuống chân răng, không thể chữa tủy răng được nữa. Những bệnh nhân này cần nhổ bỏ răng để tránh được nguy cơ nhiễm trùng trên toàn bộ khuôn hàm.
- Bị bệnh nha chu trầm trọng làm răng bị lung lay đáng kể do cấu trúc xương hỗ trợ xung quanh đã hết vững chắc và không thể phục hồi được.
- Răng mọc lệch làm đẩy lệch nhóm răng cạnh bên chen chúc lại với nhau. Lúc này nhổ răng là cách tốt nhất để ngăn chặn những biến chứng xấu hơn có thể xảy ra.
- Chỉnh nha khi có sự sai lệch trong quá trình phát triển sọ mặt và cấu trúc xương hàm răng. Lúc này, nha sĩ sẽ quyết định nhổ một vài răng không cần thiết để tạo những khoảng trống cho điều trị nắn chỉnh răng đạt hiệu quả tốt nhất.
- Khi răng bị chấn thương hoặc những trường hợp gãy răng nặng, gãy chân răng, gãy răng sát nướu... không thể chữa trị được bằng phương pháp hàn răng thông thường hay nhổ răng để phục hình làm chụp răng.
3. Quy trình nhổ răng vĩnh viễn
Dưới đây là quy trình nhổ răng vĩnh viễn:
Bước 1: Thăm khám và chụp X-quang hàm răng
Đầu tiên, nha sĩ sẽ tiến hành thăm khám tổng quát sức khỏe chung và tình trạng khoang miệng. Kèm thêm thực hiện các xét nghiệm cơ bản và chụp X-quang hàm răng để xem xét hình dạng, đặc điểm, độ dài và vị trí các răng cần nhổ và các răng cùng tổ chức kế cận. Từ đó, nha sĩ có thể xác định được việc nhổ răng này có làm ảnh hưởng đến các răng khác hay không. Đồng thời, tiên lượng mức độ khó của việc nhổ răng rồi cân nhắc đến các phương án dự phòng.
Bước 2: Gây tê tại chỗ cần nhổ
Tại bước này, nha sĩ sẽ sử dụng một loại thuốc gây tê và chích vào chỗ cần nhổ răng cùng các vị trí xung quanh để quá trình nhổ không gây đau cho bệnh nhân, đồng thời thuận tiện trong thao tác nhổ răng.
Bước 3: Tiến hành nhổ răng
Nha sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt nhằm đưa chân răng và thân răng ra khỏi ổ. Quá trình thực hiện nhanh hay chậm tùy với độ dài, tính chất của răng cần nhổ. Ngoài ra, hiện nay tại một số cơ sở nha khoa còn có thiết bị nhổ răng thông qua sóng siêu âm gọi là Piezotome. Thiết bị này sẽ làm lung lay và lỏng lẻo cấu trúc răng bằng đầu rung siêu âm. Sau đó, nha sĩ sẽ dễ dàng dùng kìm chuyên dụng nhổ răng ra khỏi xương hàm.
Bước 4: Cầm máu ổ răng và hẹn lịch tái khám
Sau khi răng rời khỏi ổ, nha sĩ sẽ thực hiện đặt bông có ngấm một thuốc có tác dụng co mạch để cầm máu cho người bệnh. Sau đó, nha sĩ sẽ dặn dò một số lưu ý về cách vệ sinh, chế độ ăn uống, kiêng cữ... Đồng thời, kê toa thuốc giảm đau và chống viêm cho bệnh nhân sử dụng trong những ngày đầu sau nhổ răng. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ được hẹn lịch đến tái khám để kiểm tra lại vết mổ hay tình trạng hàm răng sau một vài ngày.
4. Những lưu ý trước và sau khi nhổ răng vĩnh viễn
Để quá trình nhổ răng được diễn ra an toàn và ít biến chứng nhất có thể, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề trước và sau khi thực hiện như sau:
Trước khi nhổ răng
- Nếu bệnh nhân có tiền sử đã đang mắc những bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chức năng đông cầm máu, đái tháo đường...hoặc đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy thông báo với nha sĩ những thông tin này trước khi nhổ răng.
- Nếu cơ thể đang có các tình trạng như cảm cúm, ho, sốt... thì tốt nhất nên điều trị hoặc chờ sức khỏe được ổn định trước tiến hành nhổ răng.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, hạn chế ăn uống trước buổi hẹn nhổ răng và điều trị các bệnh lý viêm lợi nếu đó.
- Phụ nữ đang hành kinh hoặc có thai không nên nhổ răng tại thời điểm này.
- Giữ một tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng và lo lắng trước khi nhổ răng.
Sau khi nhổ răng
- Nên cắn chặt cuộn gòn cầm máu trong vòng 30 phút đến 1 tiếng đầu sau khi nhổ răng. Triệu chứng chảy máu có thể tự mất đi sau khoảng 2 - 3 ngày.
- Hãy sử dụng thuốc giảm đau và giảm viêm theo đơn hướng dẫn của nha sĩ để có thể dễ chịu hơn.
- Khuyến cáo lựa chọn các loại thức ăn dạng lỏng và ăn mềm như súp, cháo để nguội...trong những ngày đầu sau nhổ răng (5 – 7 ngày). Hạn chế tối đa tiêu thụ các thức ăn cứng, dai, nhiều đường...
- Vệ sinh răng miệng kỹ càng và đúng cách. Trong những ngày đầu nên sử dụng bàn chải mềm hoặc chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng, có thể kết hợp với nước súc miệng sát khuẩn để làm sạch và đẩy thức ăn ra ngoài.
- Không sử dụng tăm hoặc vật nhọn để lấy thức ăn.
Răng vĩnh viễn thường đóng chức năng quan trọng của hàm răng, đặc biệt là chức năng thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nha sĩ cần phải nhổ bỏ đi các răng này để bảo vệ cho sức khỏe của cả hàm răng. Quá trình nhổ răng vĩnh viễn khó hay dễ, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhóm răng cần được nhổ. Nắm rõ các thông tin liên quan đến nhổ răng vĩnh viễn để giúp bệnh nhân có một liệu trình điều trị an toàn và hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.