Bài viết bởi Bác sĩ Lại Đỗ Quyên - Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Lấy tủy răng hay điều trị tủy răng là giải pháp tối ưu trong điều trị các bệnh lý tủy răng, giúp bạn thoát khỏi tình trạng răng bị đau nhức và khó chịu đồng thời bảo tồn tối đa cấu trúc thật của răng, tránh tình trạng răng phải nhổ bỏ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong và sau khi điều trị lại gây đau cho bệnh nhân khiến bệnh nhân sợ hãi và cố tránh phải làm thủ thuật. Vậy trường hợp nào nên điều trị tủy răng? Hiểu rõ nguyên tắc và quy trình của điều trị tủy răng sẽ giúp bạn không quá lo lắng và sợ hãi khi phải trải qua điều trị này.
1. Quy trình điều trị tủy răng
Để có thể tuân thủ được các nguyên tắc của chữa tủy răng, quy trình điều trị tủy răng bao gồm các bước:
Bước 1:
Việc thăm khám tổng thể và thăm khám răng cần chữa tủy là cần thiết. Răng cần chữa tủy phải được chụp film. Trên film chụp, nha sĩ sẽ đánh giá sơ bộ tình trạng của răng như: lỗ sâu, chất hàn cũ, buồng tủy, hệ thống ống tủy, tình trạng nhiễm trùng cuống răng, tình trạng xương giữ răng,... để đưa ra chẩn đoán và lên phác đồ điều trị phù hợp cho răng của bạn.
Nha sĩ sẽ thảo luận kỹ với bạn về kế hoạch điều trị. Việc thảo luận trước khi tiến hành điều trị này rất quan trọng, giúp bạn hiểu rõ về cách chữa trị, giúp bạn lên kế hoạch về thời gian và tài chính để bạn chủ động, hợp tác với nha sĩ trong suốt quá trình điều trị.
Bước 2:
Bạn sẽ được gây tê để đảm bảo răng của bạn không bị đau và bạn cảm thấy dễ chịu nhất khi nha sĩ thực hiện thủ thuật.
Không phải ai điều trị tủy cũng cần phải gây tê. Nếu răng của bạn không đau như trong trường hợp tủy đã chết lâu ngày, răng không còn cảm giác thì sẽ không cần phải gây tê.
Bước 3:
Răng sẽ được cách ly tuyệt đối để tránh các dụng cụ, thuốc, dung dịch rửa ống tủy rơi vào trong miệng hay nước bọt là nguồn chứa vi khuẩn ở miệng ngấm vào trong răng, đảm bảo cho răng được vô trùng tuyệt đối trong lúc chữa tủy, răng được chữa tủy trong môi trường khô, sạch.
Bước 4:
Nha sĩ sẽ dùng các dụng cụ phù hợp để mở đường vào buồng tủy, vào hệ thống ống tủy để loại bỏ hết tủy viêm và các phần tủy còn lại, làm sạch sẽ hệ thống ống tủy và tạo hình hệ thống ống tủy. Ở bước này, các dung dịch bơm rửa ống tủy sẽ được sử dụng nhiều để hiệu quả làm sạch được nâng cao.
Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng nhiễm trùng của răng, hệ thống ống tủy khó tiếp cận, phức tạp,...các bước lấy tủy, làm sạch, tạo hình hệ thống ống tủy có thể sẽ cần nhiều hơn 1 lần hẹn. Giữa các lần hẹn, thuốc sát trùng sẽ được đặt vào hệ thống ống tủy và răng sẽ được trám tạm lại để thức ăn không chui vào răng gây thêm nhiễm trùng.
Tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm của răng, lợi, nha sĩ sẽ yêu cầu bạn dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, nước súc miệng.
Bước 5:
Sau khi hệ thống ống tủy đã được làm sạch hoàn toàn, được tạo hình phù hợp và răng của bạn không còn đau nhức, viêm nhiễm,...các ống tủy sẽ được tiến hành trám bít kín bằng vật liệu nha khoa chuyên dụng.
Sau khi hoàn tất quy trình chữa tủy răng, phần thân răng ở trên sẽ được khôi phục lại bằng chất hàn mới sau khi đã loại bỏ hết tổ chức sâu răng còn lại hay chất hàn cũ chất lượng không tốt. Đôi khi một chốt được đóng vào phía trong ống tủy của chân răng để làm tăng sức chống đỡ của miếng hàn mới. Cuối cùng là một chụp răng hay mão răng được thực hiện để che phủ toàn bộ thân răng, bảo vệ cho răng sau khi điều trị không bị nứt vỡ, đảm bảo chức năng ăn nhai tốt và kéo dài tuổi thọ của răng đã chữa tủy.
2. Biến chứng có thể xảy ra sau khi điều trị tủy răng
Việc lấy tủy không hết hay không kiểm soát tốt tình trạng nhiễm trùng của răng sẽ khiến răng của bạn vẫn đau nhức cả trong và ngay sau khi chữa tủy.
Nhiễm trùng ở vùng chóp răng biểu hiện bằng lợi vùng răng đã chữa tủy lồi lên, khi ấn vào thấy có mủ chảy ra gọi là lỗ dò. Bạn có thể không đau răng. Hay tình cờ bạn chụp film răng thấy có ổ viêm nhiễm ở vùng chóp răng.
Nhiễm trùng ở vùng chóp diễn ra âm thầm và bạn không đau nên dễ bị bỏ qua.
Có thể ổ nhiễm trùng chỉ nhỏ, khu trú tại chỗ nơi chóp răng hoặc lan rộng ra các chân răng lân cận, thậm chí tạo thành nang trong xương hàm gây nguy hiểm.
Răng phải nhổ bỏ khi ổ viêm nhiễm lan rộng hay nang gây mất tổn thương nhiều tổ chức xung quanh chân răng.
Khi nang quá to, ảnh hưởng nhiều tới các tổ chức xung quanh đặc biệt làm tiêu xương hàm, khi đó việc điều trị khá phức tạp.
Răng sau khi được chữa tủy sẽ trở nên giòn, dễ nứt vỡ, nhiều khi những răng nứt, vỡ lại phải nhổ bỏ. Việc làm chụp hay mão cho răng đã chữa tủy sẽ bảo vệ được răng, đảm bảo chức năng ăn nhai của răng.
3. Cách chăm sóc sau khi chữa tủy răng
Sau khi chữa tủy, nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc và theo dõi răng. Việc lưu ý những dặn dò này sẽ giúp răng mau chóng phục hồi và giữ độ bền dài lâu cho răng chữa tủy:
- Theo dõi cơn đau: cảm giác khó chịu sau khi điều trị tủy là không tránh khỏi. Nếu cơn đau dai dẳng và kéo dài, liên hệ ngay với nha sĩ của bạn để được kiểm tra.
- Hạn chế nhai và cắn tại vị trí răng mới chữa tủy, thậm chí phải tránh nhai sau vài giờ để chất hàn trên răng không bị bong. Việc ăn nhai trở lại bình thường chỉ sau khi răng chữa tủy đã được bảo vệ bởi chụp hay mão răng ở trên.
- Nên ăn thức ăn mềm, cắt thành những miếng nhỏ để tránh tạo áp lực cho răng đang trong quá trình chữa tủy.
- Sử dụng thuốc theo đơn của nha sĩ, không tự ý sử dụng thuốc.
- Giữ vệ sinh vùng điều trị bằng cách chải răng nhẹ nhàng, kết hợp sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn được kê đơn.
- Tái khám với nha sĩ ngay nếu chất hàn trên răng bị bong hay vỡ.
- Khám răng miệng định kỳ với nha sĩ mà bạn tin tưởng để răng đã được chữa tủy được theo dõi thường xuyên, tránh tối đa các biến chứng xảy ra.
Hiện nay, điều trị tủy răng càng sớm càng tốt là khuyến cáo chung của các chuyên gia nha khoa dành cho tất cả mọi người khi có tủy răng bị viêm nhiễm, tổn thương. Bởi, tủy răng được ví như trái tim của răng, giúp nuôi dưỡng răng khỏe mạnh. Một khi tủy răng bị tổn thương, chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh lý về răng miệng như: viêm tủy răng, hoại tử tủy, gây đau nhức răng, viêm nhiễm, ổ nhiễm trùng ở vùng chóp răng, tiêu xương răng,...
Điều trị tủy răng hay chữa tủy răng là một trong những thủ thuật khó và phức tạp trong thực hành nha khoa. Tuy nhiên, đây lại là thủ thuật hay gặp trong điều trị nha khoa. Để có thể điều trị tủy thành công, đòi hỏi nha sĩ phải có chuyên môn tốt và hiểu biết rộng.
Lời khuyên dành cho bạn là nên khám răng định kỳ, xử lý sớm những răng có vấn đề và lựa chọn kỹ lưỡng cơ sở nha khoa cũng như nha sĩ sẽ điều trị tủy răng cho bạn.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tủy răng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.