Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thái Bảo - Bác sĩ Hồi sức tích cực - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Loại ma túy thường được sử dụng hiện nay là loại ma tuý thuộc nhóm opi, phổ biến nhất là heroin. Ngộ độc cấp ma túy nhóm opi có thể gây tử vong nhanh chóng do ngừng thở gây suy hô hấp, tụt huyết áp. Điều trị ngộ độc cấp opiate chủ yếu là sử dụng naloxone giải độc.
1. Đại cương
Ngộ độc cấp ma túy nhóm opiat có thể gây tử vong nhanh chóng do ngừng thở gây suy hô hấp, tụt huyết áp.
Điều trị ngộ độc cấp opiate chủ yếu là sử dụng naloxone giải độc. Naloxone cũng có những biến chứng của quá liều rất nguy kịch, đe dọa tính mạng, vì vậy cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị.
2. Chỉ định
Quy trình điều trị ngộ độc cấp ma túy nhóm Opiat được chỉ định cho:
- Người bệnh ngộ độc ma túy nhóm opiate do nghiện chích – hút.
- Lạm dụng thuốc phiện chữa tiêu chảy, chữa ho.
- Ngộ độc do nuốt ma túy với mục đích vận chuyển
3. Chuẩn bị quy trình kỹ thuật
Người thực hiện: 01 Bác sĩ, 02 điều dưỡng; đội mũ, đeo khẩu trang, rửa tay trước khi khám và làm thủ thuật.
Phương tiện (tính cho 24 giờ):
- Bộ dụng cụ tiêm truyền vô khuẩn
- Bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân
- Gói dụng cụ rửa tay sát khuẩn
- Dụng cụ và thuốc hỗ trợ (tính theo thực tế)
- Nội khí quản, bóng Ambu, máy thở, oxy, monitor theo dõi và đo SpO2 Dịch truyền: Natriclorua 0,9%, glucose 5% Naloxone
Người bệnh
- Giải thích cho người nhà người bệnh
- Hồ sơ bệnh án: Ghi chỉ định, tình trạng người bệnh
4. Các bước tiến hành
- Đặt người bệnh nằm trên giường hoặc cáng, cố định tay chân (nếu người bệnh kích thích)
- Đánh giá ý thức, điểm Glasgow, nhịp thở, mạch, huyết áp, đồng tử
- Lấy máu xét nghiệm, đặt đường truyền tĩnh mạch, lấy nước tiểu làm xét nghiệm
- Thực hiện các bước cấp cứu theo tình trạng người bệnh: Tuân thủ quy tắc ABC để đảm bảo hô hấp, tuần hoàn
- Tiêm naloxone 0,4mg tĩnh mạch. Nhắc lại nếu cần cho tới khi người bệnh có nhịp tự thở ≥ 8 lần/phút. Nếu người bệnh đáp ứng một phần thì bóp bóng qua mask và tiêm naloxone.
- Thở oxy mũi và đảm bảo hô hấp. Nếu không đáp ứng phải đặt NKQ, thở máy. Truyền dịch natriclorua 0,9%, glucose 5% đảm bảo huyết áp. Nếu người bệnh ngộ độc opioid liều cao hoặc loại giải phóng chậm, tác dụng kéo dài thì các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện trở lại, cần theo dõi thêm ít nhất 3-4 giờ sau dùng naloxon liều cuối
- Điều trị các biến chứng đi kèm khác
- Trường hợp nhiễm độc nặng do nuốt các gói Heroin để vận chuyển (body packers) nhưng bị vỡ thì có thể cần truyền liên tục Naloxone (Liều tối đa đã được dùng là 7mg/giờ trong vài ngày), dùng than hoạt, rửa ruột toàn bộ.
- Quá liều opiat dùng theo đường uống điều trị than hoạt đơn liều.
- Các xét nghiệm để chẩn đoán và theo dõi điều trị: Công thức máu, chức năng gan, thận, viêm gan virus, HIV, điện tâm đồ, xquang tim phổi. Trong một số trường hợp nghi ngờ có chấn thương sọ não kèm theo cần chụp CT scan sọ.
- Khi người bệnh ổn định, giải thích cho người bệnh và người nhà cho người bệnh đi cai nghiện.
5. Theo dõi
- Quá liều Naloxone có thể gây hội chứng thiếu heroin cấp: Co giật, co cứng, tăng trương lực cơ, phù phổi cấp. Người bệnh có thai có thể xuất hiện cơn co tử cung và chuyển dạ khi dùng Naloxone.
- Theo dõi diễn biến và phát hiện các biến chứng: Rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, phù phổi cấp, hạ đường máu, hạ thân nhiệt, tiêu cơ vân, suy thận cấp, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn ở người bệnh đã tiêm chích nhiều năm... hoặc ngộ độc kèm theo với các thuốc khác như rượu, ma túy tổng hợp, thuốc ngủ...
- Hiếm gặp co giật do quá liều opioid tinh chế ngoại trừ ở trẻ em.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.