Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức.
Gây mê nội khí quản là một phương pháp gây mê có đặt ống nội khí quản để hô hấp điều khiển trong suốt quá trình phẫu thuật. Gây mê nội khí quản được chỉ định trong phẫu thuật nội soi lấy u não dưới lều, u não thất, u não vòm sọ hoặc hỗ trợ lấy u não. Gây mê – hồi sức cần đảm bảo chống phù não, tránh tăng áp lực nội sọ.
1. Phẫu thuật nội soi lấy u não
U não là tình trạng các tế bào bất thường tăng sinh trong não. U não lành tính hay ác tính đều gây tổn thương tế bào não, thậm chí gây tử vong.
Có nhiều phương pháp điều trị u não như: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị,... trong đó phẫu thuật cắt u não là phương pháp điều trị cơ bản nhất trong chiến lược điều trị u não.
Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ hoàn toàn khối u, lấy mẫu bệnh phẫu để chẩn đoán xác định bản chất khối u. Phẫu thuật cắt u não chủ yếu sử dụng kính vi phẫu, tuy nhiên kính vi phẫu khó quan sát và đánh giá u, cấu trúc lành xung quanh tại những vùng góc khuất. Vén quá nhiều tới khối u, cấu trúc lành, mạch máu, dây thần kinh sẽ làm tổn thương tổ chức lành. Vì vậy, nội soi hỗ trợ trong những trường hợp này sẽ giúp phẫu thuật viên kiểm soát tốt hơn, cắt khối u não tốt hơn.
2. Chỉ định phẫu thuật nội soi lấy u não
2.1 Chỉ định
Chỉ định sử dụng nội soi hỗ trợ có thể sử dụng trong nhiều loại u não khác nhau như:
- U vùng hố yên: U tuyến yên, u sọ hầu, u màng não, u tế bào mầm, nang Rathke, u biểu bì, u dạng da, u dây II...
- U vùng góc cầu tiểu não: U dây VIII, u dạng da, u biểu bì, u nang, u thân não, u dây thần kinh VII, IX, X, XI, XII...
- U vùng lỗ chẩm
- U nền sọ vùng thái dương
- U trong não thất.
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định phẫu thuật nội soi lấy u não trong trường hợp: Những khối u não không thể sử dụng nội soi hỗ trợ nếu không có khoảng trống như u trong nhu mô (glioma) nằm sâu trong nhu mô não, u di căn não (nằm sâu trong nhu mô), u não lớn, phù não rộng.
Chống chỉ định sử dụng nội soi hỗ trợ chỉ mang tính tương đối. Khối u lớn, phù nhiều, không còn khoảng trống sẽ khó có khoan sử dụng nội soi.
3. Gây mê nội khí quản phẫu thuật nội soi lấy u não
Gây mê nội khí quản là kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt nội khí quản với mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật.
Chỉ định gây mê nội khí quản trong phẫu thuật nội soi lấy u não dưới lều, u não thất, u não vòm sọ hoặc hỗ trợ lấy u não.
Chống chỉ định với các trường hợp:
- Người bệnh không đồng ý
- Cơ sở y tế không đủ phương tiện gây mê, hồi sức
- Kỹ thuật viên không thành thạo kỹ thuật.
4. Quy trình gây mê nội khí quản phẫu thuật nội soi lấy u não
4.1 Tư thế người bệnh
Bệnh nhân được yêu cầu nằm ngửa, thở oxy 100% 3-6 l/phút trước khởi mê ít nhất 5 phút.
Tiền mê (nếu cần)
Khởi mê:
- Thuốc ngủ: Thuốc mê tĩnh mạch (propofol, etomidate), thuốc mê bốc hơi (sevofluran, desfluran...).
- Thuốc giảm đau: fentanyl, sufentanil, remifentanyl...
- Thuốc giãn cơ: Succinylcholin, rocuronium, vecuronium...
- Điều kiện đặt ống nội khí quản: Người bệnh ngủ sâu, đủ độ giãn cơ. Thao tác nhẹ nhàng, tránh các kích thích làm tăng áp nội sọ.
4.2 Đặt ống nội khí quản
Có 2 kỹ thuật đặt nội khí quản đó là đường miệng và đường mũi.
Kỹ thuật đặt nội khí quản đường miệng:
- Mở miệng, đưa đèn soi thanh quản vào bên phải miệng, gạt lưỡi sang bên trái, đẩy đèn sâu, phối hợp với tay phải đè sụn giáp nhẫn tìm nắp thanh môn và lỗ thanh môn.
- Luồn ống nội khí quản nhẹ nhàng qua lỗ thanh môn, dừng lại khi bóng của ống nội khí quản đi qua dây thanh âm 2-3 cm.
- Rút đèn soi thanh quản nhẹ nhàng.
- Bơm bóng nội khí quản.
- Kiểm tra vị trí đúng của ống nội khí quản bằng nghe phổi và kết quả EtCO2.
- Cố định ống bằng băng dính.
- Đặt canul vào miệng để tránh cắn ống (nếu cần).
Kỹ thuật đặt nội khí quản đường mũi:
- Chọn bên mũi thông và nhỏ thuốc co mạch cuốn mũi (naphazolin, otrivin...).
- Chọn cỡ ống nội khí quản nhỏ hơn so với đường miệng. Luồn ống nội khí quản đã được bôi trơn bằng mỡ lidocain qua lỗ mũi
- Mở miệng, đưa đèn soi thanh quản vào bên phải miệng, gạt lưỡi sang bên trái, đẩy đèn sâu, phối hợp với tay phải đè sụn giáp nhẫn tìm nắp thanh môn và lỗ thanh môn.
- Trường hợp thuận lợi: luồn ống nội khí quản nhẹ nhàng qua lỗ thanh môn, dừng lại khi bóng của ống nội khí quản đi qua dây thanh âm 2-3 cm. Dùng kìm Magill hướng đầu ống nội khí quản vào đúng lỗ thanh môn; người phụ đẩy ống nội khí quản từ bên ngoài trong trường hợp khó.
- Rút đèn soi thanh quản nhẹ nhàng.
- Bơm bóng nội khí quản.
- Kiểm tra vị trí đúng của ống nội khí quản bằng nghe phổi và kết quả EtCO2
- Cố định ống bằng băng dính.
- Trong trường hợp đặt nội khí quản khó: áp dụng quy trình đặt ống nội khí quản khó bằng ống nội soi mềm.
4.3 Duy trì mê
- Duy trì mê bằng thuốc mê tĩnh mạch hoặc thuốc mê bốc hơi, thuốc giảm đau thuốc giãn cơ (nếu cần). Nếu có phù não cần phải xử trí bằng cách truyền Manitol tĩnh mạch nhanh hoặc Corticoid.
- Kiểm soát hô hấp bằng máy thở, duy trì EtCO2 33 – 35 mmHg.
- Theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, nước mắt (PRST); MAC, BIS và Entropy ... và các dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim, huyết áp, SpO2, EtCO2, thân nhiệt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.