Bài viết được viết bởi ThS.BS Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Chụp cộng hưởng từ (MRI) tiểu khung nữ hoặc vùng chậu nữ là phương pháp hình ảnh sử dụng từ trường, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về các tạng vùng chậu. Phương pháp này có thể được sử dụng để chẩn đoán hoặc theo dõi điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau ở vùng chậu.
1. Hình ảnh cộng hưởng từ tiểu khung nữ được thực hiện để đánh giá trong các trường hợp
- Chẩn đoán các bất thường về giải phẫu và bệnh lý của các cơ quan vùng chậu nữ như bàng quang, tử cung, buồng trứng, các mạch máu, hạch bạch huyết vùng chậu.
- Theo dõi điều trị cho các tình trạng như: sau điều trị ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc, ung thư buồng trứng...
2. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi chụp cộng hưởng từ?
Bạn sẽ được bác sĩ chỉ định làm bảng kiểm về an toàn cộng hưởng từ trước chụp.
Trước khi chụp kỹ thuật viên hoặc bác sĩ phòng cộng hưởng từ sẽ kiểm tra bảng kiểm một lần nữa để đảm bảo an toàn khi chụp cộng hưởng từ. Bạn sẽ được yêu cầu tháo các đồ trang sức, đồng hồ, thẻ tín dụng, ghim, kẹp tóc, dây kéo kim loại, điện thoại và các vật dụng kim loại tương tự trước khi vào phòng chụp.
Các thiết bị cấy ghép y tế có thể hư hỏng khi vào phòng chụp cộng hưởng từ, vì vậy trong bảng kiểm an toàn cộng hưởng từ trước chụp, kỹ thuật viên hoặc bác sĩ sẽ hỏi bạn về điều này.
Sau đó, bạn cần phải mặc áo choàng của bệnh viện.
Các chuẩn bị trước chụp như các hướng dẫn về ăn uống trước khi chụp cộng hưởng từ khác nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể. Nếu bác sỹ không lưu ý gì về việc nhịn ăn hoặc nhịn uống, bạn có thể ăn uống như bình thường trước khi chụp.
Trong trường hợp sử dụng chất tương phản, bạn có thể cần các xét nghiệm máu để xác định xem thận của bạn có hoạt động bình thường hay không. Bạn sẽ được đặt đường truyền tĩnh mạch vào cánh tay hoặc cẳng bàn tay trước khi chụp. Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử dị ứng của bạn trước khi quyết định sử dụng chất tương phản từ.
Một số trường hợp có thể bác sĩ sẽ điều trị dự phòng dị ứng trước chụp:
- Nói với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào hoặc gần đây đã phẫu thuật.
- Bạn cần thông tin cho bác sĩ và/hoặc kỹ thuật viên về việc có đang mang thai hay không.
- Nếu bạn mắc chứng sợ không gian kín (sợ không gian kín) hoặc lo lắng, bạn nên nói chuyện trước với bác sĩ chỉ định, trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê đơn thuốc an thần trước khi thực hiện thăm khám.
3. Quy trình làm việc của máy cộng hưởng từ như thế nào?
Không giống như chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) không sử dụng bức xạ. Thay vào đó, sóng vô tuyến sắp xếp lại các nguyên tử hydro tồn tại tự nhiên trong cơ thể. Điều này không gây ra bất kỳ thay đổi hóa học nào trong các mô. Khi các nguyên tử hydro trở lại vị trí thẳng hàng bình thường, chúng phát ra các lượng năng lượng khác nhau tùy thuộc vào loại mô trong cơ thể. Máy quét thu nhận năng lượng này và tạo ra một bức ảnh bằng cách sử dụng thông tin này.
Trong hầu hết các đơn vị cộng hưởng từ, từ trường được tạo ra bằng cách cho dòng điện chạy qua các cuộn dây. Các cuộn dây này gửi và nhận sóng vô tuyến, tạo ra các tín hiệu được máy phát hiện. Dòng điện không tiếp xúc với bệnh nhân.
Sau khi chụp xong, máy tính xử lý các tín hiệu và tạo ra một loạt các hình ảnh của cơ thể.
MRI có thể thấy sự khác biệt giữa mô bệnh và mô bình thường tốt hơn so với chụp X-quang, CT và siêu âm.
4. Chụp cộng hưởng từ tiểu khung nữ được thực hiện như thế nào?
Cộng hưởng từ tiểu khung nữ có thể được thực hiện trên bệnh nhân ngoại trú hoặc nội trú.
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm ngửa trên bàn chụp. Bàn chụp có thể di chuyển được. Kỹ thuật viên có thể sử dụng dây đai và nẹp để giữ yên phần cơ thể của bệnh nhân trên bàn chụp.
Các thiết bị có chứa cuộn dây (coil) có khả năng gửi và nhận sóng vô tuyến được đặt xung quanh vùng chậu của bạn. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ đặt bạn vào nam châm của thiết bị cộng hưởng từ.
Chụp cộng hưởng từ thường bao gồm nhiều xung, các xung có thể kéo dài từ vài chục giây đến vài phút.
Nếu sử dụng chất tương phản, điều dưỡng sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch ở cánh tay hoặc cẳng tay của bạn để tiêm chất tương phản. Chất tương phản được tiêm vào đường truyền tĩnh mạch (IV) sau một loạt các xung chụp quét ban đầu. Sau đó các chuỗi xung tiếp theo sẽ được chụp trong hoặc sau khi tiêm.
Khi quá trình chụp hoàn tất, bạn có thể được yêu cầu đợi trong khi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh kiểm tra các hình ảnh đã có để quyết định có cần chụp thêm hay không.
Nếu kết thúc thăm khám, điều dưỡng sẽ tháo đường truyền tĩnh mạch.
Tùy thuộc vào từng trường hợp tổng thời gian có thể kéo dài từ 30 đến 50 phút.
5. Những lợi ích và rủi ro là gì?
5.1. Những lợi ích
Cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn không liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ.
Hình ảnh cộng hưởng từ của các cấu trúc vùng chậu có khả năng xác định và mô tả chính xác bệnh hơn các phương pháp hình ảnh khác giúp chẩn đoán và đánh giá sớm nhiều bệnh lý bao gồm ung thư, các bệnh lý viêm nhiễm, dị dạng bẩm sinh của tử cung, buồng trứng, bàng quang, các bất thường của mạch máu vùng chậu.
5.2. Những rủi ro
Chụp cộng hưởng từ hầu như không có rủi ro cho bệnh nhân.
Từ trường mạnh không có hại. Tuy nhiên, nó có thể khiến các thiết bị y tế cấy ghép bị hư hỏng. Vì vậy nếu bạn có bất kỳ thiết bị cấy ghép nào trong cơ thể, bạn cần thông báo với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ trước chụp.
Xơ hóa hệ thống thận là một biến chứng có thể xảy ra do sử dụng chất tương phản từ gadolinium nhưng hiếm. Nó thường xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh thận nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ đánh giá cẩn thận chức năng thận của bạn trước khi cân nhắc tiêm chất tương phản.
Có rất ít nguy cơ phản ứng dị ứng nếu sử dụng chất tương phản từ. Những phản ứng như vậy thường sẽ được kiểm soát bằng thuốc. Nếu bạn có phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ sẵn sàng điều trị ngay lập tức.
6. Những hạn chế của cộng hưởng từ tiểu khung nữ là gì?
Hình ảnh thu được có đủ chất lượng không phụ thuộc vào việc bệnh nhân có thể giữ yên được cơ thể trong suốt quá trình chụp và làm theo đúng hướng dẫn nín thở trong khi ghi hình ảnh. Nếu bạn lo lắng, bối rối hoặc đau, bạn có thể cảm thấy khó nằm yên trong khi chụp. Các chuyển động này có thể làm ảnh thu được không rõ nét, gây hạn chế chẩn đoán.
Các thiết bị cấy ghép và vật thể kim loại có thể làm hình ảnh thu được không rõ nét.
Cộng hưởng từ không phải lúc nào cũng có thể phân biệt giữa mô ung thư và u lành tính và/hoặc các tình trạng viêm phù nề.
Cộng hưởng từ thường chi phí cao và có thể mất nhiều thời gian hơn để thực hiện so với các phương pháp hình ảnh khác. Nói chuyện với bác sĩ của bạn và công ty bảo hiểm nếu bạn có lo lắng về chi phí của cộng hưởng từ.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.