Quặm mi ở trẻ em và người lớn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Thuật ngữ quặm mi mô tả sự cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu, hay là sự uốn cong vào trong của một phần hay toàn bộ sụn mi, kéo theo hàng chân lông mi, lông mi vào trong chạm vào nhãn cầu gây nên kích thích nhãn cầu. Quặm mi có thế xảy ra ở cả người lớn và ở trẻ em. Hãy cùng đọc thêm bài viết dưới đây để hiểu thêm về quặm mi ở trẻ em và người lớn.

1. Quặm mi là tình trạng gì?

Quặm mi là tình trạng cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu khiến lông mi và da cọ xát với phần giác mạckết mạc của chúng ta gây nên tình trạng ngứa ngáy và khó chịu. Tình trạng bệnh quặm mi thường xuất hiện ở mi mắt dưới và hay gặp ở người lớn (ngoài 60 tuổi) do hệ quả của việc tiêu mỡ hốc mắt khiến mắt bị lõm, làm tiền đề cho mi quặm. Đôi khi bệnh quặm mi cũng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ khi mới sinh ra hay còn gọi là quặm bẩm sinh. Đối với trẻ nhỏ, quặm mi ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ, nó có thể làm hỏng giác mạc và dẫn đến mất thị lực của trẻ nếu không được điều trị sớm.

Bệnh có thể khiến mắt hoặc khu vực xung quanh mắt bị mẩn đỏ, kích ứng và trầy xước giác mạc làm người bệnh khó chịu, đau đớn. Nếu tình trạng này dễ ra lâu và không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến sẹo giác mạc, làm tăng nguy cơ bị viêm loét giác mạc, thậm chí nguy hiểm hơn là giảm sút thị lực và mù lòa hoàn toàn.

Có nhiều bệnh, tật ở mắt có tình trạng giống với bệnh quặm mi, cần phân biệt quặm mi bẩm sinh như sau;

1.1. Tật nếp da thừa hay còn gọi là tình trạng giả quặm bẩm sinh

Tật nếp da thừa là sự phát triển bất thường của da, đặc trưng bằng sự xuất hiện một nếp da chạy ngang qua mi trên hoặc mi dưới làm cho lông mi bị chuyển hướng về phía bề mặt nhãn cầu. Để phân biệt được giữa quặm bẩm sinh và tật nếp da thừa là vị trí bờ mi cần chú ý

  • Nếu nhận thấy bờ mi lộn vào trong là quặm bẩm sinh, còn tật nếp da thừa thì bờ mi vẫn ở vị trí bình thường.
  • Tật nếp da thừa: Hàng lông mi không cọ sát vào giác mạc trừ khi mắt nhìn xuống dưới.
  • Tật nếp da thừa thường không cần điều trị vì nó có thể tự khỏi trong vòng 2 năm đầu.

1.2. Phân biệt quặm bẩm sinh với trẻ bị tắc lệ đạo

Hai tình trạng này có đặc điểm là ở mắt đều có nước mắt kéo dài, ra dử mắt nhưng ở trẻ bị tắc lệ đạo không gây đỏ mắt. Khi thăm khám thường trẻ không phối hợp và quấy khóc nhiều, mắt nhắm thì các bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm với quặm bẩm sinh. Nên thăm khám kỹ kết hợp với bơm rửa lệ đạo có thể giúp chẩn đoán phân biệt với quặm bẩm sinh.

1.3. Phân biệt quặm bẩm sinh với tật hai hàng lông mi

Tật hai hàng lông mi là tình trạng xuất hiện một hàng lông mi thứ hai ngay phía sau hàng lông mi thứ nhất bình thường. Trông hình dáng bên ngoài gần giống với quặm mi. Dị tật này có thể xuất hiện đơn độc hoặc đi kèm với những bất thường bẩm sinh khác, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng bệnh có liên quan đến di truyền nhiễm sắc thể thường.

Khi lông mi thường xuyên cọ sát vào giác mạc và kết mạc sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng dễ nhận biết bệnh quặm mi như:

  • Đỏ mắt
  • Kích ứng hoặc đau mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng và gió
  • Chảy nước mắt với tần suất liên tục
  • Đóng vảy cứng ở mi mắt và tiết dịch nhầy
  • Cảm giác cộm có cát trong mắt
  • Đau khi nhìn thấy ánh sáng chói
  • Giảm thị lực

Có nhiều mức độ quặm mi để các chuyên gia dễ dàng chẩn đoán và điều trị, các mức độ được chia như sau;

  • Mức độ I: Quặm chiếm 1⁄4 chiều dài bờ mi.
  • Mức độ II: Quặm chiếm 1/3 chiều dài bờ mi.
  • Mức độ III: Quặm chiếm 1⁄2 chiều dài bờ mi.
  • Mức độ IV: Quặm chiếm 2/3 chiều dài bờ mi đến cả mi.

Đối với mức độ quặm được các chuyên gia tính bằng da mi thừa sẽ được chia như sau:

  • Độ I: Thừa khoảng ≤ 2mm da mi.
  • Độ II: Thừa khoảng 3mm da mi.
  • Độ III: Thừa khoảng ≥ 3mm da mi.
Quặm mi mắt là tình trạng cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu khiến lông mi và da cọ xát với phần giác mạc và kết mạc

2. Nguyên nhân gây ra quặm mi ở trẻ em và người lớn

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến quặm mi ở trẻ em và người lớn, bao gồm những nguyên nhân điển hình như sau:

2.1. Quặm mi bẩm sinh

Quặm mi do bẩm sinh là hiện tượng bờ mi lộn vào trong đẩy hàng lông mi cọ sát vào giác mạc, do khuyết tật cấu trúc của sụn mi, tăng sản cơ vòng mi và lớp da gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh tiến triển ngày càng nặng nếu không được điều trị, gây viêm loét giác mạc để lại sẹo, ảnh hưởng đến thị lực lâu dài của trẻ.

2.2. Quặm mi do tuổi già

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra do quá trình da lão hóa, khiến các mô nâng đỡ mi bị lỏng lẻo. Lông mi bị quặp vào trong gây ngứa ngáy, khó chịu, chảy nước mắt, đỏ mắt...

2.3. Quặm mi do co thắt

Thường xảy ra ở mi dưới. Người bệnh sang chấn sau phẫu thuật hoặc bị viêm ở mắt có thể bị co thắt mi mạn tính, nheo mắt kéo dài khiến cho bờ mi bị cuộn vào trong gây bệnh lông quặm.

2.4. Quặm mi do sẹo

Đây thường là biến chứng của bệnh về kết mạc và sụn mi như mắt hột, hội chứng Stevens – Johnson, bỏng hóa chất, bệnh Pemphigus mắt... Sụn mi mắt khi đó bị uốn cong vào trong, kết mạc mi sẽ có sẹo, đôi khi có dính mi một phần.

2.5. Yếu cơ

Khi già đi, các cơ dưới mắt có xu hướng yếu đi, và các dây chằng bị giãn ra. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh quặm mi.

2.6. Do hình thành sẹo hoặc các cuộc phẫu thuật trước đó

Vùng da xung quanh mắt có thể bị sẹo do bỏng hóa chất, chấn thương hoặc phẫu thuật có thể làm biến dạng đường cong bình thường của mí mắt.

2.7. Nhiễm trùng mắt

Bệnh nhiễm trùng hay còn gọi là bệnh đau mắt hột thường gặp ở nhiều nước đang phát triển của Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh, Trung Đông và các đảo Thái Bình Dương trong đó người dân Việt Nam có tỷ lệ mắc đau mắt hột khá cao. Nó có thể gây sẹo cho mi trong, dẫn đến quặm mắt và thậm chí mù lòa.

2.8. Viêm nhiễm

Khi chúng ta dụi mắt hoặc nhắm chặt mí mắt khi bị kích ứng mắt do khô hoặc viêm có thể dẫn đến co thắt các cơ mí mắt và cuộn bờ mi vào trong gây tổn thương đến giác mạc (co cứng quặm).

2.9. Các biến chứng phát triển

Quặm mắt bẩm sinh có thể là do một nếp gấp da thừa trên mí mắt gây ra hiện tượng lông mi mọc ngược.


Bệnh quặm mi mắt do tuổi già là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra do quá trình lão hóa da
Bệnh quặm mi mắt do tuổi già là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra do quá trình lão hóa da

3. Điều trị và phòng ngừa quặm mi

Ðiều trị quặm mi bẩm sinh ở những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì lông mi của trẻ chưa đủ cứng để gây tổn hại giác mạc, do đó bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ tra thuốc (dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch kháng sinh như tobrex). Ngoài ra các bác sĩ cũng cần hướng dẫn cho bố mẹ trẻ cách vuốt bờ mi nhằm mục đích làm cho bờ mi bật ra ngoài, lông mi không cọ vào giác mạc tránh tổn hại giác mạc. Tuy nhiên nếu tình trạng bệnh không tự mất đi thì có thể chờ khi trẻ lớn hơn để phẫu thuật.

Phẫu thuật điều trị quặm bẩm sinh được thực hiện tại các bệnh viện mắt là phẫu thuật tương đối đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn, không để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Sau khi phẫu thuật mà trẻ có các biểu hiện bất thường như hay dụi mắt, chảy nước mắt cần đưa trẻ đến các cơ sở nhãn khoa để được khám và điều trị sớm nhất.

Đối với quặm mi ở người lớn, do tuổi già thường ở bị quặm mi dưới do mắt bị lõm do tiêu mỡ hốc mắt, làm mất chỗ dựa phía sau của mi khiến cho bờ mi bị đổ ra sau và vào trong. Hàng lông mi cọ vào bề mặt của nhãn cầu, gây chảy nước mắt, tiết dử mắt. Mi có thể cọ vào giác mạc, gây viêm giác mạc kéo dài. Điều trị quặm mi ở người lớn thì điều trị như sau:

Cách điều trị quặm mi là loại trừ hoặc làm giảm bớt các nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh như thực hiện phẫu thuật rút ngắn mi để điều trị nhão mi phối hợp với tạo lại chỗ bám của cơ kéo mi dưới hoặc loại trừ tác nhân gây co quắp.

Dùng một số thuốc nước mắt nhân tạo hoặc mỡ dưỡng mắt kéo dài:

  • Điều trị các bệnh viêm kết mạc, bệnh mắt hột như kháng sinh, kháng viêm.
  • Dưỡng mắt với nước mắt nhân tạo.

Xoa bóp nhẹ nhàng vùng quanh mi thường xuyên cũng có tác dụng làm giảm sự khó chịu ở người cao tuổi bị quặm mi dưới.

Đối với cách điều trị tạm thời thì có thể sử dụng các chất bôi trơn như nhỏ hoặc tra mắt, làm giảm sự cọ sát, sử dụng kháng sinh tại chỗ ngừa bội nhiễm, hoặc dùng băng dính, kéo mi lật ra ngoài. Còn khi thực hiện điều trị triệt để thường là phải can thiệp bằng phẫu thuật giúp trả lại vị trí của bờ mi và hàng lông mi như bình thường. Phẫu thuật quặm mí có thể trì hoãn khi bề mặt giác mạc còn nguyên vẹn. Mục đích của phẫu thuật là tái lập vị trí bình thường của mi. Nếu bệnh nhân chưa sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật thì có thể yêu cầu bác sĩ tiến hành treo hoặc khâu tạm thời da mi phía thái dương để bảo vệ mắt. Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo đi kèm. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp tạm thời, sau một thời gian nên tiến hành phẫu thuật để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng quặm mi.

Quặm mi kéo dài mà không được chữa trị có thể dẫn đến sẹo giác mạc cũng như gia tăng nguy cơ viêm loét giác mạc. Điều này rất nghiêm trọng có thể dẫn đến bị giảm sút thị lực thậm chí mù lòa hoàn toàn. Vì thế chúng ta nên chữa quặm trước khi xuất hiện biến chứng này vĩnh viễn. Nếu bệnh nhân quặm cần phải phẫu thuật đục thủy tinh thể thì nên phẫu thuật quặm trước khi phẫu thuật thủy tinh thể. Với những trường hợp quặm bẩm sinh có thể được cải thiện trong quá trình phát triển của trẻ. Do vậy, khi mới sinh ra, trẻ bị quặm bẩm sinh không cần phải điều trị ngay, thông thường chỉ cần theo dõi bệnh. Khi quặm gây ra các biến chứng chảy nước mắt, lông mi cọ vào giác mạc gây tổn thương giác mạc, trẻ bị chói, chảy nước mắt, ra ngoài nắng thấy khó chịu...thì gia đình cần tiến hành cho trẻ được sự can thiệp của y học.

Để ngăn ngừa tình trạng quặm mi cần thực hiện những yêu cầu sau:

  • Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Chúng ta nên rửa mặt và vệ sinh mắt bằng khăn sạch, tránh dùng chung khăn với người khác.
  • Nên đeo kính bảo vệ mắt, đặc biệt là khi ra ngoài hoặc làm việc trong điều kiện nhiều cát, bụi, nắng...
  • Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt có khả năng gây biến chứng quặm mi, như đau mắt hột.
  • Cải thiện điều kiện môi trường, giữ môi trường xung quanh sạch và trong lành.
  • Quặm mi là một bệnh về mắt không hiếm gặp. Khi bị bệnh hãy đến các bệnh viện mắt gần nhất để các bác sĩ khám và điều trị.

Như vậy, quặm mi không phải là một bệnh hiếm gặp nhưng người bệnh cần được điều trị sớm để giảm những biến chứng của bệnh gây ra, thậm chí tình trạng nặng nhất là mất thị giác. Bệnh có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người cao tuổi, tuy nhiên tùy thuộc vào lứa tuổi và mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe