Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Minh Phúc - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Ngay sau khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng, một quá trình phức tạp nhưng có thể dự đoán được diễn ra để hình thành nên một em bé. Mặc dù là 3 tháng đầu tuy nhiên thai nhi vẫn sẽ có những phát triển nhất định.
1. Tuần thứ 1 và 2: Chuẩn bị
Tuần đầu hoặc tuần thứ hai của thai kỳ không hề có sự mang thai nào hết.
Sự thụ tinh thường diễn ra vào thời điểm sau hai tuần kể từ khi kỳ kinh cuối bắt đầu. Theo quy ước, ngày dự sinh sẽ được tính sau 40 tuần kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối, có nghĩa là thời gian của kỳ kinh cũng được tính vào thời gian mang thai, dù trên thực tế sự thụ tinh có thể còn chưa xảy ra.
2. Tuần thứ 3: Thụ thai
Trứng sau khi được tinh trùng thụ tinh sẽ trở thành hợp tử ở vòi fallop. Nếu chỉ có một trứng được thụ tinh sẽ chỉ tạo thành một hợp tử, nếu có hơn một trứng chín và được thụ tinh hoặc trứng được thụ tinh phân chia làm hai thì sẽ có nhiều hơn một hợp tử.
Hợp tử có thành phần di truyền gồm 46 nhiễm sắc thể, trong đó 23 nhiễm sắc thể được thừa hưởng từ cha và 23 nhiễm sắc thể được thừa hưởng từ mẹ. Những nhiễm sắc thể này sẽ quy định giới tính cũng như các đặc điểm về sinh học và ngoại hình của đứa trẻ.
Ngay sau khi được thụ tinh, hợp tử sẽ dần di chuyển theo vòi fallop để vào buồng tử cung, và trong lúc đó, nó cũng tiến hành phân chia để tạo thành phôi dâu.
3. Tuần thứ 4: Làm tổ
Túi phôi phân chia nhanh và bắt đầu ăn sâu vào niêm mạc tử cung để làm tổ.
Bên trong túi phôi, nhóm tế bào bên trong phát triển thành phôi thai, còn lớp tế bào bên ngoài sẽ hình thành nhau thai - bộ phận chịu trách nhiệm nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ.
4. Tuần thứ 5: Nồng độ nội tiết tố tăng lên
Tuần thứ 5 của thai kỳ (tương đương tuần thứ 3 sau khi thụ tinh), nồng độ nội tiết tố HCG (được sản xuất từ túi phôi) tăng lên nhanh chóng. Sự tăng lên của HCG là tín hiệu để buồng trứng ngừng giải phóng trứng và tiết ra nhiều nội tiết tố estrogen và progesterone hơn. Nồng độ các nội tiết tố estrogen và progesterone tăng lên làm chu kỳ kinh nguyệt dừng lại (mất kinh - dấu hiệu kinh điển của có thai), và kích thích nhau thai phát triển.
Phôi thai giờ đây có ba lớp. Lớp ngoại bì sẽ phát triển thành da, hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, mắt và tai trong của em bé. Lớp trung bì sẽ hình thành tim và hệ tuần hoàn, xương, dây chằng, thận và phần lớn hệ sinh dục của em bé. Lớp nội bì sẽ hình thành phổi và ống tiêu hóa.
5. Tuần thứ 6: Ống thần kinh đóng lại
Thai nhi phát triển nhanh trong tuần này. Chỉ sau bốn tuần từ khi thụ tinh, ống thần kinh ở phía lưng của thai nhi bắt đầu đóng lại. Não và tủy sống của thai nhi phát triển từ ống thần kinh. Tim và các cơ quan nội tạng khác cũng bắt đầu thành hình.
Các cấu trúc cần thiết cho sự phát triển của mắt và tai cũng phát triển. Các chồi nhỏ xuất hiện sau này sẽ thành cánh tay của em bé. Thân thai nhi bắt đầu có hình dạng cong như chữ C.
Trắc nghiệm: Bạn có biết thai nhi tuần 6 phát triển như thế nào không?
Thai nhi tuần 6 đánh dấu một mốc tăng trưởng với tốc độ phi thường. Mẹ chắc hẳn đang rất hạnh phúc và tò mò về sự phát triển của con từng ngày. Để biết bé phát triển ở mức độ nào, mẹ có thể làm bài trắc nghiệm sau đây.6. Tuần thứ 7: Đầu thai nhi phát triển
Tuần thứ 7 của thai kỳ (tương đương 5 tuần sau thụ tinh), não và mặt của thai nhi phát triển lớn lên. Những chỗ lõm mà sau này trở thành lỗ mũi của em bé đã có thể nhìn thấy. Võng mạc dần bắt đầu hình thành.
Những chồi mà sau này trở thành chi dưới xuất hiện. Chồi cánh tay xuất hiện ở tuần trước giờ có hình dạng như mái chèo.
7. Tuần thứ 8: Mũi thai nhi hình thành
Tuần thứ 8 của thai kỳ (tương đương 6 tuần sau thụ tinh), chồi chi dưới đã có hình dạng mái chèo. Các ngón tay bắt đầu hình thành. Những bộ phận sau này trở thành tai và mắt đã thấy được rõ ràng. Môi trên và mũi đã thành hình. Cổ và thân mình bắt đầu duỗi thẳng.
Đến cuối tuần thứ 8, thai nhi có chiều dài khoảng 16 mm.
8. Tuần thứ 9: Ngón chân thai nhi xuất hiện
Ở tuần thứ 9 của thai kỳ (tương đương 7 tuần sau thụ tinh), cánh tay thai nhi phát triển và khuỷu tay xuất hiện. Các ngón chân đã có thể nhìn thấy và mí mắt hình thành. Đầu thai nhi khá lớn nhưng phần cằm của thai nhi vẫn chưa hoàn thiện.
Đến cuối tuần thứ 9, thai nhi có chiều dài khoảng 23 mm.
9. Tuần thứ 10: Khuỷu tay thai nhi gập lại
Đến tuần thứ 10 của thai kỳ (tương đương 8 tuần sau thụ tinh), đầu của thai nhi trở nên tròn hơn.
Đến thời điểm này thai nhi đã có thể gập khuỷu tay. Các ngón chân và ngón tay không còn màng nữa và trở nên dài hơn. Mí mắt và tai ngoài tiếp tục phát triển. Dây rốn có thể nhìn thấy rõ ràng.
10. Tuần thứ 11: Bộ phận sinh dục thai nhi phát triển
Khi bắt đầu tuần thứ 11 của thai kỳ (tương đương tuần thứ 9 sau thụ tinh), đầu thai nhi có độ dài bằng khoảng một nửa tổng chiều dài của thai nhi, tuy nhiên phần thân thai nhi bắt đầu phát triển nhanh chóng.
Em bé mới chính thức được miêu tả bằng từ “thai”. Khuôn mặt của thai nhi rộng ra, hai mắt tách xa nhau, mí mắt nhắm lại. Mầm răng tương lai xuất hiện. Hồng cầu bắt đầu hình thành trong gan thai nhi. Đến cuối tuần thứ 11, bộ phận sinh dục ngoài bắt đầu phát triển (để trở thành dương vật với thai nam, hoặc thành âm vật và môi lớn với thai nữ).
Chiều dài thai nhi giờ khoảng 41 mm và nặng khoảng 8 g.
11. Tuần thứ 12: móng tay hình thành
Tuần thứ 12 của thai kỳ (tương đương tuần thứ 10 sau thụ thai), móng tay của thai nhi dần xuất hiện. Khuôn mặt thai nhi cũng phát triển hơn, trông rõ ràng hơn. Hệ thống ruột cũng phát triển hơn trong bụng thai nhi. Thai nhi bắt đầu có những cử động tự thân.
Đến thời điểm này thai nhi dài khoảng 54 mm và nặng khoảng 14 g.
12 tuần đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé rất dễ bị ảnh hưởng, nhất là những thai phụ có tiền sử sảy thai cần được theo dõi chặt chẽ vì nguy cơ sảy thai lần 2 rất cao. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, thai phụ cần lưu ý các vấn đề quan trọng như:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Vinmec hiện có nhiều gói thai sản (12-27-36 tuần), trong đó chương trình thai sản trọn gói 12 tuần giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé ngay từ đầu thai kỳ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe. Ngoài các dịch vụ thông thường, chương trình theo dõi thai sản từ 12 tuần có các dịch vụ đặc biệt mà các gói thai sản khác không có như: xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test tầm soát dị tật thai nhi; xét nghiệm định lượng yếu tố tân tạo mạch máu chẩn đoán tiền sản giật; xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp; xét nghiệm Rubella; xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ và thể chất của bé sau sinh. Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, thai phụ nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa sớm để được khám và tư vấn điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.