Quá trình liền vết thương sau phẫu thuật tụt lợi

Điều trị tụt lợi bằng phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp tụt lợi nặng và cần điều trị ngay lập tức. Vậy vết thương sau phẫu thuật tụt lợi lành có nhanh không và quá trình liền vết thương cần phải chú ý những vấn đề nào? Cùng tham khảo thông tin qua bài viết sau.

1. Quy trình điều trị tụt lợi bằng phẫu thuật

Phẫu thuật tụt lợi là một tiểu phẫu, thực hiện đơn giản nhưng lại yêu cầu cao về chuyên môn đối với bác sĩ thực hiện. Nhìn chung quy trình điều trị tụt lợi bằng phẫu thuật được tiến hành thông qua bốn bước như sau:

  • Bước 1: Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng, thực hiện một số chỉ định như chụp X-quang khoang miệng. Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tình trạng tụt lợi của bệnh nhân cũng như đưa ra phương án phẫu thuật chính xác và đạt hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.
  • Bước 2: Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng cũng như đảm bảo được hiệu quả cao nhất của việc điều trị tụt lợi, bác sĩ sẽ thực hiện vệ sinh khoang miệng cho bệnh nhân, cụ thể ở đây là lấy cao răng cũng như loại bỏ các nguy cơ nhiễm trùng khác.
  • Bước 3: Bệnh nhân được gây tê và tiến thành phẫu thuật
  • Bước 4: Sau khi hoàn tất các bước trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra lại kết quả. Đồng thời, tư vấn cho người người bệnh cách chăm sóc răng miệng, những điều cần chú ý trong quá trình lành vết thương cũng như đặt lịch tái khám và cắt chỉ cho người bệnh.

Điều trị tụt lợi bằng phẫu thuật là một cuộc tiểu phẫu
Điều trị tụt lợi bằng phẫu thuật là một cuộc tiểu phẫu

2. Quá trình liền vết thương sau phẫu thuật tụt lợi diễn ra như thế nào?

Quá trình liền vết thương sau phẫu thuật tụt lợi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào các yếu tố như: Phương pháp phẫu thuật, kỹ thuật của bác sĩ thực hiện, khả năng lành vết thương của người bệnh, sự chăm sóc vết thương, có bị nhiễm trùng hay không...

Về nguyên tắc lành vết thương sau phẫu thuật tụt lợi diễn ra như sau:

  • Sau khi phẫu thuật hoàn tất, xuất hiện nhiều loại tế bào trong vết thương như bạch cầu đa nhân trung tính trong 1-2 ngày đầu và bạch cầu đơn nhân. Lượng bạch cầu sẽ giảm đi nhanh chóng nếu không xuất hiện tình trạng nhiễm trùng, bởi vai trò của chúng là dọn dẹp vết thương cũng như hạn chế nguy cơ nhiễm trùng xảy ra.
  • Sau đó sẽ là sự xuất hiện của nguyên bào sợi và mạch máu tân tạo trong vòng 1-10 ngày với vai trò phục vụ cho quá trình hình thành mô liên kết, và cuối cùng là quá trình liền sẹo.
  • Quá trình lợi tái cấu trúc như ban đầu nhờ vào các thành phần tế bào như hồng cầu, nguyên bào và không tế bào như lưới sợi fibrin, fibronectin huyết tương, collagen... Vết thương sẽ lành trong khoảng từ 4-6 tuần và người bệnh mất 1 năm để lợi tái cấu trúc như ban đầu.

3. Người bệnh cần chú ý điều gì sau khi hoàn thành phẫu thuật tụt lợi?

Sau khi tiến hành điều trị tụt lợi bằng phẫu thuật, việc chăm sóc vết thương sau phẫu thuật cũng là điều vô cùng quan trọng. Nếu vết thương sau phẫu thuật tụt lợi không được chăm sóc cẩn thận sẽ dễ xảy ra nhiễm trùng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ những vấn đề như sau:

  • Sau phẫu thuật tụt lợi không nên ăn những thực phẩm quá cứng, dai hoặc quá nóng vì có thể gây bong các mảnh ghép cố định. Hầu hết bệnh nhân đều được bác sĩ yêu cần ăn thức ăn mềm như cháo loãng, súp, sữa chua, phô mai... trong tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật.
  • Trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân không được chải răng vào vào vùng nước ghép. Người bệnh có thể vệ sinh răng miệng bằng tăm bông tẩm thuốc Betadine pha loãng hoặc dùng bơm tiêm phun rửa nước muối sinh lý. Sau 2 tuần, người bệnh có thể sử dụng bàn chải mềm để chải răng nhẹ nhàng. Không sử dụng chỉ nha khoa cho đến khi lành vết thương.
  • Uống thuốc kháng sinh, giảm đau, chống phù nề trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật theo đúng chỉ định của bác sĩ
  • Tái khám định kỳ theo đúng lịch trình đã đề ra.

Vết thương sau phẫu thuật tụt lợi cần được chăm sóc kỹ càng để tránh nhiễm trùng
Vết thương sau phẫu thuật tụt lợi cần được chăm sóc kỹ càng để tránh nhiễm trùng

4. Cách phòng ngừa tụt lợi

Tụt lợi hở chân răng là tình trạng mà không ai mong muốn, nhất là những vấn đề mà tụt lợi mang lại và trải nghiệm phẫu thuật tụt lợi khiến nhiều bệnh nhân không muốn trải qua thêm bất cứ lần nào nữa.

Để phòng ngừa tụt lợi hở chân răng, bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây:

  • Lựa chọn bàn chải đúng cách: Rất nhiều bệnh nhân tụt lợi bởi nguyên nhân đến từ bàn chải, mọi người nên chọn bàn chải có lông mềm mại để vệ sinh răng miệng, hạn chế tối đa tổn thương lợi do bàn chải gây ra. Hãy lựa chọn những thương hiệu bàn chải đánh răng uy tín để sử dụng và tránh được những tổn thương do bàn chải gây ra cho lợi.
  • Chải răng đúng cách: Việc vệ sinh răng sai cách cụ thể ở đây là cách đánh răng cũng có thể gây ra tổn thương cho lợi. Hãy chải dọc và xoay tròn bàn chải trong lúc chải răng nhé.
  • Khám răng định kỳ: Tương tự như việc khám sức khỏe định kỳ, mỗi người nên tập thói quen đi khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để lấy cao răng cũng như kiểm tra tình trạng răng miệng. Những bất thường về răng miệng sẽ sớm được phát hiện trong quá trình thăm khám và bác sĩ nha khoa sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe