Quá trình gây tê ngoài màng cứng khi chuyển dạ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Mỗi sản phụ sẽ có một ngưỡng chịu đau khác nhau, nếu quá trình sinh em bé diễn ra nhanh chóng và thuận lợi thì việc gây tê ngoài màng cứng là việc không cần thiết.

1. Tìm hiểu gây tê ngoài màng cứng là gì?

Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật gây tê vùng sử dụng trong quá trình chuyển dạ cho sản phụ. Quá trình này sẽ được thực hiện khi cơn co tử cung trở nên mạnh hơn (cổ tử cung mở từ 2 - 3cm), bà bầu không có bất thường trong kết quả xét nghiệm máu và có sức khỏe ổn định.

Thông qua mũi tiêm vào sống lưng, thuốc gây tê sẽ được đưa vào cột sống. Sau đó phân tán sang 2 vùng lân cận xung quanh, tạo cảm giác tê liệt, mất cảm giác đau ở các bộ phận chịu lực nhiều nhất khi chuyển dạ.

Tuy nhiên, bà bầu vẫn có cảm giác đau từ bụng đến 2 chân, vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Do vậy, bà bầu vẫn cảm nhận được các cơn co tử cung và rặn đẻ bình thường.

Trắc nghiệm: Dấu hiệu cảnh báo chuyển dạ thực sự

Chuyển dạ là quá trình thai phụ bước vào giai đoạn “đẻ đau” để kết thúc thời gian “mang nặng”. Thời gian và dấu hiệu chuyển dạ sẽ khác nhau tùy vào vào từng người và nhiều yếu tố. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các dấu hiệu chuyển dạ một cách chính xác và an toàn.

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được sử dụng phổ biến
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được sử dụng phổ biến

2. Quá trình gây tê màng cứng được thực hiện như thế nào?

Bác sĩ gây mê sẽ tiến hành thăm khám trước khi thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng. Bà bầu sẽ nằm nghiêng hoặc ngồi nhưng lưng uốn cong như lưng tôm để khe giữa 2 đốt sống được mở rộng. Sát khuẩn vùng thắt lưng rồi tiến hành gây tê dưới da và khe giữa 2 đốt sống. Tiếp theo, bác sĩ dùng kim tiêm chuyên dụng chọc vào khe đốt sống để tìm khoang màng cứng.

Một ống nhựa rất nhỏ (kích thước bằng đầu bút) sẽ được luồn qua kim gây tê vào khoang màng cứng để truyền thuốc gây tê, giảm đau tới được khoang màng cứng. Đôi lúc ống thông có thể chạm vào dây thần kinh trong quá trình luồn ống gây ra cảm giác điện giật nhẹ hoặc tê xuống một chân. Sau đó kim tiêm sẽ được rút ra và ống thông sẽ được cố định vào lưng sản phụ.

Một lượng nhỏ thuốc gây tê thử nghiệm sẽ được truyền qua ống thông ngoài màng cứng, sản phụ được yêu cầu thông báo bất kỳ cảm giác nào khác lạ. Huyết áp của sản phụ sẽ được theo dõi chặt chẽ. Nếu liều thử nghiệm diễn ra an toàn, bác sĩ sẽ thêm lượng thuốc gây tê, sau 10 - 20 phút thuốc sẽ có tác dụng, sản phụ sẽ cảm thấy cơn đau đẻ giảm dần đi.

Mỗi liều tiêm sẽ có tác dụng giảm đau trong 1 tiếng, bác sĩ sẽ tiêm bổ sung thêm cho đến khi sản phụ sinh em bé thành công. Lúc này ống thông ngoài màng cứng sẽ được rút ra. Hai chân của sản phụ sẽ có cảm giác đau như bình thường trong khoảng 4 - 6 giờ tiếp theo sau khi sinh.

3. Có nên gây tê ngoài màng cứng khi sinh thường?

Việc có nên gây tê ngoài màng cứng khi sinh thường hay không phụ thuộc vào từng trường hợp và tiên lượng của bác sĩ về mức độ dễ hay khó của ca sinh thường đó.

Với các trường hợp cơn đau chuyển dạ kéo dài và dữ dội, khiến sản phụ mất sức, tình trạng sức khỏe suy yếu, bị tâm lý thì việc gây tê ngoài màng cứng trong khi sinh thường là lựa chọn tối ưu nhất. Việc này giúp ca sinh thường qua cửa âm đạo diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và giảm được nguy cơ sinh mổ.

Hiện nay có rất nhiều cơ sở y tế áp dụng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng. Để quá trình sinh nở diễn ra được an toàn, sản phụ nên chọn địa chỉ uy tín, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị chuyên ngành tiên tiến. Để đảm bảo được ca “sinh thường không đau” diễn ra an toàn và nhanh chóng nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe