Phương pháp phục hồi trí nhớ và rối loạn ngôn ngữ sau tai biến

Hỏi

Chào bác sĩ ạ! Bố em bị tai biến nhẹ nhồi máu não, rung nhĩ. Hiện tại, bố em vẫn đi lại được, chỉ bị nói líu lưỡi và sử dụng từ không được chuẩn, cũng như đôi khi quên từ ngữ. Vậy thưa bác sĩ, cho em hỏi cách hồi phục và chăm sóc như nào để đạt hiệu quả tốt nhất ạ? Bố em đã điều trị bằng thuốc chống đông máu tuần hoàn máu bên bệnh viện trung ương được 10 ngày nay. Nói chung, mọi thứ đều bình thường nhưng chỉ còn trí nhớ và khả năng giao tiếp bị suy giảm. Mong bác sĩ tư vấn giúp, em xin cảm ơn!

Minh Ngoc (1989)

Trả lời

Chào bạn! Về cách hồi phục và chăm sóc bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch não, bạn có thể tham khảo bài viết: Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến, bài viết sẽ cung cấp thêm cho độc giả những thông tin về các dạng rối loạn ngôn ngữ do di chứng sau tai biến mạch máu não, các phương pháp tập luyện giúp cải thiện rối loạn ngôn ngữ do hậu quả tai biến mạch máu não cũng như cách ngăn ngừa hậu quả của tai biến mạch máu não. Hy vọng thông qua bài viết, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức để giúp bác cải thiện khả năng ngôn ngữ sau tai biến.

Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng là dự phòng nhồi máu não tái phát như thế nào? Trường hợp của bố bạn cần chú ý những điểm sau:

  1. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ (nếu có)
  • Điều trị rối loạn lipid máu: trong đó đặc biệt làm giảm cholesterol. Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6-12 tháng/lần.
  • Kiểm soát đường huyết: Có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng thuốc điều trị kết hợp với chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát cân nặng.
  • Kiểm soát trị số huyết áp: Mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg để làm giảm các biến chứng về tim mạch, thận. Sử dụng thuốc hạ huyết áp đều đặn và đúng cách theo hướng dẫn của thầy thuốc.

2. Liệu pháp thay đổi lối sống

  • Chế độ ăn uống: Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì.
  • Thực hiện chế độ ăn muối và kali hợp lý: Ăn mặn làm tăng huyết áp. Mức độ ăn kiêng được khuyến cáo chung là không quá 6g muối ăn mỗi ngày. Nên bổ sung kali bằng ăn thêm hoa quả và rau tươi. Giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn.
  • Cai thuốc lá triệt để vì hút thuốc làm nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành tăng, nhất là ở những người hút trên 40 điếu mỗi ngày.
  • Tập thể dục để làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ như làm hạ huyết áp, giảm béo phì, hạn chế tiến triển tổn thương vữa xơ động mạch. Tập thể dục mức độ trung bình, chẳng hạn như đều đặn đi bộ 30 phút mỗi ngày. Có thể đạp xe đạp hoặc bơi lội ít nhất 30 phút/lần/ngày, 5 ngày/tuần cũng rất hữu ích.
  • Duy trì giấc ngủ khoảng 7h mỗi ngày. Nên ngủ sớm, dậy sớm.

3. Phòng ngừa tình trạng đông máu bằng thuốc

  • Thuốc kháng vitamin K: Warfarin và các thuốc kháng vitamin K khác là các thuốc kháng đông đầu tiên được sử dụng ở bệnh nhân rung nhĩ. Mặc dù có những hạn chế là cửa sổ điều trị hẹp, cần theo dõi thường xuyên và điều chỉnh liều nhưng kháng vitamin K với thời gian trong ngưỡng điều trị đầy đủ sẽ phòng ngừa hiệu quả đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ.
  • Thuốc kháng đông đường uống không phải kháng vitamin K (NOAC) gồm thuốc ức chế trực tiếp thrombin (dabigatran) và ức chế yếu tố Xa (apixaban, edoxaban và rivaroxaban) là những thuốc thay thế thích hợp cho kháng vitamin K trong phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ. Điều trị kháng đông đường uống dài hạn với kháng vitamin K hoặc NOAC mang lại lợi ích ở bệnh nhân rung nhĩ sống sót sau đột quỵ. Bạn cần đưa bố đi khám định kỳ chuyên khoa tim mạch hoặc thần kinh để nhận được chế độ điều trị, chăm sóc tốt nhất, đặc biệt là việc dùng thuốc chống đông máu và theo dõi chỉ số đông máu.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Hệ thống Y tế Vinmec. Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe