Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thiều Trung - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ánh Hiền - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Miệng chứa nhiều đầu mút thần kinh cảm giác, cũng là nơi chứa nhiều niêm mạc nên rất nhạy cảm với bất kỳ can thiệp răng miệng nào. Vì vậy gây tê, đặc biệt là gây tê tại chỗ là một giai đoạn quan trọng nhằm giảm bớt đau đớn của người bệnh trong quá trình nhổ răng.
1. Gây tê tại chỗ là gì?
Gây tê tại chỗ là một hình thức vô cảm vùng bằng cách sử dụng thuốc tê ức chế chuyên biệt và tạm thời luồng xung động thần kinh từ ngoại biên lên trung ương làm tạm thời mất cảm giác đau. Trong nhổ răng thì phương pháp gây tê tại chỗ gồm có gây tê bề mặt và gây tê tại chỗ bằng tiêm.
Gây tê bề mặt: Là phương pháp gây tê bằng cách đặt trực tiếp vào bề mặt niêm mạc miệng một số lượng thuốc tê nhất định có khả năng thẩm thấu hoặc tạo lạnh làm tê các đầu mút thần kinh ngoại biên. Phương pháp này sẽ giúp gây tê trong thời gian ngắn áp dụng cho các trường hợp dễ, nhanh như nhổ răng lung lay nhiều hoặc lấy cao răng, chích áp-xe.
Gây tê tại chỗ bằng tiêm: Dùng các loại thuốc tê như Bupivacaine, Lidocaine, Prilocaine để gây tê niêm mạc hoặc gây tê dây chằng.
2. Gây tê tại chỗ nhổ răng thực hiện như thế nào?
Đối với gây tê bề mặt: Sẽ có bôi tê và phun tê.
- Bôi tê:
Sát khuẩn, lau khô vùng gây tê rồi dùng viên bông thấm thuốc có tính thẩm thấu nhanh qua niêm mạc như dung dịch Lidocaine 10%, hoặc dung dịch Benzocaine 4% hoặc 10%, bôi quanh vùng niêm mạc quanh chân răng nhổ, chờ vài phút cho thuốc tê ngấm rồi mới can thiệp nhanh
- Phun tê: Gồm 2 loại:
Với Lidocaine 10% đựng trong chai có ống phun khí dung dịch thì sử dụng bằng cách phun thuốc tê cho tia thuốc vào đúng ngay vùng niêm mạc muốn gây tê, chờ vài phút rồi can thiệp.
Với Ethyl Clorua với cơ chế làm tê bằng cách bay hơi thật nhanh làm hạ nhiệt độ xuống thấp tạo tê thì dùng bằng cách cầm chai dốc ngược và đầu hướng về phía gây tê, tia thuốc xịt cách niêm mạc 2 cm rồi đưa xa từ từ đến 15 cm. Chờ cho lớp này tan rồi xịt lần 2 và khu vùng tê trắng ra bắt đầu can thiệp.
Đối với gây tê tại chỗ bằng tiêm:
- Gây tê niêm mạc:
Đối với răng 1 chân: Tiêm 2 mũi ở mặt ngoài, mũi 1 cách cổ răng 3-5 mm, kim đâm phải chạm vào xương thẳng với thân răng hợp với lợi góc 45 độ, tiêm 0,25 ml dung dịch thuốc tê từ từ. Mũi 2 tiêm ngay sau đó ở cổ răng cách 15 mm vào ngách lợi tương ứng với cuống răng khoảng 0,5- 1 ml. Có thể tiêm 1 mũi phụ vào mặt trong phía lưỡi khoảng 0,5 ml cách cổ răng 3-5 mm. Sau đó chờ 5-10 phút cho thuốc tê có tác dụng, tác dụng tê có thể kéo dài 30-40 phút.
Đối với răng nhiều chân: Tiêm 3 mũi ở mặt ngoài. Mũi 1 ở phía gần, mũi 2 ở phía xa thân răng cách cổ răng 3-5 mm, mỗi mũi chích khoảng 0,5- 1 ml. Mũi thứ 3 tiêm ngay sau đó cách cổ răng 15 mm khoảng 0,5- 1 ml thuốc tê. Mặt trong có thể tiêm 1 mũi phụ giống răng 1 chân nhưng hàm trên thì tiêm cách cổ răng 15 mm còn hàm dưới cách cổ răng 3-5 mm.
Gây tê dây chằng: Là kỹ thuật đâm kim đứng song song với trục của răng ở phía gần và xa mép kim ép sát chân răng muốn nhổ, xuống sâu càng tốt và yêu cầu sức ép mạnh.
3. Những biến chứng có thể gặp trong gây tê
Công đoạn gây tê có thể gây ra các biến chứng sau:
- Gãy kim, đau khi chích, cảm giác nóng rát hoặc tê, dị cảm kéo dài.
- Khít hàm.
- Nhiễm trùng.
- Phù.
- Tróc vảy mô.
- Liệt thần kinh mặt.
- Tổn thương miệng sau gây tê.
Tốt nghiệp chương trình đào tạo Bác sĩ Nội trú, Bác sĩ Trần Thị Ánh Hiền đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Pháp Việt trước khi về làm việc tại Đơn nguyên Gây mê Giảm đau – Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Để được tư vấn chi tiết về phương pháp này, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Video đề xuất:
Kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP): Giảm đau trọn vẹn, không cần morphin
XEM THÊM:
- Gây mê khi phẫu thuật nhổ răng
- Nhổ răng còn sót chân răng có sao không?
- Có nên nhổ răng khôn trước khi mang thai?