Phương pháp chẩn đoán viêm tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Ngô Văn Dần - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bình thường, nước mắt được sinh ra từ tuyến lệ, giữ cho đôi mắt được bôi trơn và làm sạch. Sau khi nước mắt được sản sinh, với cử động của đôi mắt, những giọt nước mắt bị ép vào các ống dẫn ở góc bên trong, nhờ đó, nước mắt thoát ra khỏi mắt nhỏ xuống ống lệ tỵ vào phía sau của mũi. Nếu ống dẫn này bị tắc hoàn toàn hoặc một phần, những giọt nước mắt không thoát ra ngoài sẽ làm tắc lệ đạo.

1. Tắc lệ đạo thường do các nguyên nhân sau

  • Không có điểm lệ: Trẻ sẽ luôn bị chảy nước mắt và viêm kết mạc kéo dài.
  • Rò túi lệ bẩm sinh: Vùng da gần góc trong của mắt có lỗ rò nhỏ gây chảy nước mắt qua lỗ rò này.
  • Tắc ống lệ mũi bẩm sinh: Đây là trường hợp thường gặp nhất xảy ra ở khoảng 5% trẻ sơ sinh 12-20 ngày tuổi.
  • Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc hai bên mắt, thỉnh thoảng gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống, nếu bị thường xuyên và kéo dài có thể tạo ra mủ nhầy, viêm kết mạc mắt, sưng túi lệ.
  • Nguyên nhân của tắc ống lệ mũi bẩm sinh còn do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc, trong một số trường hợp khác thì lại do biến dạng ống xương của ống lệ mũi.
  • Khi tắc lệ đạo, vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, căng hơn. Nếu quá trình tắc kéo dài, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi nếu không được điều trị có thể gây ra viêm túi lệ mạn tính.
  • Nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm trùng tại đường lệ, túi lệ bị viêm, có nhầy mủ. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt, gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da, đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.

Tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

2. Dấu hiệu tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh

  • Trẻ sơ sinh hay bị chảy nước mắt và gỉ mắt. Hiện tượng chảy nước mắt (không phải khóc) sẽ nhiều hơn khi trời lạnh, có gió hoặc nắng... Đặc biệt, mỗi sáng ngủ dậy, mắt trẻ thường có nhiều gỉ vàng dính quanh mí mắt
  • Mắt trẻ lúc nào cũng ướt như vừa khóc do đọng nước mắt ở khe mi
  • Giả viêm kết mạc, thường đỏ da bờ mi, trẻ hay dụi mắt

Dấu hiệu tắc lệ đạo có dễ nhận ra hay không còn do tắc hoàn toàn hay một phần. Nếu tắc một phần, có thể phải sau một thời gian bố mẹ trẻ mới nhận thấy những “đặc biệt” ở đôi mắt của con mình.Lưu ý khi điều trị tại nhà?

2.1 Rửa mắt cho bé

Sử dụng nước muối sinh lý dạng nhỏ mắt, dùng bông gòn thấm nước rồi nhẹ nhàng lau mắt cho bé, lấy hết những dử màu vàng bị dính trên đôi mắt của bé. Nên làm nhiều lần thường xuyên để giữ cho đôi mắt của bé luôn sạch sẽ. Trong khi làm phải thật nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh bị viêm nhiễm.

Cha mẹ cần rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng nhanh trước và sau khi làm vệ sinh mắt cho bé. Thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp bé bị viêm kết mạc và có đơn thuốc của bác sĩ.

2.2 Massage tuyến lệ

Dùng ngón tay trỏ (đã được vệ sinh sạch) massage nhẹ nhàng góc mắt trong của bé, bắt đầu di chuyển từ góc trong của mí mắt về phía mũi của bé. Khi massage sẽ gây áp lực nhẹ nhàng đến ống dẫn, giúp thông chất lỏng khỏi những đoạn bị tắc và mở chúng ra. Cha mẹ nên làm nhiều lần, khoảng 2-4 lần/ngày để đảm bảo hiệu quả cao, làm mỗi lần khoảng 5-10 phút.

Nếu những biện pháp trên không có hiệu quả, cách tốt là bạn nên đưa con đến khám bác sĩ tại các bệnh viện mắt chuyên khoa. Tùy vào tình trạng của từng bé mà bác sĩ có cách điều trị riêng, có thể dùng thuốc hoặc dùng biện pháp thông tuyến lệ.


Massage tuyến lệ cần được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ
Massage tuyến lệ cần được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ

3. Các phương pháp điều trị khi nhập viện? Trường hợp nào cần tái khám

Điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ được thực hiện theo độ tuổi và nguyên nhân gây tắc lệ đạo. Nếu nguyên nhân do không có điểm lệ do màng ngăn ở điểm lệ thì có thể rạch làm thông lệ đạo.

Nếu nguyên nhân do rò túi lệ thì điều trị bằng cách phẫu thuật đóng lỗ dò. Nếu nguyên nhân do tắc ống lệ mũi bẩm sinh thì tùy theo độ tuổi các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, việc điều trị chủ yếu là massage túi lệ, lau mí với nước muối sinh lý, nếu như có nhầy mủ thì dùng thêm kháng sinh nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với trẻ 3-12 tháng, điều trị bằng cách bơm rửa lệ đạo, kết hợp kháng sinh tại chỗ và thông lệ đạo. Tuy nhiên, việc thông lệ đạo chỉ được thực hiện sau khi bơm rửa day nắn vùng túi lệ và sử dụng kháng sinh không hiệu quả.

Đối với trẻ trên 1 tuổi, phương pháp bơm thông lệ đạo thường không hiệu quả nên cần cho trẻ đi khám để đánh giá việc phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.

Đối với trẻ sơ sinh khi phát hiện thấy trẻ bị chảy nước mắt sống hoặc thường thấy đọng nước ở khe mi cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để các bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt, loại trừ các nguyên nhân khác như glôcôm bẩm sinh, viêm trong mắt và có biện pháp điều trị phù hợp.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe