Phục hồi chức năng hô hấp ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Phục hồi chức năng hô hấp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được khuyến cáo như một phương pháp điều trị hiệu quả. Phương pháp này giúp bệnh nhân cải thiện được tình trạng khó thở, nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Mục đích của phục hồi chức năng ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Phục hồi chức năng hô hấp giúp làm giảm triệu chứng khó thở, cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng khả năng gắng sức, giúp ổn định hoặc cải thiện bệnh, giảm số đợt kịch phát phải nhập viện điều trị, giảm số ngày nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.

Phục hồi chức năng hô hấp bao gồm:

  • Tư vấn: Người bệnh được tư vấn cai thuốc lá, tư vấn chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng thuốc cách dùng ống bơm xịt, bình hít, máy khí dung, thở oxy đúng cách, các phương pháp ho khạc đờm, tập thở.
  • Vật lý trị liệu hô hấp: hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật cải thiện thông khí, cách ho khạc đờm, tập luyện các bài tập thể dục để tăng cường thể chất.
  • Hỗ trợ tâm lý và tái hòa nhập xã hội nhằm cải thiện được tình trạng trầm cảm hay gặp ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Người bệnh được tư vấn về hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách đúng liều
Người bệnh được tư vấn về hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách đúng liều

2. Phục hồi chức năng hô hấp ở bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính

2.1. Phương pháp thông đờm làm sạch đường thở

Mục đích giúp bệnh nhân biết cách loại bỏ đờm, dịch tiết phế quản làm cho đường thở thông thoáng. Bao gồm: ho có kiểm soát và thở ra mạnh.

  • Ho có kiểm soát
  • Ho có kiểm soát giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở mà không làm cho người bệnh mệt, khó thở...
  • Kỹ thuật ho có kiểm soát

Bước 1: Ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn, thoải mái.

Bước 2: Hít vào chậm và thật sâu.

Bước 3: Nín thở trong vài giây.

Bước 4: Ho mạnh 2 lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.

Bước 5: Hít vào chậm và nhẹ nhàng. Thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.

  • Kỹ thuật thở ra mạnh
  • Thở ra mạnh nhằm thay thế động tác ho có kiểm soát trong những trường hợp người bệnh yếu mệt, không đủ lực để ho.
  • Kỹ thuật thở ra mạnh

Bước 1: Hít vào chậm và sâu.

Bước 2: Nín thở trong vài giây.

Bước 3: Thở ra mạnh và kéo dài.

Bước 4: Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở đều vài lần trước khi lặp lại.


Người bệnh tập hít thở để làm thông đờm sạch đường hô hấp
Người bệnh tập hít thở để làm thông đờm sạch đường hô hấp

2.2. Các bài tập thở

Mục đích nhằm bảo tồn và duy trì chức năng hô hấp, khắc phục ứ khí trong phổi

Bài tập thở chúm môi

  • Mục đích: Đẩy được lượng khí cặn ứ đọng trong phổi ra ngoài mới có thể hít được không khí trong lành. Thở chúm môi là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn, giảm khó thở. Thực hiện động tác thở chúm môi nhiều lần những lúc khó thở cho đến khi hết khó thở.
  • Kỹ thuật thở chúm môi

Bước 1: Tư thế ngồi thoải mái, thả lỏng cổ và vai, hít vào chậm qua mũi.

Bước 2: Môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Bài tập thở hoành

  • Tập thở cơ hoành sẽ giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng. Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen, nên tập thở cơ hoành khi đứng, khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.
  • Kỹ thuật thở hoành

Bước 1: Đặt 1 bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.

Bước 2: Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên. Lồng ngực không di chuyển.

Bước 3: Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.


Tập thở cơ hoành giúp tăng cường hiệu quả của hô hấp
Tập thở cơ hoành giúp tăng cường hiệu quả của hô hấp

3. Các biện pháp phục hồi chức năng hô hấp khác

3.1 Tập thể dục và luyện tập

Thể dục và vận động liệu pháp là một phương pháp giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ. Tập thể dục giúp cho khí huyết lưu thông, cơ bắp mạnh khỏe hơn, cơ hô hấp mạnh hơn, phù hợp với khả năng của từng người và được tăng dần cường độ để đạt được hiệu quả cần thiết. Các động tác đơn giản, từ nhẹ đến nặng, khi bệnh nhân cảm thấy khó thở thì dừng lại.

3.2 Các bài tập vận động chi trên

Các bài tập vận động chi trên nhằm tăng cường sức cơ chi trên, cơ hô hấp. Các bắp cơ vai, ngực và cánh tay khỏe mạnh sẽ hỗ trợ tốt cho động tác hô hấp và những động tác thường ngày như nấu ăn, quét dọn, vệ sinh cá nhân... Các hoạt động bao gồm nâng tạ, máy tập chi trên đa năng...

3.3 Bài tập vận động chân

Mục đích giúp cho cơ thể có được sức bền, dẻo dai và người bệnh sẽ lâu mệt hơn khi phải gắng sức. Các bài tập được sử dụng như: xe đạp lực kế, đi bộ trên mặt phẳng, leo cầu thang...

3.4 Hướng dẫn bệnh nhân tập luyện các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày

  • Đi bộ. Hướng dẫn bệnh nhân đi bộ trên mặt phẳng, có thể dùng oxy nếu cần thiết. Khi có cảm giác khó thở phải dừng lại ngay. Khuyên bệnh nhân đi theo tốc độ phù hợp với gắng sức của bệnh nhân. Trong khi đi bộ cần kết hợp với bài tập thở hoành, khi hít vào bụng giãn nở to, khi thở ra bụng xẹp lại. Đặt mục tiêu hợp lý để đạt được, không nên cố gắng mọi cách để đạt được mục tiêu đó.
  • Leo cầu thang. Bệnh nhân cần thực hiện từng bước một, tay bám vào tay vịn của cầu thang để tránh ngã. Leo phù hợp với khả năng, mệt có thể nghỉ, cần phối hợp với thở hoành và thở chúm môi, thở oxy để giảm khó thở và tăng khả năng gắng sức.

Leo cầu thang kết hợp với kĩ thuật hít thở để có hiệu quả cao nhất
Leo cầu thang kết hợp với kĩ thuật hít thở để có hiệu quả cao nhất

  • Tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Để tránh khó thở, nên dùng ghế để ngồi khi tắm, chiều cao thích hợp, có chỗ dựa hoặc không tuỳ ý. Nếu tắm nước nóng, không khí ẩm rất dễ gây mệt cho nên cần mở rộng cửa hoặc dùng quạt thông gió. Cần hạn chế các động tác gắng sức gây khó thở.
  • Làm bếp. Sắp xếp các dụng cụ làm bếp vừa tầm tay, dễ lấy, tránh đi tới, đi lui. Nên ngồi khi chuẩn bị món ăn. Tuyệt đối tránh các loại bếp có nhiều khói hoặc các món nướng. Ưu tiên sử dụng bếp điện hoặc lò vi sóng. Nhà bếp cần thông thoáng, nên có quạt thông gió hoặc quạt máy nhỏ.
  • Tiêm phòng. Nên tiêm vắc-xin phòng cúm hàng nămvắc-xin phòng phế cầu mỗi 3 - 5 năm.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe