Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khuyết tật thị giác, giảm chức năng nhìn gây ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt, học tập, lao động của bệnh nhân. Nếu được tập luyện, phục hồi chức năng phù hợp, người bệnh có thể có một cuộc sống gần như những người khỏe mạnh bình thường.
1. Tổng quan về khuyết tật thị giác/giảm chức năng nhìn
1.1 Khuyết tật thị giác là gì?
Khuyết tật thị giác/giảm chức năng nhìn là tình trạng một người không nhìn rõ, khó hay không nhận dạng được sự vật một cách bình thường như những người xung quanh (do ảnh hưởng của các bệnh lý hoặc biến chứng về mắt).
Các mức độ khuyết tật thị giác/giảm chức năng nhìn:
- Chỉ nhìn thấy các vật ở gần, không nhìn thấy vật thể ở xa (hoặc ngược lại, chỉ nhìn thấy vật ở xa, không nhìn thấy các vật ở gần);
- Nhìn không rõ, nhò, hinh đôi, thay đổi màu sắc;
- Chỉ nhìn thấy vật to, không nhìn thấy được những vật nhỏ;
- Có thể nhận biết được ban ngày - ban đêm nhưng không thấy rõ hình dạng vật gì;
- Hoàn toàn không nhìn thấy gì.
1.2 Nguyên nhân gây khuyết tật thị giác
- Bẩm sinh: Di truyền gen, người mẹ bị cúm khi mang thai hoặc bị tai nạn gây chấn thương cho thai nhi, người mẹ nhiễm Rubella khi mang thai, ăn uống thiếu chất, bố hoặc mẹ nhiễm chất độc hóa học;
- Trong khi sinh: Nhiễm khuẩn, sinh ngược, sinh khó, dùng forcep (kẹp sản khoa) hỗ trợ khi sinh, ngạt khi sinh;
- Bệnh lý: Bị thiếu vitamin A, sởi, lậu, nhiễm Chlamydia, đau mắt, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, mờ giác mạc, bệnh võng mạc tiểu đường, lão hóa, thoái hóa điểm vàng, các bệnh lý mắt khác...
1.3 Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng của người bị khuyết tật thị giác gồm:
- Mắt trông mờ, đục, nhăn nheo, bị đau;
- Mắt và mi mắt đỏ, có mủ, thường xuyên chảy nước mắt;
- 1 hoặc cả 2 bên đồng tử có màu xám hoặc trắng;
- Trẻ 3 tháng tuổi không nhìn thay đồ chơi, vật khi đưa qua mặt trẻ, không đưa tay với đồ chơi, trừ khi đồ chơi phát ra tiếng động hoặc tiếp xúc với trẻ;
- Mắt lác ngoài hay lác trong, 2 mắt không di động cùng hướng với nhau;
- Trẻ chậm sử dụng tay, chân, đi lại so với trẻ khác. Trẻ hay bị va đụng vào đồ đạc;
- Trẻ không thích thú với tranh ảnh, đồ chơi có màu sắc;
- Ở trường trẻ không đọc được chữ trên bảng hoặc không đọc được chữ trong sách, bị mệt mỏi, đau đầu khi đọc sách;
- Nhìn khó khăn khi trời tối;
- Có thể có các dạng khuyết tật khác như bại não hoặc chậm phát triển trí tuệ;
- Không nhìn thấy một vật ở xa hoặc gần, không nhìn thấy người xung quanh, không làm việc hoặc tham gia các hoạt động bình thường được.
1.4 Hệ lụy khi bị khuyết tật thị giác
Các vấn đề thường gặp ở bệnh nhân bị khuyết tật thị giác/giảm chức năng nhìn gồm:
- Gặp khó khăn trong việc di chuyển, định hướng không gian, vị trí của mình nếu đi xa khỏi môi trường quen thuộc;
- Gặp khó khăn trong việc sinh hoạt với các hoạt động thông thường như ăn uống, tắm gội,...;
- Gặp khó khăn khi hòa nhập xã hội, giao tiếp với mọi người xung quanh;
- Tự ti, mặc cảm, không có thu nhập,...
2. Phục hồi chức năng cho người khuyết tật thị giác
Để phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị khuyết tật thị giác/giảm chức năng nhìn, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
2.1 Đưa bệnh nhân đi khám chuyên khoa mắt, chuyên khoa Nội thần kinh
Khi bệnh nhân bị ảnh hưởng tới khả năng nhìn, người nhà nên ngay lập tức đưa người bệnh đi khám chuyên khoa mắt hay chuyên khoa Nội thần kinh để sớm xác định nguyên nhân, có biện pháp điều trị kịp thời, tránh nguy cơ mù mắt.
Nếu phát hiện những nguyên nhân gây giảm khả năng nhìn như: Viêm kết mạc, đau mắt hột, viêm mống mắt,... thì có thể điều trị nội khoa. Với các nguyên nhân khác như lác mắt, sụp mi, đục thủy tinh thể, viêm đầu thống, có vật lạ gây tổn thương mắt,... cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Những bệnh nhân có tật khúc xạ cũng cần được khám, đo kính mắt để đề phòng nguy cơ bệnh nặng hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của người bệnh sau này.
2.2 Hướng dẫn người bệnh cách định hướng, di chuyển
- Khi trẻ biết bò, phụ huynh nên để đồ chơi ở các góc phòng, khuyến khích trẻ bò tới khám phá môi trường xung quanh;
- Khi trẻ tập đi, cần đảm bảo mọi vật dụng trong nhà đều an toàn, góc bàn ghế được bo tròn để không làm trẻ bị thương, giúp trẻ tự tin hơn khi di chuyển;
- Khuyến khích trẻ tự chơi đùa, khám phá những gì mình thích nhưng cần chú ý quan sát, bảo vệ trẻ;
- Dạy người lớn bị khuyết tật thị giác đi ra khỏi nhà, hướng dẫn họ đi tới các điểm đến mà họ muốn. Có thể cầm tay, để họ sờ vào các điểm mốc trên đường hoặc đếm bước chân. Nên đi với khoảng cách ngắn, sau đó khi người bệnh đã quen thuộc đường đi thì tăng dần độ dài quãng đường.
2.3 Hướng dẫn người bệnh phát triển các kỹ năng khác qua khứu giác, xúc giác
- Với trẻ bị khuyết tật thị giác, hướng dẫn trẻ cảm nhận các phần khác nhau trên cơ thể, cho trẻ sờ mặt những người xung quanh để nhận biết dần từng người một;
- Phát triển khả năng nghe bằng cách cho người bị khuyết tật thị giác nghe các loại tiếng động khác nhau, nhận biết đó là tiếng động gì, phát ra từ phía nào,...;
- Nói, chỉ dẫn cho bệnh nhân các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân;
- Đưa người bệnh ra ngoài để họ cảm nhận được môi trường xung quanh, mô tả cho họ biết về các sự vật bên ngoài.
2.4 Hướng dẫn bệnh nhân sinh hoạt hằng ngày
- Để người bệnh ăn chung 1 mâm với gia đình, đặt thức ăn vào đúng các vị trí như số giờ chỉ trên đồng hồ (đặc biệt là các giờ vuông góc như 3 - 6 - 9 - 12 giờ) nhằm giúp người bệnh tự ăn uống được bình thường;
- Hướng dẫn bệnh nhân đặt cốc nước đã uống vào một vị trí nhất định;
- Hướng dẫn kỹ năng sinh hoạt hằng ngày như mặc quần áo, vệ sinh răng miệng, tắm rửa, chơi trò chơi,...;
- Dạy trẻ lớn hoặc người lớn làm việc nhà như dọn bàn ghế, nấu vài món đơn giản,... nhưng cần chú ý an toàn, theo sát họ cho tới khi họ có thể thực hiện thành thạo.
2.5 Sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ
- Hướng dẫn người bệnh cách sử dụng gậy: Chọn chiều cao của gậy ở mức vừa phải (cao từ mặt đất tới vị trí giữa vai và hông). Nên dạy bệnh nhân cách dùng gậy để khám phá môi trường xung quanh, duỗi thẳng cánh tay, đưa gậy sang bên trái - phải, trước - sau, lên xuống cầu thang, đi trên phố,... Khi đi lại bệnh nhân cần lắng nghe những âm thanh xung quanh;
- Cho người bệnh đeo kính bảo vệ hoặc để tăng tính thẩm mỹ.
Ngoài các cách hướng dẫn phục hồi chức năng cho người khuyết tật thị giác nói trên, cần chú ý tới việc giáo dục, dạy nghề, trợ giúp về tâm lý - xã hội cho bệnh nhân,... để họ có thể tự gánh vác cuộc sống của mình, tránh tự ti, mặc cảm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.