Phù: Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Phù là một trong những biểu hiện phổ biến của một số căn bệnh, chẳng hạn như bệnh gan, bệnh thận, tắc nghẽn mạch máu hoặc dị ứng. Tình trạng phù nề có thể xảy ra trên mọi bộ phận của cơ thể, điển hình nhất là tay, chân và mắt cá chân.

1. Phù là gì?

Phù là tình trạng cơ thể bị sưng do giữ nước, chấn thương hoặc viêm, thường xảy ra ở các bộ phận như chân, bàn chân hoặc mắt cá chân. Đôi khi, nó cũng có thể xuất hiện tại các khu vực như mắt, tay, thậm chí là toàn bộ cơ thể.

Khi chất lỏng từ các mạch máu nhỏ bị rò rỉ vào các mô gần đó sẽ tích tụ lại và làm cho các mô sưng lên, gây ra hiện tượng phù.

2. Các loại phù

Dưới đây là một số loại phù phổ biến nhất, bao gồm:

  • Phù ngoại biên: loại phù này thường ảnh hưởng chủ yếu đến chân, bàn chân và mắt cá chân, tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó cũng có thể xảy ra ở cánh tay. Đây là một dấu hiệu điển hình phản ánh các vấn đề về hệ thống tuần hoàn, thận hoặc các hạch bạch huyết trong cơ thể.
  • Phù bàn chân: xảy ra khi các chất lỏng dư thừa tích tụ ở chân và bàn chân. Tình trạng này thường thấy nhiều nhất ở phụ nữ mang thai hoặc người cao tuổi. Phù bàn chân có thể làm cho chân bị mất cảm giác và khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn.

  • Phù bạch huyết: hạch bạch huyết là các mô có vai trò vô cùng quan trọng trong việc lọc vi trùng và chất thải ra khỏi cơ thể. Khi hạch bạch huyết bị tổn thương có thể dẫn đến tình trạng sưng ở cánh tay và chân. Những tổn thương này thường là kết quả của các phương pháp điều trị ung thư, bao gồm xạ trị, hóa trị và phẫu thuật.

Phù bạch huyết gây tình trạng sưng ở chân hoặc tay của người bệnh
Phù bạch huyết gây tình trạng sưng ở chân hoặc tay của người bệnh
  • Phù phổi: là tình trạng các chất lỏng tích tụ tại các túi khí bên trong phổi, gây ra triệu chứng khó thở, nhất là khi nằm xuống. Một số dấu hiệu khác của phù phổi, bao gồm tim đập nhanh, cảm thấy ngột ngạt, ho ra nước bọt hoặc máu.
  • Phù não: đây là một tình trạng rất nghiệm trọng, xảy ra khi các chất lỏng tích tụ bên trong não. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phù não, chẳng hạn như bị chấn thương ở đầu, tắc nghẽn/vỡ mạch máu, khối u ở não, hoặc một số phản ứng dị ứng khác.
  • Phù hoàng điểm: xảy ra khi các mạch máu trong võng mạc bị tổn thương và làm rò rỉ các chất lỏng vào hoàng điểm của mắt- một bộ phận nằm ở trung tâm của võng mạc.

3. Nguyên nhân gây phù

Tình trạng phù nề thường bắt nguồn từ các vấn đề như vết ong đốt, trật mắt cá chân hoặc nhiễm trùng da. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra phù, bao gồm:

Mức Albumin thấp: hay còn gọi là hạ đường huyết. Thông thường, albumin cùng với các protein khác trong máu giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì các chất lỏng bên trong mạch máu. Nồng độ albumin thấp có thể gây ra phù.

Phản ứng dị ứng: phù là một triệu chứng điển hình nhất của các phản ứng dị ứng. Để đáp ứng lại các chất dị ứng, các mạch máu gần đó sẽ rò rỉ ra các chất lỏng đi vào các khu vực bị ảnh hưởng.

Tắc nghẽn mạch máu: tình trạng này có thể làm xuất hiện các cục máu đông trong tĩnh mạch sâu ở chân, từ đó gây ra hiện tượng phù chân.

Bệnh hiểm nghèo: nhiễm trùng, bỏng hoặc các căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng khác có thể gây ra các phản ứng tạo điều kiện cho chất lỏng rò rỉ vào khắp các mô trong cơ thể. Điều này có thể gây phù nề toàn thân.

Suy tim sung huyết: khi tim hoạt động yếu đi hoặc chức năng bơm máu trở nên kém hiệu quả sẽ khiến tích tụ từ từ các chất lỏng dư thừa, dẫn tới phù chân, phù phổi hoặc bụng.


Suy tim sung huyết là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây phù
Suy tim sung huyết là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây phù

Bệnh gan: các loại bệnh gan nghiêm trọng, như xơ gan sẽ khiến cơ thể bị giữ nước, gây phù chân hoặc bụng. Bên cạnh đó, xơ gan còn làm giảm nồng độ albumin và các protein trong máu.

Bệnh thận: hội chứng thận hư là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng phù chân nghiêm trọng, thậm chí là phù toàn thân.

Thai kỳ: hiện tượng phù chân nhẹ là một triệu chứng khá phổ biến trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, một số biến chứng nguy hiểm khác của thai kỳ, bao gồm tiền sản giật và huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có thể gây ra phù.

Chấn thương ở đầu: các tình trạng như hạ natri máu, say độ cao, khối u ở não hoặc tràn dịch não có thể gây ra phù não, kèm theo một số triệu chứng, như nhầm lẫn, đau đầu, hôn mê và bất tỉnh.

Thuốc: nhiều loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng sưng hoặc phù chân nhẹ. Những loại thuốc này, bao gồm:

  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • NSAID: như naproxen và ibuprofen
  • Corticosteroid: như methylprednisolone và prednisone
  • Pramipexole
  • Rosiglitazone và pioglitazone .

4. Các triệu chứng của phù nề

Thông thường, các triệu chứng của phù nề sẽ tùy thuộc vào tình trạng sưng và khu vực bị sưng của cơ thể.

Các trường hợp bị phù ở một khu vực nhỏ do viêm (ví dụ như vết muỗi đốt) hoặc nhiễm trùng có thể không gây ra các triệu chứng cụ thể. Mặt khác, một phản ứng dị ứng lớn, chẳng hạn như bị ong đốt có thể dẫn đến phù nề trên toàn bộ cánh tay, gây ra các triệu chứng, bao gồm đau và khó cử động được cánh tay.

Bên cạnh đó, các tình trạng như dị ứng thực phẩm hoặc thuốc cũng có thể gây ra phù cổ họng hoặc lưỡi. Triệu chứng nguy hiểm nhất khi bị dị ứng là khó thở, điều này có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Khi bị phù chân, người bệnh sẽ có cảm giác nặng nề ở chân và gặp khó khăn khi di chuyển. Đặc biệt, chứng phù chân nghiêm trọng còn làm cản trở lưu lượng máu, dẫn đến loét da.

Đối với phù phổi có thể gây khó thở, ho và làm giảm nồng độ oxy trong máu.


Tình trạng ho và khó thở có thể gặp trên bệnh nhân phù phổi
Tình trạng ho và khó thở có thể gặp trên bệnh nhân phù phổi

Ngoài ra, có hai kiểu phù nề, gồm:

  • Phù nề rỗ: một số vết lõm hoặc vết thương vẫn tồn tại trong một khoảng thời gian sau khi bạn ấn vào phần da bị phù.
  • Phù nề không rỗ: các mô trở lại hình dáng ban đầu sau khi ấn vào khu vực bị phù.

Đây là các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây chứng phù nề.

5. Điều trị phù nề

Trước hết, để điều trị phù nề, bạn cần tìm ra nguyên nhân cơ bản của nó. Ví dụ như, khi bị phù do dị ứng, bạn phải điều trị bằng thuốc dị ứng.

Đối với chứng phù nề ở chân do cục máu đông sẽ được điều trị bằng thuốc chống đông máu. Loại thuốc này có tác dụng phá vỡ các cục máu đông và giúp ngăn ngừa nguy cơ rò rỉ chất lỏng. Ngoài ra, các khối u chặn máu hoặc hạch bạch huyết có thể được thu nhỏ và loại bỏ thông qua các phương pháp phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.

Phù chân có liên quan đến bệnh gan và suy tim sung huyết có thể được điều trị bằng thuốc lợi tiểu, như furosemide (Lasix). Loại thuốc này giúp kích thích cơ thể đi tiểu nhiều hơn, từ đó làm cho các chất lỏng tích tụ ở chân có thể chảy ngược vào máu.

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế lượng natri nạp vào cơ thể để ngăn ngừa và điều trị hiệu quả các chứng phù nề.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bị phù nề. Do đó, người bệnh cần theo dõi, nắm bắt biểu hiện phù và đến thăm khám bác sĩ sớm nếu bị phù trong thời gian dài, hoặc phù gây khó thở, đau ngực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: webmd.com & healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe