Phụ nữ mang thai dễ bị suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị giãn, phồng lên có màu xanh hoặc tím và có thể nằm nông hoặc nổi ngoằn ngoèo dưới da. Bệnh lý thường xuất hiện ở chân, trực tràng, có khi cả âm hộ. Phụ nữ đang mang thai có nguy cơ cao mắc suy giãn tĩnh mạch.

1. Suy giãn tĩnh mạch là gì?

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý xảy ra do nguyên nhân máu ở tĩnh mạch không chảy theo đường mà trào ngược, ứ đọng ở ngoại vi dẫn đến biến đổi về huyết động, thay đổi các tổ chức mô xung quanh và gây ra các triệu chứng như nặng chân, nhức mỏi và phù nề chân, cảm giác như kiến bò và tê di cảm, chuột rút xảy ra nhiều vào ban đêm...

Bệnh lý có thể xảy ra ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể nhưng phần lớn các trường hợp bệnh xảy ra nhiều ở chân. Nguyên nhân được giải thích là do hệ thống tĩnh mạch ở chi dưới dài và phức tạp, chịu nhiều ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh đi lại nhiều.

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý xảy ra ở nhiều đối tượng, trong đó người có những yếu tố sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường:

  • Người thân trong gia đình có tiền sử bị suy giãn tĩnh mạch;
  • Bà bầu bị giãn tĩnh mạch do sự thay đổi hormone, mang thai đôi hoặc thai ba;
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới;
  • Tuổi tác: Người cao tuổi dễ bị suy giãn tĩnh mạch hơn so với người trẻ tuổi;
  • Thừa cân béo phì;
  • Tính chất công việc ít di chuyển và phải đứng nhiều.

Phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch chân là tình trạng thường gặp
Phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch chân là tình trạng thường gặp

2. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai bị suy giãn tĩnh mạch do các nguyên nhân sau:

  • Sự chèn ép của tử cung: Cùng với sự phát triển lớn dần của thai nhi theo thời gian thì tử cung của mẹ bầu cũng lớn hơn. Tình trạng này làm chèn ép tĩnh mạch lớn bên phải của cơ thể (tĩnh mạch chủ dưới) dẫn đến tăng áp lực chân. Sự giảm lưu thông tuần hoàn do bị tử cung chèn ép cùng với sự tăng áp lực chân là các nguyên nhân làm bà bầu bị giãn tĩnh mạch ở chân.
  • Sự tăng lượng máu trong thời kỳ mang thai: Lượng máu trong cơ thể mẹ tăng lên khi mang thai làm tăng gánh nặng lên các tĩnh mạch chân.
  • Sự tăng nồng độ hormone sinh dục nữ trong thời gian mang thai: Nồng độ hormone progesterone tăng trong thời gian thai kỳ làm sưng và giãn tĩnh mạch, hình thành các tĩnh mạch dạng mạng nhện hay tĩnh mạch hình sợi.
  • Nguy cơ bị suy giãn ở phụ nữ mang thai sẽ cao hơn nếu trong gia đình có thành viên mắc bệnh lý này. Bên cạnh đó, nếu giãn tĩnh mạch chân ở bà bầu xảy ra trước khi mang thai, tình trạng sẽ có xu hướng diễn biến nặng hơn khi độ tuổi tăng lên và khi mang thai.
  • Mẹ bầu mang song thai, đa thai, thừa cân béo phì hoặc tính chất công việc phải đứng nhiều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.

3. Suy giãn tĩnh mạch nguy hiểm như thế nào?

Suy giãn tĩnh mạch không phải là bệnh cấp tính và sự nguy hiểm không xảy ra trong thời gian ngắn. Bệnh lý gây ngứa, đau và có thể chảy máu do vùng da bị suy giãn trở nên mỏng, dễ bị tổn thương.

Tỷ lệ phụ nữ mang thai bị suy giãn tĩnh mạch chân có xuất hiện huyết khối tĩnh mạch nông (cục máu đông gần bề mặt da) không cao. Triệu chứng khi xuất hiện huyết khối tĩnh mạch nông ở người bệnh là nóng, đỏ và đau tại khu vực xung quanh vị trí giãn tĩnh mạch. Tình trạng này không gây nguy hiểm nhiều. Tuy nhiên khi khu vực xung quanh vùng huyết khối bị nhiễm trùng người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt là khi có triệu chứng chân sưng to bất thường, vùng da gần tĩnh mạch đổi màu hay xuất hiện vết loét.

Ngược lại với tình trạng huyết khối tĩnh mạch nông, người bệnh suy giãn tĩnh mạch xuất hiện tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu gây nguy hiểm hơn nhiều, có thể dẫn đến tử vong. Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu được thực hiện dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với siêu âm.

Triệu chứng chính khi xuất hiện huyết khối tĩnh mạch sâu ở người bệnh là sưng đau ở đùi, chân, cơn đau tăng lên khi đứng, kèm theo sốt nhẹ. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai không bị suy giãn tĩnh mạch vẫn có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu, tuy nhiên tỷ lệ không cao.

Bà bầu bị giãn tĩnh mạch nói riêng hay người bệnh suy giãn tĩnh mạch nói chung có xuất hiện huyết khối tĩnh mạch sâu nếu không được điều trị kịp thời, cục máu đông có thể di chuyển lên cao, dẫn đến tắc mạch phổi ( triệu chứng đau khi thở, khó thở, ho, nhịp tim nhanh) và có thể gây tử vong.


Đi bộ là biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch chân
Đi bộ là biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch chân

4. Biện pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch

Một số biện pháp giúp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai như sau:

  • Đi bộ và tập thể dục mỗi ngày giúp cải thiện tuần hoàn, hỗ trợ tiêu hóa;
  • Để chân cao khi ngồi nghỉ ngơi và khi đi ngủ;
  • Không đi giày cao gót, không đứng hoặc ngồi một tư thế trong thời gian dài;
  • Duy trì cân nặng phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của thai kỳ;
  • Nên nằm ngủ nghiêng bên trái và có thể sử dụng một chiếc gối tựa giúp nâng cao chân và giữ tư thế ngủ làm giảm áp lực của tử cung lên tĩnh mạch lớn bên phải ổ bụng;
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và điều độ trong thời gian mang thai để giúp cho hệ tĩnh mạch được khỏe mạnh. Chế độ dinh dưỡng nên bổ sung nhiều vitamin C giúp tăng độ vững bền thành mạch, tăng hệ miễn dịch của cơ thể.

Tóm lại, bà bầu bị giãn tĩnh mạch ở chân nên được điều trị sớm để đem lại hiệu quả và tránh biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe