Phù mạch do thuốc: Những điều cần biết

Phù mạch là tác dụng phụ ít gặp sau khi sử dụng một số loại thuốc. Phù mạch do thuốc có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc biệt là khi bị phù mạch đường hô hấp.

1. Phù mạch do thuốc là gì?

Bệnh phù mạch được định nghĩa là tình trạng đột ngột sưng phồng da, cơ quan dưới da, dưới niêm mạc, đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Phù mạch không để lại rỗ, thường có tính tạm thời (chỉ kéo dài 7 ngày) và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Phù mạch do thuốc có thể do dị ứng hoặc không. Phù mạch dị ứng do IgE và Histamin gây ra. Phù mạch không dị ứng thường do tăng bradykinin, bao gồm do di truyền hoặc do thuốc ức chế men chuyển. Ngoài ra, một số nhóm thuốc, trong đó có nhóm NSAID cũng có thể gây phù mạch dị ứng và phù mạch không dị ứng.

Tùy thuộc vào cơ chế gây bệnh và mức độ nặng của triệu chứng phù mạch mà việc điều trị sẽ khác nhau. Phân theo vị trí giải phẫu, sưng phù đường thông khí là vị trí phù mạch đáng lo ngại nhất do ảnh hưởng tới đường hô hấp. Phù mạch đường hô hấp là tình trạng mạch máu bị giãn thụ động quá mức, gây sưng nề và tăng tiết dịch ở đường hô hấp. Mạch máu giãn, dịch tiết nhiều, đường thở không giãn ra được sẽ làm người bệnh nghẹt thở, có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.


Phù mạch do thuốc
Phù mạch do thuốc

2. Hai dạng phù mạch do thuốc

2.1 Phù mạch dị ứng

Phù mạch dị ứng có thể do thức ăn, nọc độc côn trùng, phấn hoa hoặc thuốc và có đặc điểm là người bệnh đã từng tiếp xúc với chất gây dị ứng trước đó. Các thuốc liên quan tới phù mạch dị ứng gồm: Kháng sinh (phổ biến nhất là nhóm beta-lactam và quinolon), các thuốc ức chế thần kinh cơ và thuốc cản quang chứa iod.

Phù mạch dị ứng gây tăng tính thấm thành mạch, tăng thoát mạch vào các mô. Các tác nhân gây dị ứng khiến tế bào mast (dưỡng bào) tập trung, giải phóng các chất gây viêm như histamine. Quá trình gây viêm liên quan đến IgE được xếp vào phản ứng tuýp 1, có thể gây sốc phản vệ.

Phù mạch dị ứng thường đi kèm nổi mề đay. Điều trị phù mạch dị ứng trên da chủ yếu là dùng thuốc kháng Histamin H1, H2 hoặc glucocorticoid.

2.2 Phù mạch không dị ứng

Phù mạch không dị ứng gây ra bởi 2 nhóm thuốc sau:

Thuốc ức chế men chuyển

Thuốc ức chế men chuyển được sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là người bị hạ huyết áp. Phù mạch gây ra bởi thuốc ức chế men chuyển có tỷ lệ mắc bệnh là 0,1 - 6%. Nguy cơ phù mạch cao hơn ở người có thói quen hút thuốc lá, phụ nữ, da màu, tiền sử dị ứng và trên 65 tuổi. Phù mạch do thuốc ức chế men chuyển thường gây triệu chứng ở môi, vùng ngoại vi và biểu mô đường tiêu hóa. Phản ứng này có thể xuất hiện trong vòng 1 tuần tới vài tháng hay thậm chí là vài năm sau khi bắt đầu điều trị.

Về cơ chế bệnh sinh, thuốc ức chế men chuyển tác động vào các men chuyển hoạt hóa angiotensin ở bộ máy cận tiểu cầu thận và tác động lên những men chuyển khác nằm trên đường hô hấp (tiêu biểu là kininase II - một enzyme chịu trách nhiệm phân hủy bradykinin). Khi kininase bị ức chế, bradykinin tăng cao trong máu. Tiếp theo, bradykinin gây giãn mạch. Hậu quả là mao mạch giãn rộng, máu bị ứ trệ, tăng tính thấm làm tăng thoát dịch ngoại bào, tăng tiết dịch nhầy và tăng phù nề đường thở. Cuối cùng gây phù mạch. Biến chứng này dễ xảy ra hơn với người bị thiếu hụt enzyme carboxypeptidase-N and aminopeptidase-P bẩm sinh (một loại enzyme có chức năng phân hủy bradykinin).

Về việc điều trị, phù mạch do thuốc ức chế men chuyển không liên quan tới histamine nên nó không đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống cho phản ứng liên quan tới IgE. Các khuyến cáo khi mắc phải tình trạng này bao gồm: Dừng thuốc ức chế men chuyển và cung cấp các lựa chọn điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về hiện tượng phù mạch để có biện pháp dùng nhóm thuốc điều trị khác. Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc hay chuyển sang dùng thuốc khác vì có thể gây nguy hiểm.

Phù mạch do thuốc ức chế men chuyển có cơ chế tương tự phù mạch do di truyền nên có thể điều trị bằng cách sử dụng các thuốc điều trị phù mạch di truyền. Đó là Icatibant (Firazyr) - đối kháng với receptor bradykinin B2 và ecallantide (Kalbitor) - chất ức chế kallikrein trong huyết thanh người, có thể làm giảm sản xuất quá mức bradykinin.

Ngoài ra, bệnh nhân phù mạch do thuốc ức chế men chuyển có thể chuyển sang dùng nhóm chẹn receptor angiotensin. Tuy nhiên, cần phải thận trọng vì bệnh nhân vẫn có thể bị phù mạch khi dùng thuốc chẹn receptor angiotensin. Nguyên nhân vì tỷ lệ phản ứng chéo giữa thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn receptor angiotensin là khoảng 7 - 17%.


Phù mạch do thuốc ức chế men chuyển
Phù mạch do thuốc ức chế men chuyển

*Lưu ý: Trong quá trình dùng thuốc ức chế men chuyển, người bệnh không nên dùng chung với các thuốc làm co thắt cơ phế quản, thuốc long đờm, thuốc ức chế ho vì chúng có thể che đậy các triệu chứng sớm hoặc làm nặng thêm biến chứng, tác dụng phụ của thuốc. Đồng thời, người có tiền sử bệnh hen cần tránh những yếu tố gây hen khởi phát trong thời gian dùng thuốc.

Nhóm kháng viêm không steroid (NSAID)

Nhóm NSAID là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau nhóm beta - lactam gây phản ứng quá mẫn. Aspirin là tác nhân phổ biến nhất gây quá mẫn. Phù mạch và nổi mề đay là những tác dụng phụ hay gặp nhất của NSAID. Tác dụng trên mặt trong phù mạch do NSAID chủ yếu xảy da quanh mắt. Tỷ lệ phù mạch gây ra bởi NSAID là 0,1 - 0,3%. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân có tiền sử viêm mũi mạn tính, hen hoặc mề đay thì tỷ lệ phù mạch có thể lên tới 20 - 30%.Về việc điều trị, tăng mẫn cảm với một NSAID là một phản ứng mẫn cảm, nếu xuất hiện trong vòng 30 phút hoặc sớm hơn thì có thể liên quan tới IgE. Cần kiểm tra dung nạp đường uống với Aspirin để xác định xem bệnh nhân dị ứng với chỉ một NSAID hay với tất cả các NSAID. Nếu bệnh nhân dung nạp với Aspirin khi kiểm tra, có thể xác định người bệnh chỉ dị ứng với một nhóm NSAID có cấu trúc hóa học giống nhau chứ không dị ứng với tất cả NSAID. Việc điều trị sẽ là tránh dùng các thuốc NSAID trong nhóm cấu trúc hóa học đó.Các dạng phù mạch khi sử dụng NSAID phổ biến hơn có thể xuất hiện trong vòng 1 giờ tiêu hóa, có thể dự đoán trước được thông qua tăng sản xuất leukotriene tiền viêm liên quan tới ức chế COX 1. Phản ứng này có thể xuất hiện ở lần đầu dùng thuốc. Và bệnh nhân có thể sử dụng thuốc ức chế COX 2 thay thế. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị dị ứng chéo với các thuốc ức chế COX 2. Các bệnh nhân có mẫn cảm chéo với các NSAID có thể dùng Acetaminophen do thuốc này có khả năng ức chế COX 1 mức độ yếu.Ở những bệnh nhân có nhạy cảm với NSAID, trước tiên điều trị bằng liều thấp thuốc kháng histamin không có tác dụng an thần và thuốc kháng receptor leukotriene để dự phòng phù mạch.Để xác định bệnh nhân bị phù mạch do thuốc hay nguyên nhân khác, cần đánh giá tiền sử dùng thuốc, các dị ứng đã biết, đặc điểm thuốc, sự hiện diện của mề đay và vị trí phù mạch. Việc điều trị phù mạch do thuốc bao gồm điều trị nguyên nhân gây phù mạch và ngăn ngừa tái diễn tình trạng này trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe