Phòng và điều trị giãn tĩnh mạch tinh ở tuổi thiếu niên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hệ thống tĩnh mạch ở tinh hoàn giãn to bất thường. Đây là tình trạng phổ biến ở trẻ trai trong độ tuổi thiếu niên. Phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh chủ yếu là những can thiệp ngoại khoa, điều trị nội khoa hầu như không đem lại kết quả.

1. Giãn tĩnh mạch tinh

1.1 Giãn tĩnh mạch tinh là gì?

Giãn tĩnh mạch tinh hay giãn tĩnh mạch thừng tinh là khi hệ thống tĩnh mạch ở tinh hoàn giãn to bất thường. Đây là tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ trai, nhất là khi đến tuổi dậy thì và có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản khi đến tuổi trưởng thành.

Giãn tĩnh mạch tinh được chia thành 4 cấp độ

  • Độ 0: Không có triệu chứng, không quan sát thấy, phát hiện qua siêu âm.
  • Độ 1: Có triệu chứng khi gắng sức.
  • Độ 2: Có thể sờ thấy nhưng không quan sát thấy.
  • Độ 3: Quan sát thấy bằng mắt thường.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gặp ở 14-20% thiếu niên - tỉ lệ tương đương với người lớn. Điều cần lưu ý là trong số này, có khoảng 20% có vấn đề về chức năng sinh sản. Do đây là thời điểm có sự phát triển mạnh về cả cơ thể và cơ quan sinh dục của trẻ. Tinh hoàn phát triển nhanh chóng, gia tăng lượng máu đến tinh hoàn, áp lực cao làm cho các mạch máu trở nên căng và giãn ra. Kích thước mạch máu tăng lên để chứa lượng máu ứ trệ lại tạo cơ hội cho sự trào ngược dòng máu từ tĩnh mạch trung tâm trở lại hệ thống tĩnh mạch tinh.

Thông thường, nhờ những cơ chế trao đổi nhiệt phức tạp, dòng máu đến tinh hoàn được duy trì ở nhiệt độ 33 độ C. Giãn tĩnh mạch tinh làm rối loạn cơ chế này và làm tăng nhiệt độ tinh hoàn, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng. Ngoài ra, nó còn làm mất cân bằng hormone và sự trao đổi oxy trong tinh hoàn. Có 2 loại tế bào trong mô tinh hoàn, tế bào sản xuất tinh trùng và tế bào sản xuất hormone sinh dục nam testosterone. Cả 2 loại tế bào này đều bị ảnh hưởng bởi giãn tĩnh mạch tinh. Ở tuổi thiếu niên, giãn tĩnh mạch tinh còn ảnh hưởng đến sự phát triển của tinh hoàn. Giãn tĩnh mạch tinh không gây ảnh hưởng đến sự cương cứng, kích thước dương vật, ham muốn tình dục, nam tính hay quá trình dậy thì


Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gặp ở 14-20% thiếu niên - tỉ lệ tương đương với người lớn
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gặp ở 14-20% thiếu niên - tỉ lệ tương đương với người lớn

1.2 Nguyên nhân

Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh, có thể có liên quan tới yếu tố di truyền. Do yếu tố giải phẫu tĩnh mạch tinh trong bên phải đổ vào thận phải. Đối với tĩnh mạch tinh trong bên trái đổ vào tĩnh mạch chủ dưới. Do đó, áp lực bên trong lòng tĩnh mạch tinh bên trái cao hơn bên phải và bên trái có nguy cơ giãn bất thường cao hơn.

1.3 Dấu hiệu và triệu chứng giãn tĩnh mạch tinh

Thông thường, giãn tĩnh mạch tinh không có triệu chứng rõ ràng và không được để ý cho đến khi được bác sĩ tình cờ phát hiện nhờ thăm khám tinh hoàn. Một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị giãn tĩnh mạch tinh như:

  • Vùng trên tinh hoàn có xuất hiện một khối những búi giãn ngoằn ngoèo và thấy rõ khi trẻ đứng, giảm khi nằm.
  • Trẻ có cảm giác nặng vùng bìu sau một hoạt động gắng sức hoặc thời tiết nóng nực, và tăng lên thành dấu hiệu đau âm ỉ tinh hoàn bên bị bệnh.

Trong thời kì dậy thì, thể tích tinh hoàn có thể tăng từ 2ml lên đến 16ml. Tinh hoàn được xác định là nhỏ khi thể tích chênh lệch giữa 2 tinh hoàn từ 2ml trở lên. Thể tích này được đo chính xác nhất qua siêu âm tinh hoàn. Ở người trưởng thành, giãn tĩnh mạch tinh có chỉ định mổ khi mà xét nghiệm tinh dịch đồ có bất thường hoặc bệnh nhân có vấn đề về khả năng sinh sản. Ngoài ra, cũng có thể chỉ định mổ khi khối tĩnh mạch tinh giãn rất to hoặc triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. Kích thước của tĩnh mạch tinh giãn cũng là một yếu tố tiên lượng cho chất lượng của tinh trùng và sự phát triển của tinh hoàn.

2. Phòng và điều trị giãn tĩnh mạch tinh


Điều trị giãn tĩnh mạch tinh ở tuổi thiếu niên chủ yếu là can thiệp ngoại khoa
Điều trị giãn tĩnh mạch tinh ở tuổi thiếu niên chủ yếu là can thiệp ngoại khoa

Có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch tinh, với mục tiêu chung là thắt các tĩnh mạch tinh đang giãn bệnh lý. Những phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch tinh đang được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng
  • Thắt tĩnh mạch tinh ngoài phúc mạc
  • Vi phẫu thắt tĩnh mạch tinh đường bẹn.

Chỉ định phẫu thuật trong những trường hợp:

  • Giãn tĩnh mạch tinh gây triệu chứng đau tức vùng bẹn bìu kéo dài ảnh hưởng tới sinh hoạt và khả năng lao động.
  • Giãn tĩnh mạch tinh kết hợp với teo tinh hoàn.
  • Giãn tĩnh mạch tinh phát hiện trên một cặp vợ chồng vô sinh.
  • Giãn tĩnh mạch tinh kèm theo bất thường về tinh dịch đồ.

Những phương pháp này đều là can thiệp tối thiểu, và có thể tái phát lại với tỷ lệ 2-15%. Phẫu thuật ổ bụng có thể gặp thêm một số biến chứng như tràn dịch màng tinh hoàn, teo tinh hoàn, hay đau tức tinh hoàn, tổn thương các tạng trong ổ bụng, nhiễm khuẩn vết mổ,... Thời gian phẫu thuật khoảng 1 giờ đồng hồ và bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.

Đối với giãn tĩnh mạch tinh, điều trị nội khoa không đem lại kết quả. Can thiệp ngoại khoa đã đem lại kết quả tích cực, gia tăng số lượng tinh trùng và tỷ lệ có thai cho vợ chồng bệnh nhân.

Tóm lại, giãn tĩnh mạch tinh là khi hệ thống tĩnh mạch ở tinh hoàn giãn to bất thường. Đây là một tình trạng khá phổ biến ở những bé trai trong độ tuổi thiếu niên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Điều trị giãn tĩnh mạch tinh ở tuổi thiếu niên chủ yếu là can thiệp ngoại khoa và đem lại kết quả tích cực, giúp cho bệnh nhân gia tăng số lượng tinh trùng và tỷ lệ mang thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe