Teo não là một căn bệnh thường hay gặp ở người cao tuổi. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng tới hệ thống thần kinh, làm suy giảm chức năng của não bộ. Gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của người bệnh.
1. Bệnh teo não là gì ?
Teo não là sự mất dần các tế bào thần kinh hoặc mất các kết nối giữa tế bào thần kinh trong bộ não, tế bào não chết đi không thể phục hồi, não bộ giảm dần kích thước. Não bị teo đi chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, lú lẫn, kém tập trung. Người bệnh mất đi khả năng tư duy, nhận thức, làm giảm khả năng vận động của cơ thể.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Teo não thường thấy trong quá trình lão hóa của con người. Vì vậy, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc cao nhất. Khi đến tuổi cao, các tế bào thần kinh sẽ bị thoái hóa giống như các tổ chức khác trong cơ thể con người. Chính vì vậy, dần dần não bộ sẽ mất chức năng, teo nhỏ hoặc chết. Điều này khiến các mô não, kích thước não dần nhỏ lại. Từ đó làm ảnh hưởng lớn đến khả năng ghi nhớ, nhận thức và hành vi của người bệnh. Ngoài ra, teo não ở người già còn do các nguyên nhân khác như:
- Do di truyền: Có nhiều bằng chứng cho thấy, nếu cha hoặc mẹ bị teo não thì con cái của họ cũng có nguy cơ teo não cao hơn người bình thường.
- Do chế độ dinh dưỡng: Thiếu hụt vitamin B12 làm giảm thể tích của não bộ.
- Do chế độ sinh hoạt: Thiếu ngủ, mất ngủ, hút thuốc lá uống nhiều bia rượu.
- Do một số bệnh của hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não như: Bệnh hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch máu hay xơ vữa động mạch.
- Do chấn thương sọ não, đột quỵ ( xuất huyết não, nhồi máu não,...)
- Do các bệnh lý như: Đa xơ cứng, gây viêm, tổn thương myelin hoặc tổn thương trong mô não.
- Do bại não, viêm não, động kinh, nhiễm trùng não hoặc tủy sống...
- Do sử dụng corticoid kéo dài thường xuyên, trong một số bệnh như thấp khớp, bệnh hen suyễn, bệnh dị ứng, bệnh viêm da cơ địa...)
- Bệnh Alzheimer, bệnh động kinh, bệnh pick, bệnh Huntington, Leukodystrophy, bệnh Krabbe, AIDS và bệnh của hệ thống miễn dịch,... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh teo não tuổi già.
3. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
Mất trí nhớ
Đây là triệu chứng đầu tiên và hay gặp nhất trong teo não ở người già. Người bệnh hay quên những sự việc vừa mới xảy ra. Bệnh nhân thường quên ngày tháng, các mối quan hệ, tên người thân trong nhà. Thậm chí, người bệnh còn quên cách thực hiện các hoạt động sống thường ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân,...
Rối loạn nhận thức
Người bệnh sẽ mất dần khả năng định hướng không gian và thời gian. Không xác định được mình đang ở đâu và đang làm gì. Lâu dần, bệnh nhân cũng không thể thực hiện được những phép tính và cách sử dụng đồ vật đơn giản.
Trầm cảm
Triệu chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn sớm nhưng không ổn định. Bệnh nhân luôn có cảm giác sợ hãi, lo âu, tinh thần không ổn định. Trầm cảm do bệnh teo não ở người già cũng khiến họ sinh ra ảo giác hoặc hoang tưởng.
Rối loạn ngôn ngữ
Đây cũng là biểu hiện sớm của chứng teo não tuổi già. Bệnh nhân gặp khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt mong muốn, suy nghĩ của mình. Lâu dần, bệnh nhân cảm thấy khó phát âm, không trôi chảy sau đó mất dần khả năng ngôn ngữ.
Rối loạn phối hợp động tác
Người bệnh không để ý đến vệ sinh cá nhân hàng ngày như tắm rửa, thay quần áo, đánh răng. Những người bệnh nặng còn không thể tự ăn uống hay vệ sinh cá nhân được mà phải phụ thuộc vào người khác.
4. Cách phòng ngừa bệnh teo não người già
Teo não ở người già rất khó chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể chủ động phòng bệnh khi còn khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể làm chậm quá trình teo não. Để phòng ngừa bệnh, cần có chế độ ăn hợp lý kết hợp với chế độ sinh hoạt, vận động lành mạnh.
Chế độ ăn uống: Bổ sung các loại vitamin E,C...trong các loại trái cây và rau anh, nhất là vitamin B12. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là omega-3 để duy trì kích thước và tăng cường hoạt động của não bộ. Hạn chế ăn đồ hộp và các loại thức ăn nhanh, đồ uống có ga. Không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
Chế độ sinh hoạt, vận động: Tập thể dục thường xuyên như chạy bộ, đạp xe, yoga...giúp cho não bộ được hoạt động, giảm nguy cơ mắc bệnh. Luôn duy trì thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc, làm cho não được thư giãn, nghỉ ngơi. Tránh căng thẳng, lo âu để hạn chế rối loạn chức năng, suy giảm trí nhớ. Tập thể dục cho não dưới một số hình thức như học tập, đọc sách, nghe nhạc, chơi cờ...
Việc phòng ngừa bệnh teo não tuổi già rất quan trọng. Nếu như phòng ngừa từ sớm thì sẽ làm chậm quá trình teo não, từ đó làm giảm các triệu chứng, biến chứng của bệnh. Vì thế, cần phải có chế độ ăn uống điều độ, sinh hoạt khoa học ngay từ khi còn trẻ để não bộ luôn khỏe mạnh. Thăm khám sức khỏe thường xuyên nhằm phát hiện ra dấu hiệu bất thường để có các giải pháp can thiệp phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.