Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có tới 17.2 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới tim mạch. Do vậy, mỗi người cần nắm được các cách phòng ngừa bệnh tim mạch để tự bảo vệ cho sức khỏe bản thân và những người thân yêu.
1. Tầm quan trọng của việc chủ động phòng tránh bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch bao gồm các bệnh: Suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp,... Đây là nhóm bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, số người mắc bệnh tim mạch hiện ngày càng nhiều, tỷ lệ tử vong cũng ngày càng tăng cao. Do đó, mỗi người cần có biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
2. Tìm hiểu 10 cách phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả
2.1 Giao tiếp với nhiều người
Gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động giao tiếp với nhiều người bên ngoài được xem là liều thuốc giúp bạn giảm căng thẳng. Từ đó, bạn sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch đáng kể so với những người sống cô độc, ít giao tiếp. Đây là kết quả của 1 nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Đại học Chicago.
Nghiên cứu của đại học Harvard trên 1.300 người mạnh khỏe trong vòng 10 năm cho thấy những người có lối sống lạc quan, yêu đời và hay cười ít mắc các vấn đề về tim mạch hơn so với những người bi quan, ít cười.
2.2 Tăng cường sử dụng acid folic
Một nghiên cứu được công bố trên British Medical Journal cho thấy những người sử dụng acid folic đều đặn mỗi ngày theo khuyến cáo thì có tỷ lệ mắc bệnh tim thấp hơn 16% so với những người thiếu chất này trong khẩu phần ăn. Do đó, bạn nên ưu tiên bổ sung những thực phẩm giàu acid folic vào chế độ ăn hằng ngày như ngũ cốc, đậu, gan, trứng, rau lá xanh, hoa quả thuộc họ cam quýt,...
2.3 Không hút thuốc lá
Những chất độc hại có trong khói thuốc dễ làm tổn thương các mạch máu và tim, gây xơ vữa động mạch. Chất nicotin trong thuốc lá có thể làm tim đập nhanh và tăng huyết áp, khiến mỡ tụ lại trong thành mạch, đóng cục và làm tắc nghẽn mạch máu. Đó là lý do chúng ta không nên hút thuốc lá để hệ tim mạch luôn khỏe mạnh.
2.4 Chăm chỉ vệ sinh răng miệng
Việc chăm chỉ sử dụng nước súc miệng, đánh răng thường xuyên và đúng cách sẽ làm giảm lượng vi khuẩn trong miệng. Điều đó có hiệu quả vượt trội trong việc giảm thiểu nguy cơ đột quỵ tim.
2.5 Phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách sử dụng tỏi
Ngoài tác dụng làm giảm cholesterol và các bệnh nhiễm trùng thì tỏi còn giúp giảm thiểu tình trạng tổn thương tim ở bệnh nhân sau phẫu thuật tim và người bị nhồi máu cơ tim. Một nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy những động vật được sử dụng tỏi hằng ngày ít bị các gốc tự do tấn công vào tim hơn.
2.6 Sử dụng chocolate đen
Cacao trong chocolate đen có chứa các flavonoid giúp máu lưu thông tốt và không bị vón cục. Ít nhất 30% chất béo trong chocolate là acid oleic, có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Đây cũng là 1 chất béo đơn không bão hòa được tìm thấy trong dầu oliu. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh tim mạch, bạn nên sử dụng chocolate đen vì nó có chứa nhiều flavonoid.
2.7 Sử dụng mật ong
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois đã phát hiện ra rằng trong mật ong có chứa nhiều chất có tác dụng chống oxy hóa, giúp phòng chống được các bệnh tim mạch. Những người dùng mật ong đều đặn ít mắc bệnh tim mạch hơn so với những người không sử dụng. Trong khi đó, những người thường dùng đường có nồng độ cholesterol HDL (cholesterol tốt) bị giảm đi, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn. Do đó, nếu được thì bạn nên thay đường bằng mật ong khi cần.
2.8 Phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách tránh khí CO
Phần lớn những vật dụng sinh hoạt trong gia đình như máy giặt, máy sấy,... đều có thể gây rò rỉ một lượng nhỏ khí monoxide carbon (CO) trong nhà. Trong khi một lượng lớn khí CO có thể gây tử vong trong vài giờ thì việc tiếp xúc với một lượng nhỏ khí CO trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ vón cục máu, dẫn tới các tai biến tim mạch. Để phòng ngừa nguy cơ này, bạn nên đảm bảo không gian sinh hoạt của gia đình mình luôn thông thoáng và sử dụng thêm các thiết bị phát hiện khí CO trong phòng ngủ.
2.9 Phòng bệnh béo phì, chăm tập thể thao
Những người bị béo phì dễ mắc bệnh tim vì tim phải làm việc cật lực hơn để nuôi dưỡng các tế bào trên cơ thể. Lâu dần, tim sẽ suy yếu đi. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh tim thì mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp, giữ cân nặng đạt chuẩn, tránh béo phì.
Bên cạnh đó, việc luyện tập thể dục thể thao điều độ cũng giúp điều hòa huyết áp, tim mạch và giúp tim co bóp tốt hơn. Do vậy, để có vóc dáng đẹp và tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bạn nên chọn những môn thể thao phù hợp với sức khỏe, luyện tập đều đặn mỗi ngày.
2.10 Khám sức khỏe thường xuyên
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát huyết áp, hàm lượng đường trong máu, hàm lượng cholesterol trong máu, điều trị các bệnh có nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch,... là ưu tiên quan trọng để bạn tránh mắc phải bệnh tim mạch. Theo lời khuyên của bác sĩ, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng/lần. Nếu có các bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao,... thì bạn cần theo dõi sức khỏe thường xuyên hơn, kết hợp với việc thay đổi chế độ sinh hoạt và dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Áp dụng các cách phòng ngừa bệnh tim mạch kể trên sẽ giúp mỗi người có sức khỏe tốt, vóc dáng chuẩn, không còn lo lắng tới nguy cơ phải đối diện với các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, nếu có các dấu hiệu mắc bệnh tim mạch, bệnh nhân nên đi khám ngay để được chẩn đoán xác định và có hướng điều trị tích cực, kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.