Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, Bác sĩ Nội thận - Lọc máu - Ghép thận, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh thận do đái tháo đường là tình trạng suy giảm chức năng thận xảy ra ở một số bệnh nhân bị đái tháo đường. Điều này có nghĩa là thận của bạn không có khả năng hoạt động tốt như bình thường, bao gồm thải các sản phẩm chuyển hóa của cơ thể và nước dư thừa. Những sản phẩm thải này tích tụ trong máu của bạn và gây tổn thương cho những cơ quan khác.
1. Nguyên nhân của bệnh là gì?
Những nguyên nhân của bệnh thận do đái tháo đường thì phức tạp và liên quan đến nhiều yếu tố. Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi tuần hoàn máu đến và trong cầu thận (đơn vị lọc của thận) có thể đóng vai trò chính.
2. Có phải một số người dễ mắc bệnh thận đái tháo đường hơn người khác?
Đúng vậy. Có những yếu tố nguy cơ sau làm dễ mắc bệnh thận đái tháo đường hơn: huyết áp cao, kiểm soát đường huyết kém, khuynh hướng di truyền và chế độ ăn.
3. Tôi bị đái tháo đường. Làm sao biết thận của tôi đã bị ảnh hưởng?
Ở giai đoạn sớm của bệnh thường bệnh nhân không có triệu chứng gì. Khi chức năng thận đã giảm đáng kể, chất thải chuyển hóa của cơ thể ứ đọng trong máu, bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu vùng dạ dày, buồn nôn, nôn, không ngon miệng, nấc cục và tăng cân do ứ nước. Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể bị suy tim và ứ nước ở phổi gây khó thở.
4. Những xét nghiệm nào cần làm nếu tôi có bệnh thận?
Chẩn đoán bệnh được dựa trên làm xét nghiệm nước tiểu, có lượng protein tăng bất thường. Ngoài ra, xét nghiệm máu cần làm gồm đo lượng ure, creatinine trong máu. Hai chỉ số này thường không tăng trong giai đoạn sớm của bệnh, cho đến khi chức năng thận suy nhiều. Những xét nghiệm khác nhạy hơn như: độ thanh lọc creatinine, độ lọc cầu thận (GFR) và albumin trong nước tiểu.
Ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, chẩn đoán giai đoạn sớm của bệnh thận dựa trên đo lượng albumin trong nước tiểu (microalbuminuria). Cần những phương pháp đặc biệt để đo lượng nhỏ albumin này. Khi bệnh nhân tiểu lượng lớn albumin (protein) đủ để phát hiện qua các xét nghiệm nước tiểu thường quy, bệnh nhân được gọi là có bệnh thận đái tháo đường trên lâm sàng.
5. Cần bao lâu để thận bị ảnh hưởng do đái tháo đường?
Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường type I có bằng chứng thay đổi chức năng thận trong vòng 2 đến 5 năm sau chẩn đoán. Khoảng 30-40% diễn tiến đến suy thận nặng, thông thường trong khoảng 10-30 năm.
Với đái tháo đường type 2 thì không được biết rõ thời gian, nhưng các chuyên gia nghĩ rằng cũng tương tự type I, trừ khi nó xảy ra ở độ tuổi rất lớn.
6. Tôi có thể làm gì để phòng ngừa bệnh thận?
Nhiều bằng chứng cho thấy rằng kiểm soát tốt đường huyết giúp ngăn ngừa bệnh thận do đái tháo đường. Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ thuốc men bác sĩ kê toa và chế độ ăn uống để kiểm soát tốt mức đường huyết của bản thân.
7. Nếu thận của tôi đã bị ảnh hưởng, tôi có thể làm gì để chúng không nặng hơn?
Bạn có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh thận diễn tiến nặng hơn. Vì huyết áp cao là yếu tố nguy cơ làm bệnh thận nặng hơn ở bệnh nhân đái tháo đường, bạn cần dùng thuốc hạ áp đúng cách để giữ mức huyết áp tốt cho thận. Bác sĩ cũng tư vấn cho bạn chế độ ăn giảm lượng protein, việc này giúp thận của bạn làm việc không quá tải. Bạn cũng cần tuân thủ chế độ dùng đúng các thuốc được kê toa.
8. Có những phương pháp điều trị mới nào có thể giúp cho bệnh của tôi?
Có phương pháp. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc điều trị hạ huyết áp gọi là nhóm ức chế men chuyển có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển nặng của bệnh thận do đái tháo đường. Những thuốc này giúp ổn định huyết áp của bạn, và cũng làm giảm áp lực bên trong cầu thận của thận (bộ phận lọc của thận). Chúng cũng cho thấy tác dụng có lợi của chúng không liên quan đến việc thay đổi mức huyết áp. Bệnh nhân dùng thuốc này cũng giúp làm giảm lượng đạm (protein) trong nước tiểu. Bạn có thể hỏi thêm bác sĩ về nhóm thuốc này nếu chúng có thể giúp cho bệnh của mình.
9. Có bao nhiêu bệnh nhân bị bệnh thận đái tháo đường bị suy thận hoàn toàn?
Khoảng 30% bệnh nhân đái tháo đường type I và khoảng 10 – 40% bệnh nhân đái tháo đường type II bị bệnh thận đái tháo đường đi đến giai đoạn cuối, cần điều trị để duy trì sự sống. Trong những nhóm dân số cụ thể, như người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Âu và người Mỹ gốc Ấn, có nguy cơ bị suy thận do đái tháo đường hơn so với người Mỹ da trắng.
10. Nếu thận của tôi bị suy, tôi có thể làm gì?
Nếu thận của bạn bị suy nặng, bạn có thể được chỉ định lọc máu hoặc ứng cử viên của ghép thận. Hiện tại có hai phương pháp lọc máu – chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. bác sĩ của bạn sẽ thảo luận với bạn về các phương pháp này và đưa ra lựa chọn phù hợp với bệnh nhân. Quyết định phù hợp nhất với bạn sẽ dựa trên tình trạng bệnh lý, hoàn cảnh sống và những lựa chọn thích hợp của cá nhân bệnh nhân.
Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.