Tại ngày hội chăm sóc sức khỏe phụ nữ với chủ đề : “Những dấu hiệu đáng lưu ý và tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư phụ khoa”. TS.BS Nguyễn Thị Từ Vân – một trong những chuyên gia sản phụ khoa tại TP.HCM đã giải đáp rất nhiều câu hỏi về việc phát hiện và phòng chống ung thư phụ khoa. Dưới đây là nội dung các câu hỏi:
Điểm khác nhau giữa Pap Thinprep và Pap smear là gì?
Pap smear là xét nghiệm tế bào CTC cổ điển. Bác sĩ sẽ lấy tế bào từ CTC bằng que gỗ trải lên miếng kiếng, sau đó phòng xét nghiệm sẽ nhuộm và quan sát tế bào dưới kính hiển vi. Nhược điểm của phương pháp này là khi lấy mẫu chất nhày và máu từ CTC và các tế bào có thể chồng lên nhau nên có thể bỏ sót một số tế bào bất thường (âm tính giả). Hơn nữa, kết quả phụ thuộc nhiều vào trình độ, chủ quan của người đọc.
Pap Thinprep lấy mẫu bằng chổi (nên được nhiều tế bào hơn), bảo quản trong dung dịch chuyên biệt nên ít bị hư tế bào. Khi xử lý ở phòng thí nghiệm, các chất nhày và tế bào máu bị loại bỏ nên chỉ có các tế bào của CTC được trải mỏng lên lam kính để đọc. Kết quả xét nghiệm đọc bằng hệ thống phóng đại tự động nên ít bị sót, nhầm. Quy trình này giảm rất nhiều trường hợp âm tính giả, bỏ sót bệnh. Mặt khác, nếu thấy nghi ngờ nhiễm HPV, có thể lấy tế bào từ mẫu cố định làm thin prep để làm PCR DNA khẳng định có bị nhiễm HPV liên quan với UT CTC không.
Muốn phát hiện được UT vú sớm chị em cần biết tự khám vú cho mình và khám thường xuyên mỗi tháng 1 lần.
Có những cách nào để phát hiện ung thư vú tại nhà?
Muốn phát hiện hay chẩn đoán ung thư vú cần phải làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý, bà con mình hay gọi là thử thịt. Để làm được xét nghiệm này phải đến bệnh viện hay các phòng khám chuyên khoa. Tại đây bác sĩ sẽ phải mổ lấy khối u, hay dùng một cây kim như kim chích thuốc lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Phương pháp dùng kim chích lấy mẫu thử được gọi là sinh thiết bằng kim (FNA). Như vậy chắc chắn không thể khám tại nhà mà phát hiện được UT vú. Tuy nhiên, khi tự khám cho mình tại nhà, phụ nữ có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường như sờ được khối u nhỏ ở vú, thấy chảy dịch ở núm vú ngoài thời kỳ cho con bú, thay đổi màu da ở vú... Khi đó, chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn ngay. Người ta thấy rằng khoảng 50% số phụ nữ bị UT vú đến khám lần đầu do tự sờ được khối u ở vú. Như vậy, muốn phát hiện được UT vú sớm chị em cần biết tự khám vú cho mình và khám thường xuyên mỗi tháng 1 lần. Khi có điều kiện, chị em từ 35 tuổi trở lên nên khám vú định kỳ hàng năm ở bệnh viện.
Có một phụ nữ 56 tuổi đã mãn kinh 5-6 năm. Ba năm trước bà được phát hiện có 1 nang nước ở buồng trứng phải, kích thước 35-40 mm. Năm nay, siêu âm cho thấy nang đã to hơn thêm 15mm, không đau bụng hay khó chịu. Bà rất sợ bị mổ, vậy theo bác sĩ có thuốc gì uống cho hết hay khỏi mổ được không?
Ở tuổi này và đã mãn kinh 5-6 năm, nang buồng trứng của bà chắc chắn là u nang thực thể, nghĩa là loại nang bệnh, không tự hết hay uống thuốc mà khỏi được. Có thể bà nghe nói có ai đó cũng bị nang nước ở buồng trứng, sau khi uống thuốc 3-4 tháng thì không còn nang nước nữa. Thực ra người này nhiều khả năng vẫn chưa mãn kinh, khi chị ta bị rối loạn kinh nguyệt hay đau bụng đi khám mới phát hiện ra u nang ở buồng trứng. Trong trường hợp này, u nang của bà là nang chức năng, gây ra do rối loạn chức năng của buồng trứng. Khi nang tăng kích thước đột ngột hoặc do chảy máu ở trong nang làm cho người phụ nữ cảm thấy hơi đau ở bụng dưới. Loại nang này có thể tự hết khi cơ thể điều chỉnh được chức năng buồng trứng. Nếu chẩn đoán là nang chức năng, bác sĩ có thể cho thuốc nội tiết như là thuốc ngừa thai để giúp cơ thể điều chỉnh chức năng của buồng trứng và để theo dõi sự thay đổi của nang. Còn nếu là nang xuất huyết thì bác sĩ có thể cho thêm thuốc giúp cho tan máu trong nang và giảm phản ứng viêm để hết đau bụng.
Bà đã mãn kinh lâu rồi thì không còn rụng trứng nữa, buồng trứng đã nghỉ làm việc nên không còn bị rối loạn chức năng để có thể bị nang chức năng. U nang buồng trứng của bà là u thực thể, chỉ có mổ mới hết bệnh thôi. Một lý do quan trọng nữa, bà nên đi mổ là u nang có thể phát triển thành ung thư buồng trứng. Trong các loại u nang thường gặp: U nước, u nhày, u bì thì nguy cơ UT từ u nước là cao nhất. Khi mổ, bác sĩ sẽ lấy khối u gửi xét nghiệm để xác định u lành hay u ác. Nếu phát hiện u ác thì sau đó bệnh nhân sẽ được điều trị tiếp. Rất nhiều bệnh nhân được chữa khỏi khi phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đọan sớm. Còn nếu đây là khối u lành tính thì bà sẽ yên tâm, không còn lo lắng nữa. U nang của bà còn nhỏ, theo mô tả thì nhiều khả năng là u lành, vì vậy có thể mổ nội soi lấy trọn khối u được. Bà hãy yên tâm đi mổ để hết bệnh, sống vui, sống khỏe.
Tôi 40 tuổi, bị đau bụng dưới, được chẩn đoán viêm đường tiết niệu, điều trị không khỏi. Biểu hiện này có ảnh hưởng đến phụ khoa hay gây ra các bệnh phụ khoa không?
Viêm đường tiểu là bệnh lý thuộc về hệ tiết niệu, gồm có bệnh từ thận xuống niệu quản (đường dẫn nước tiểu xuống bọng đái), bọng đái, niệu đạo (đường dẫn nước tiểu ra ngoài khi đi tiểu). Như vậy, viêm đường tiểu là cách nói chung chung, không chỉ rõ bệnh ở bộ phận nào trong hệ thống tiết niệu. Nếu bạn uống thuốc không khỏi, cần tái khám với bác sĩ chuyên khoa. Trong hệ thống tiết niệu, bọng đái và niệu đạo nằm sát với tử cung, buồng trứng, âm đạo. Lỗ niệu đạo, còn gọi là lỗ tiểu, nằm rất gần với lỗ âm đạo, chỉ cách nhau khoảng 1cm chung trong âm hộ. Bởi vậy, khi âm đạo bị viêm, vi khuẩn, vi nấm có thể lây qua lỗ tiểu làm viêm lỗ tiểu. Người bị viêm lỗ tiểu thường có triệu chứng tiểu đau, tiểu lắt nhắt, đi tiểu liên tục, khó giữ được nước tiểu gọi là tiểu són... Vì vậy, khi bị viêm niệu đạo thường nên kiểm tra âm đạo, CTC để xem nguồn bệnh có xuất phát từ bên phụ khoa không. Ngược lại, một số bệnh phụ khoa như viêm âm đạo do nấm tái phát nhiều lần đôi khi cũng liên quan với nguồn bệnh từ bên bọng đái.