Phôi hình thành và làm tổ như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hàng tháng, các cơ quan sinh sản ở một người phụ nữ khỏe mạnh chuẩn bị trứng để chuẩn bị cho quá trình thụ thai. Sự tương tác phức tạp giữa tuyến yên, buồng trứng và tử cung đã tạo ra môi trường hoàn hảo cho sự rụng trứng để tinh trùng và trứng gặp nhau, sau đó trứng được thụ tinh, di chuyển vào tử cung và hình thành thai nhi. Nếu trứng không gặp tinh trùng, thì sẽ hiện hiện tượng kinh nguyệt.

1. Sự thụ tinh là gì?

  • Sự thụ tinh là sự kết hợp giữa một tế bào đực (tinh trùng) và một tế bào cái (noãn) để hình thành một tế bào mới là trứng được thụ tinh hay còn gọi là hợp tử. Hợp tử là cá thể mới hình thành và phát triển ở giai đoạn sớm nhất. Ở người, bình thường quá trình thụ tinh xảy ra ở 1/3 ngoài vòi trứng.
  • Sự thụ thai là sự thụ tinh kèm theo sau đó là sự làm tổ của trứng.
  • Sau khi làm tổ trứng phát triển thành thai và các phần phụ của thai (bánh rau, màng rau, dây rau và nước ối).

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Quá trình hình thành phôi thai

Có khoảng 200 triệu tinh trùng trong mỗi lần phóng tinh vào âm đạo.

Cổ tử cung trước đó được bịt kín bởi một nút chất nhầy đặc quánh, dưới ảnh hưởng của estradiol được sinh ra từ nang trứng trong quá trình phát triển sẽ trở nên loãng hơn vào giai đoạn trước rụng trứng cho phép những tinh trùng di động nhanh nhất và mạnh nhất đi qua, số còn lại nằm lại vùng cổ tử cung và túi cùng âm đạo.

Nói chung, có khoảng vài triệu tinh trùng đến được gần noãn trong thời gian thích hợp vì tinh trùng có thể sống tới 1 tuần sau khi phóng còn noãn chỉ sống được hai ngày sau khi rụng. Khi tinh trùng vượt qua màng trong suốt của noãn, một sự hoà hợp vỏ bọc noãn và vỏ bọc thân tinh trùng xảy ra, nhân tinh trùng hoàn toàn được đưa vào trong bào tương noãn, đuôi rời khỏi đầu bị giữ lại bên ngoài màng trong suốt, một phản ứng vỏ noãn sẽ ngăn chặn không cho một tinh trùng nào khác được lọt vào chất noãn. Xuất hiện trong noãn một tiền nhân đực và một tiền nhân cái. Hai tiền nhân này tiếp tục phát triển riêng rẽ, sau đó xích lại gần nhau và hoà lẫn thành một sau khi cởi bỏ hoàn toàn màng bọc nhân. Kết quả là một tế bào mới được hình thành để phát triển thành thai và các phần phụ của thai, có đầy đủ bộ nhiễm sắc thể (46) gọi là trứng. Trứng phát triển và phân bào ngay.

Giới tính của thai được quyết định ngay khi thụ tinh. Nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính Y thì sẽ phát triển thành thai trai (46XY). Ngược lại nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính X thì sẽ phát triển thành thai gái (46 XX).


Có khoảng 200 triệu tinh trùng trong mỗi lần phóng tinh vào âm đạo
Có khoảng 200 triệu tinh trùng trong mỗi lần phóng tinh vào âm đạo

3. Quá trình di chuyển của trứng

  • Phôi di chuyển từ 1/3 ngoài vòi trứng vào trong buồng tử cung để làm tổ.
  • Thời gian dịch chuyển của phôi: 3 - 4 ngày. Sau khi vào được trong buồng tử cung phôi còn sống tự do 2 - 3 ngày rồi làm tổ.
  • Cơ chế di chuyển: Do nhu động của vòi trứng, hoạt động của nhung mao niêm mạc vòi trứng và luồng chất dịch di chuyển trong ổ bụng có hướng từ loa vòi trứng vào buồng tử cung.

4. Phôi làm tổ như thế nào?


Trứng bắt đầu làm tổ từ ngày 6 - 8 sau khi thụ tinh và kéo dài 7 - 10 ngày
Trứng bắt đầu làm tổ từ ngày 6 - 8 sau khi thụ tinh và kéo dài 7 - 10 ngày

Quá trình làm tổ của phôi thai diễn ra như sau:

  • Phôi bắt đầu làm tổ từ ngày 6 - 8 sau khi thụ tinh, thời gian làm tổ kéo dài 7 - 10 ngày, kết thúc quá trình làm tổ vào ngày 13 - 14 sau khi thụ tinh.
  • Vị trí làm tổ của phôi thai thường ở đáy tử cung. Nếu phôi làm tổ ở các vị trí thấp, đặc biệt là ở sát eo tử cung sẽ trở thành rau tiền đạo.
  • Niêm mạc tử cung khi phôi di chuyển vào buồng tử cung đang ở giai đoạn phát triển đầy đủ nhất để chuẩn bị cho trứng làm tổ (giai đoạn hoài thai).
  • Quá trình làm tổ: Phôi nang dính vào niêm mạc tử cung, các chân giả của lá nuôi bám vào niêm mạc, gọi là hiện tượng bám rễ. Các tế bào của lá nuôi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc tử cung và phôi nang chui sâu qua lớp biểu mô. Ngày 9 - 10 phôi nang chui qua lớp biểu mô trụ nhưng chưa sâu trong lớp đệm, bề mặt chưa được phủ kín. Ngày 11 - 12 phôi nang hoàn toàn nằm trong lớp đệm. Ngày 13 - 14 lớp biểu mô phát triển phủ kín vị trí trứng làm tổ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com; Ucsfhealth.org; Medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe