Phình đại tràng ở trẻ em

Phình đại tràng ở trẻ em là tình trạng khá thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh này là một nguyên nhân gây ra táo bón kéo dài ở trẻ.

1. Thế nào là phình đại tràng?

Bệnh phình đại tràng là sự giãn nở bất thường của đại tràng mà không phải nguyên nhân do tắc nghẽn cơ học. Đi kèm với sự giãn nở bất thường này là tình trạng giảm các nhu động bình thường của đường ruột. Khi giảm nhu động ruột sẽ khiến phân di chuyển chậm lại và bị tái hấp thu hết nước ở đại tràng khiến chúng trở nên khô cứng hơn rất nhiều, rất khó có thể thải ra ngoài. Lâu ngày thì phân cứ thế tích tụ ngày một nhiều khiến đại tràng bị phình ngày một nặng.

2. Nguyên nhân gây ra phình đại tràng ở trẻ em?

Trẻ em bị phình đại có rất nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Đôi khi, người ta cũng không tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh phình đại tràng ở trẻ.

Một số nguyên nhân thường gặp gây phình đại tràng ở trẻ em gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiêu hoá: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Những tác nhân vi sinh có thể dẫn tới bệnh gồm vi khuẩn như Clostridium difficile, Salmonella, Shigella và Campylobacter hay ký sinh trùng như Trypanosoma cruzi (thường được gọi là bệnh Chagas) và Entamoeba histolytica( lỵ amip).
  • Phình đại tràng bẩm sinh: Tình trạng này hay còn được gọi là Hirschsprung. Đây là tình trạng rất hiếm gặp, tỷ lệ gặp ở nam nhiều hơn nữ. Bệnh phình đại tràng bẩm sinh gây ra do thiếu các tế bào thần kinh trong cơ ở đại tràng của trẻ, dẫn đến khi phân được đẩy từ phần khác đến thì không có nhu động ruột đẩy đi và gây tình trạng tắc nghẽn ruột. Bệnh này có thể gặp với tỷ lệ cao hơn ở những trẻ có người trong một gia đình mắc bệnh, mắc các bệnh bẩm sinh khác... Đây là một tình trạng cần được phát hiện và điều trị đúng kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm như thủng đại tràng...
  • Sử dụng một số loại thuốc: Trong một số trường hợp hiếm, bệnh có thể là tác dụng phụ của thuốc. Đáng chú ý nhất, các loại thuốc như Risperidone, Clozapine, Loperamide.
  • Một số nguyên nhân khác: Các nguyên nhân khác có thể gây ra như mất cân bằng điện giải, suy giáp, sau khi tiến hành một cuộc phẫu thuật lớn.

3. Dấu hiệu nhận biết phình đại tràng ở trẻ em

  • Đối với trường hợp phình đại tràng bẩm sinh có thể thấy các biểu hiện ngay sau sinh như: Không đi phân su 24h sau sinh, bụng chướng căng, nôn, nôn ra dịch màu xanh nâu, trẻ quấy khóc khó chịu, đại tiện rất nhiều khi được kích thích. Có những trường hợp nhẹ có thể biểu hiện khi trẻ lớn hơn như thường xuyên táo bón, khó chịu, buồn nôn, bụng chướng nhẹ, kèm theo suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất.
  • Đối với trẻ lớn hơn, các dấu hiệu có thể bao gồm: bụng chướng, táo bón kéo dài, trẻ không thể tự đi đại tiện mà phải tiến hành tháo thụt thường xuyên, phân có màu đen, mùi thối khẳn và trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi, kém phát triển.

Phình đại tràng ở trẻ em thường gây táo bón kéo dài khi trẻ lớn hơn
Phình đại tràng ở trẻ em thường gây táo bón kéo dài khi trẻ lớn hơn

4. Chẩn đoán phình đại tràng ở trẻ em

Khi khai thác được trẻ có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh phình đại tràng. Thì có thể tiến hành thêm một số biện pháp cận lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác bệnh, cũng như có phải phình đại tràng bẩm sinh hay không. Một số biện pháp cận lâm sàng như:

  • Chụp Xquang bụng sử dụng chất cản quang: Chất cản quang được đưa vào đại trang bằng ống dânc đặc biệt. Chất cản quang giúp khi chụp Xquang sẽ phát hiện sự tương phản rõ ràng giữa phần bị phì đại và phần ruột bình thường.
  • Đo khả năng kiểm soát của cơ quanh trực tràng: Phương thức đo áp lực thường được thực hiện ở trẻ lớn và người lớn. Thực hiện bằng cách thổi phồng một quả bóng bên trong trực tràng, thì các cơ xung quanh thường sẽ nới lỏng. Nếu không thể giãn rộng thì có khả năng là trẻ bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh.
  • Sinh thiết đại tràng: Giúp phát hiện đây có phải phình đại tràng bẩm sinh hay không. Bởi khi quan sát sẽ xác định có các tế bào thần kinh hay không.

5. Điều trị phình đại tràng ở trẻ như thế nào?

Việc điều trị tùy vào tình trạng và mức độ của bệnh mà có những biện pháp điều trị phù hợp.

  • Nếu bệnh ở mức độ nhẹ: Thường được chỉ định dùng thuốc kết hợp với một chế độ ăn uống khoa học.
  • Bệnh phình đại tràng nặng, nhất là các trường hợp phình đại tràng ở trẻ sơ sinh diễn tiến nặng, trẻ sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp bằng phẫu thuật.

Phình đại tràng ở trẻ có thể tác động không nhỏ tới sự phát triển tinh thần và thể chất ở trẻ nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách. Đặc biệt phình đại tràng bẩm sinh nặng còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nên khi trẻ có các biểu hiện bất thường nên cho trẻ tới cơ sở y tế thăm khám sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe