Phẫu thuật u ngoài màng cứng tủy sống - rễ thần kinh

U tủy có thể là nguyên phát hoặc thứ phát, lành tính hoặc ác tính. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh u tủy sống. Trong đó, phẫu thuật u ngoài màng cứng tủy sống - rễ thần kinh là phương pháp đang được chỉ định rộng rãi cho bệnh nhân u tủy.

1. Sơ lược về u tủy

U tủy là một bệnh lý hiếm gặp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2% trên tổng số các loại khối u trên cơ thể nói chung và chiếm tỷ lệ 15% trong số các loại u thuộc hệ thống thần kinh trung ương.

Có nhiều cách phân loại u tủy, cụ thể là:

  • Theo định khu:
    • U vùng cột sống cổ: Chiếm tỷ lệ dưới 25%, hay gặp dạng u nội tủy;
    • U vùng cột sống ngực: Chiếm tỷ lệ trên 65%;
    • U vùng cột sống thắt lưng - xương cùng: Chiếm tỷ lệ 15 - 25%, hay gặp dạng u rễ thần kinh;
  • Theo tổ chức học: Chia thành 2 nhóm:
    • Theo kinh điển: Gồm u nguyên phát (u nguyên bào tủy, u mạch máu, u màng ống nội tủy, u nguyên bào thần kinh đệm,...) và u di căn do ung thư từ cơ quan khác tới tủy;
    • Theo nguồn gốc tổ chức học u: Gồm Meningioma (u màng tủy, chiếm tỷ lệ 15 - 25%) và Neurinoma (u rễ thần kinh, chiếm tỷ lệ 30 - 50%), các loại u chiếm tỷ lệ thấp (u máu, u hạch bạch huyết, u sụn, u di căn, u nang bì, u mỡ, u màng ống nội tủy, u tế bào hình sao,...);
  • Theo giải phẫu:
    • U nội tủy: Hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 5 - 10%, thường là u màng ống nội tủy, u mỡ, u nang hoặc u nguyên bào xốp;
    • U ngoài tủy: Hay gặp, được chia thành u ngoài tủy - dưới màng cứng (thường là u màng tủy, u rễ thần kinh, là loại u lành tính, có mật độ chắc, ranh giới rõ và khi phẫu thuật có thể lấy được toàn bộ khối u, ít gây tổn thương tủy và rễ thần kinh), u ngoài tủy - ngoài màng cứng (thường là u di căn, u máu hoặc u xương,...) và u hỗn hợp (u phát triển cả ở trong và ngoài màng cứng, có dạng 2 túi hoặc đồng hồ cát, khó mổ u tủy sống lấy bỏ triệt để).

Có rất nhiều loại u tủy
Có rất nhiều loại u tủy

2. Phương pháp phẫu thuật u ngoài màng cứng tủy sống - rễ thần kinh

2.1 Chỉ định/chống chỉ định

Chỉ định

  • Chỉ định phẫu thuật cấp cứu trong trường hợp u bị tụt kẹt hoặc có tình trạng chảy máu trong u gây liệt chi, bí tiểu đột ngột;
  • Chỉ định phẫu thuật tuyệt đối ở tất cả các trường hợp được xác định có u tủy;
  • Chỉ định phẫu thuật tương đối ở những trường hợp u tủy cổ cao, kích thước khối u quá lớn, phát hiện ở giai đoạn muộn, người bệnh già yếu, lao phổi hoặc mắc các bệnh lý ác tính ở cột sống;
  • Phẫu thuật ở giai đoạn đau rễ thần kinh đem lại hiệu quả tốt.

Chống chỉ định

  • Người có bệnh lý toàn thân phối hợp nặng;
  • Người bị u tủy cổ cao kích thước quá lớn và dự đoán phẫu thuật không đem lại kết quả khả quan;
  • Người bệnh đã bước sang giai đoạn muộn, cao tuổi, sức khỏe yếu, mắc lao phổi tiến triển hoặc các bệnh lý ác tính ở cột sống đã rõ ràng, di căn tràn lan.

2.2 Chuẩn bị phẫu thuật

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ phụ phẫu thuật, điều dưỡng hỗ trợ;
  • Phương tiện kỹ thuật: Bộ dụng cụ phẫu thuật cột sống thường quy (dao mổ, cò súng, panh gắp đĩa đệm, phẫu tích, máy hút, kìm mang kim, dao điện) và dụng cụ tiêu hao (gạc, bông, chỉ khâu, sáp sọ,...);
  • Bệnh nhân: Được thông báo về sự cần thiết của phẫu thuật, quy trình thực hiện và nguy cơ tai biến có thể xảy ra; nhịn ăn và thụt tháo từ đêm trước khi phẫu thuật;
  • Hồ sơ bệnh án: Hoàn thiện đầy đủ theo quy định và có cam kết của gia đình bệnh nhân.

2.3 Tiến hành phẫu thuật với kỹ thuật mổ từ phía sau

  • Kiểm tra lại hồ sơ, phiếu mổ và bệnh nhân trước khi gây mê;
  • Sau khi gây mê hoặc gây tê tủy sống, đặt bệnh nhân nằm sấp, kê cao 2 gai chậu và vai;
  • Dùng máy chụp X-quang trong mổ hoặc đếm khoang liên gai sau để xác định chính xác vị trí rạch da;
  • Gây tê vùng bằng hỗn hợp Adrenalin và Xylocain với tỷ lệ phù hợp tại cơ cạnh sống;
  • Rạch da, bộc lộ vị trí phẫu thuật (đường nối giữa 2 mỏm gai sau);
  • Mở cung sau tương ứng vị trí khối u tủy, mở dây chằng vàng, dùng kìm cò súng hoặc dao nhọn cắt bỏ dây chằng vàng;
  • Bộc lộ khối u tủy, tách u khỏi màng tủy và các rễ thần kinh. Tùy thuộc vào tính chất khối u để lấy u từng phần hoặc toàn phần, chú ý thao tác nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương màng tủy sống và các rễ thần kinh;
  • Cầm máu kỹ ở diện cắt u;
  • Nếu rách màng tủy, dùng chỉ prolene 4.0 hay 5.0 đóng kín lại;
  • Đóng cơ, cân, lớp dưới da và da bằng chỉ khâu y tế phù hợp. Nếu cần thiết có thể đặt dẫn lưu vào ổ mổ.

2.4 Theo dõi sau phẫu thuật

  • Theo dõi sát các chỉ số toàn trạng của bệnh nhân như hô hấp, nhiệt độ, mạch, huyết áp;
  • Theo dõi tình trạng chảy máu tại vết mổ;
  • Theo dõi nguy cơ tổn thương tủy hoặc các rễ thần kinh.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi kĩ càng về huyết áp, nhiệt độ
Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi kĩ càng về huyết áp, nhiệt độ

2.5 Cách xử trí các tai biến thường gặp

  • Chảy máu vết mổ: Thực hiện khâu tăng cường để cầm máu;
  • Rách màng cứng: Xử trí bằng cách khâu lại bằng chỉ prolene 4.0;
  • Tổn thương tủy, rễ thần kinh: Cách xử trí là điều trị bằng corticoid và phục hồi chức năng;
  • Rò dịch não tủy sau mổ: Nên thực hiện mổ lại để vá rò.

Phẫu thuật u ngoài màng cứng tủy sống - rễ thần kinh được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm nên bệnh nhân không cần quá lo lắng, giữ tinh thần thoải mái, bình tĩnh và phối hợp tốt với bác sĩ để nâng cao cơ hội điều trị thành công và giảm nguy cơ gặp phải tai biến.

XEM THÊM:

Video đề xuất:

Hành trình tìm lại dung nhan cho “cậu bé không có mặt” Lê Trung Tuấn

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe