U máu thể hang là một bệnh lý dị dạng mạch não. Việc điều trị u máu thể hang chủ yếu là phẫu thuật nhằm mục đích cắt bỏ toàn bộ khối u, bảo tồn các chức năng quan trọng của não và giảm nguy cơ biến chứng.
1. Sơ lược về u máu thể hang
1.1 U máu thể hang là gì?
U máu thể hang hoặc u máu dạng mao mạch là một dạng dị dạng mạch não. Đây là một tổ chức mạch máu hoặc tổn thương bất thường được tạo thành bởi nhiều khoang nhỏ giống như quả dâu tây hoặc tổ ong. Những khoang nhỏ này chứa máu (gọi là hồ máu). Các hồ máu được ngăn cách với nhau bởi các màng mỏng.
Về sự phân bố, hầu hết các u máu thể hang thường xuất hiện ở 2 bán cầu đại não, đôi khi gặp ở vùng thân não hoặc hố sau, ít gặp ở vùng tủy sống. Tỷ lệ dân số mắc u máu thể hang là khoảng 0,1 - 0,5%, ít gặp hơn so với các dị dạng động - tĩnh mạch não hay phình động mạch não.
Đa số các trường hợp u máu thể hang thường xảy ra tự nhiên hoặc do di truyền. Ở các trường hợp mắc u máu dạng hang do yếu tố di truyền thường có liên quan tới sự bất thường của nhiễm sắc thể số 7.
1.2 Triệu chứng u máu thể hang
Tùy thuộc vị trí và kích thước của u máu, biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân sẽ khác nhau. Các triệu chứng thường gặp là:
- Xuất hiện các cơn động kinh hoặc co giật;
- Xuất hiện một số rối loạn thần kinh: Rối loạn cân bằng, tầm nhìn, trí nhớ, sự chú ý;
- Yếu tay hoặc chân;
- Tăng áp lực nội sọ: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn ói, buồn ngủ, rối loạn thị giác.
Đôi khi, bệnh nhân u máu thể hang không có bất kỳ triệu chứng gì. Bệnh nhân u máu thể hang có thể gặp nguy cơ xuất huyết. Các biến chứng thường gặp của bệnh là gây co giật, suy giảm chức năng thần kinh.
1.3 Chẩn đoán u máu thể hang
Phương pháp chính xác nhất để phát hiện u máu thể hang là chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, có thể tiêm hoặc không tiêm thuốc cản quang. Chụp cộng hưởng từ có thể phải được thực hiện lặp lại nhiều lần để phân tích sự thay đổi về kích thước khối u, tình trạng xuất huyết hay sự xuất hiện của các tổn thương mới.
Phương pháp chụp mạch máu não sẽ không phát hiện được bệnh lý này vì dòng máu chảy qua các tổn thương rất chậm.
1.4 Điều trị u máu thể hang
Với các tổn thương u máu thể hang không có triệu chứng, chỉ được tình cờ phát hiện thì nên theo dõi bằng cách chụp MRI hằng năm trong vòng 2 năm đầu, sau đó chụp cách quãng 5 năm 1 lần. Nếu có bằng chứng lâm sàng của xuất huyết hoặc xuất hiện triệu chứng mới thì cần chụp MRI với tần suất dày hơn. Một số bệnh nhân cũng có thể sử dụng thuốc chống động kinh theo chỉ định của bác sĩ.
Với các tổn thương có triệu chứng, có 2 phương pháp chính thường được áp dụng để điều trị u máu thể hang là phẫu thuật và xạ phẫu bằng dao gamma cổ điển hoặc dao gamma quay.
Phẫu thuật được xem xét để kiểm soát tình trạng động kinh nếu không thể kiểm soát động kinh bằng thuốc, các u máu dạng hang ở vị trí dễ phẫu thuật và dị dạng mạch não dạng hang được xác định là nguyên nhân gây động kinh. Trường hợp cơn động kinh có thể được kiểm soát bằng thuốc thì không cần phẫu thuật. Phẫu thuật dị dạng mạch não có thể được chỉ định ở những bệnh nhân u máu thể hang bị xuất huyết, có triệu chứng thần kinh và khối u máu ở vị trí dễ can thiệp. Phương pháp này có nhiều nguy cơ nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Gần đây, xạ phẫu bằng dao gamma quay đang được ưa chuộng sử dụng hơn vì có ưu điểm là độ chính xác cao, được tự động hóa nên có hiệu quả điều trị cao, an toàn, ít xâm lấn, ít gây tai biến trong và sau điều trị.
2. Phương pháp phẫu thuật u máu thể hang
Mục đích của phương pháp phẫu thuật u máu thể hang là cắt bỏ toàn bộ khối u, bảo tồn các chức năng quan trọng và giảm tối đa tỷ lệ biến chứng.
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định:
- Các khối u máu có triệu chứng lâm sàng;
- Có đợt chảy máu cấp ra ngoài vỏ của khối u;
- Khối u gây hiệu chứng khối kết hợp với hiện tượng chảy máu trong khối u
Chống chỉ định
- U máu không gây triệu chứng;
- U nằm ở những vị trí chức năng quan trọng không thể can thiệp phẫu thuật;
- Bệnh nhân không đảm bảo gây mê trong phẫu thuật.
Lưu ý: u máu thể hang không có chống chỉ định tuyệt đối.
2.2 Chuẩn bị
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, bác sĩ gây mê, các kỹ thuật viên,...;
- Người bệnh: Được cạo tóc vùng phẫu thuật; đặt ống thông tiểu, dạ dày; khám lâm sàng (chụp cộng hưởng từ sọ não) và được giải thích kỹ về mục đích, tiến trình thực hiện, nguy cơ biến chứng trong và sau mổ;
- Phương tiện: Hệ thống định vị thần kinh Neuronavigation, hệ thống kính vi phẫu, ghim, đinh vít xương sọ, khoan máu và hệ thống mũi khoan cắt sọ, vật liệu cầm máu trong quá trình phẫu thuật, dẫn lưu kín hút áp lực, bộ dụng cụ phẫu thuật sọ não, dụng cụ vi phẫu thuật thần kinh, dụng cụ cầm máu,...
2.3 Tiến trình thực hiện
- Tư thế bệnh nhân: Cho bệnh nhân nằm để vùng mổ bộc lộ ở tư thế thuận lợi và dễ tiếp cận nhất. Tiếp theo cố định đầu người bệnh trên khung và lắp đặt hệ thống định vị navigation;
- Vô cảm: Gây mê nội khí quản, sử dụng thuốc mê, dịch truyền, máu nếu cần theo chỉ định của bác sĩ gây mê;
- Mở nắp sọ: Rạch da theo hướng dẫn của hệ thống định vị, theo vị trí khối u, khoan xương, mở nắp sọ, khâu treo và mở màng cứng;
- Lấy u: Sử dụng hệ thống định vị để xác định chính xác vị trí u máu dạng hang, cắt khối u và các tổn thương kèm theo dưới kính vi phẫu;
- Đóng màng cứng;
- Đặt lại xương: Cố định xương bằng ghim sọ;
- Đóng da và cân cơ mũi rời.
2.4 Theo dõi và điều trị sau phẫu thuật
- Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân như mạch, hô hấp, nhiệt độ, huyết áp;
- Cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh dự phòng sau phẫu thuật;
- Tránh nguy cơ suy hô hấp gây phù não muộn sau phẫu thuật;
- Có thể sử dụng thuốc chống động kinh duy trì tùy trường hợp cụ thể.
2.5 Nguy cơ tai biến
- Chảy máu não sau mổ;
- Rò nước não tủy;
- Nhiễm trùng: Viêm màng não hoặc áp xe não.
Tùy từng tai biến bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp xử trí phù hợp cho bệnh nhân.
Khi được chỉ định phẫu thuật u máu thể hang, bệnh nhân tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng như suy giảm chức năng thần kinh hay tái xuất huyết,...