Phẫu thuật nội soi nối hồi tràng với đại tràng ngang

Phẫu thuật nội soi nối hồi tràng với đại tràng ngang thường được thực hiện khi u đại tràng phải do nhiều nguyên nhân khác nhau không thể phẫu thuật cắt bỏ. Ngoài ra, phẫu thuật còn được thực hiện trong các trường hợp lao hồi manh tràng hoặc dính ruột.

1. Phẫu thuật nối hồi tràng với đại tràng ngang là gì?

Ung thư đại tràng là dạng ung thư khá phổ biến trên thế giới. Tỷ lệ tỷ vong do ung thư đại tràng đứng hàng thứ tư trong các dạng ung thư, sau ung thư phổi, ung thư dạ dàyung thư gan. Tuy nhiên ung thư đại tràng là một trong số ít các bệnh lý ác tính có khả năng chữa lành và có thể phòng ngừa được. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh có thể lên đến 90%. Điều trị ung thư đại tràng chủ yếu là phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật được lựa chọn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh của từng bệnh nhân.

Phẫu thuật nội soi nối hồi tràng với đại tràng ngang là phẫu thuật tạo miệng nối lưu thông đường tiêu hóa trực tiếp giữa ruột non với đại tràng ngang. Phẫu thuật được chỉ định khi u đại tràng phải không thể cắt bỏ được do các nguyên nhân:

  • U có kích thước lớn, đã xâm lấn hoặc di căn tới các tạng khác gây tắc ruột hoàn toàn.
  • U đại tràng có thể cắt được nhưng điều kiện sức khỏe của người bệnh hoặc do điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất của cơ sở y tế không cho phép thực hiện phẫu thuật cắt đại tràng.

Ngoài ra, phẫu thuật nội soi nối hồi tràng với đại tràng ngang còn có thể được chỉ định trong trường hợp: Lao hồi manh tràng gây tổn thương, tắc ruột hoàn toàn hoặc bệnh nhân dính ruột mà tình trạng sức khỏe không cho phép phẫu thuật cắt ruột.


Phẫu thuật là phương pháp phổ biến điều trị ung thư đại tràng
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến điều trị ung thư đại tràng

2. Phẫu thuật nội soi nối hồi tràng với đại tràng ngang được thực hiện như thế nào?

2.1. Chuẩn bị trước phẫu thuật nội soi nối hồi tràng với đại tràng ngang

Người bệnh và gia đình sẽ được nhân viên y tế giải thích rõ về bệnh và tình trạng toàn thân, mục đích của ca phẫu thuật, các biến chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, do cơ địa. Nếu đồng ý làm phẫu thuật, người bệnh hoặc người đại diện sẽ ký vào giấy đồng ý phẫu thuật.

Để chuẩn bị cho ca mổ, người bệnh sẽ được bồi phụ dinh dưỡng, bổ sung nước- điện giải, khám trước mổ và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Bác sĩ sẽ chỉ định đặt ống hút dạ dày nếu người bệnh có dấu hiệu tắc ruột. Bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng và thực hiện thụt tháo làm sạch đại tràng theo kế hoạch phẫu thuật.

Về phía cơ sở y tế, dựa vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh, các hậu quả của bệnh như tình trạng tắc ruột, di căn các tạng do ung thư, viêm phúc mạc,...đánh giá tình trạng toàn thân như tuổi, cơ địa, các bệnh mạn tính nặng phối hợp có khả năng ảnh hưởng tới cuộc phẫu thuật cũng như thời kỳ hậu phẫu. Việc đánh giá, xem xét toàn diện các khả năng phẫu thuật giúp cuộc mổ diễn ra an toàn và hiệu quả nhất.

2.2. Các bước tiến hành phẫu thuật nội soi nối hồi tràng với đại tràng ngang

  • Bệnh nhân được gây mê tĩnh mạch hoặc gây mê nội khí quản.
  • Bác sĩ phẫu thuật tiến hành đặt 3 trocar: 1 trocar 10mm đặt ở trên hoặc dưới rốn để đặt đèn soi, 1 trocar 5mm đặt ở hố chậu phải để thao tác, 1 trocar 5mm hoặc 10mm đặt ở hố chậu trái để đưa các dụng cụ khâu nối thẳng (GIA) nhằm thực hiện miệng nối.
  • Dựa vào hình ảnh trên màn hình được thu về, bác sĩ sẽ đánh giá thương tổn chính và tình trạng các tạng khác trong ổ bụng. Lựa chọn vị trí dùng để nối tắt đảm bảo các tiêu chí như mạch nuôi tốt, hồng, mềm mại, không để quá nhiều đoạn ruột bị hoại tử,...
  • Bác sĩ sẽ thực hiện miệng nối bên-bên bằng máy khâu cắt thẳng GIA 60mm cùng chiều hoặc ngược chiều nhu động. Khi thực hiện miệng nối hoàn toàn qua nội soi ngược chiều nhu động, hồi tràng được mở một lỗ vừa đút lọt một đầu GIA, đại tràng ngang được mở vừa đủ tại vị trí dải cơ dọc. Sau khi thực hiện miệng nối, khâu kín chỗ mở bằng mũi khâu rời, bác sĩ phẫu thuật có thể khâu tăng cường hai đầu miệng nối nếu cần thiết.
  • Đối với trường hợp mổ hở dùng nội soi hỗ trợ: sau khi xác định vị trí khâu nối hồi tràng với đại tràng ngang thích hợp, bác sĩ sẽ rạch mở vị trí đặt trocar 10mm dưới rốn, đưa hồi tràng và đại tràng ngang ra ngoài, thực hiện miệng nối ngoài ổ bụng.
  • Sau khi hoàn tất việc khâu nối, bác sĩ sẽ tiến hành lau sạch ổ bụng, đóng thành bụng và các lỗ trocar. Tùy vào thực tế cuộc mổ, bác sĩ sẽ quyết định dẫn lưu hoặc không.

Sau phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận tránh biến chứng
Sau phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận tránh biến chứng

3. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi nối hồi tràng với đại tràng ngang

Trong 24 giờ đầu sau mổ, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ tình trạng toàn thân, đo thân nhiệt, mạch, huyết áp, nhịp thở. Cho người bệnh sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch cung cấp đủ năng lượng, nước, chất điện giải, protein,... Trong những ngày tiếp theo, người bệnh tiếp tục truyền dịch, dùng kháng sinh,... theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi trung tiện, người bệnh có thể ăn nhẹ cháo, sữa. Nếu tình trạng ổ bụng, vết mổ, toàn thân ổn định, bệnh nhân có thể vận động sớm.

Phần lớn bệnh nhân sau phẫu thuật có diễn biến thuận lợi, ăn uống được, ruột lưu thông tốt. Tuy nhiên một số bệnh nhân có thể có các biến chứng do bệnh ung thư tiếp tục tiến triển gây đau, ăn uống kém, sụt cân, chảy máu,...Những bệnh nhân mắc lao hồi manh tràng hoặc các dạng viêm không đặc hiệu, sau phẫu thuật sẽ được chuyển tới cơ sở điều trị chuyên khoa phù hợp.

Các biến chứng thường gặp sau mổ là hẹp, bán tắc miệng nối, chảy máu tại miệng nối hoặc trong ổ bụng, bục miệng nối gây viêm phúc mạc hoặc rò tiêu hóa,...Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân sẽ được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật lại.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe