Phẫu thuật nội soi điều trị sa trực tràng

Sa trực tràng là bệnh lý gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống sinh hoạt, lao động của bệnh nhân. Trong số các phương pháp điều trị bệnh, phẫu thuật nội soi điều trị sa trực tràng là kỹ thuật giúp điều trị triệt để cho các trường hợp sa trực tràng toàn bộ ở người lớn.

1. Sa trực tràng là gì?

Sa trực tràng là tình trạng thành trực tràng bị sa ra ngoài hậu môn, có thể nhìn thấy bên ngoài cơ thể.

Người bị sa trực tràng thường gặp các triệu chứng như: Đi tiểu không kiểm soát, đôi khi chỉ tiết dịch nhầy; táo bón, đi tiêu không hết phân, tắc nghẽn đại tiện; có cảm giác trực tràng bị sà xuống; chảy máu trực tràng; tiêu chảy, thói quen đi tiêu thất thường.

Ban đầu khối sa chỉ nhô ra khỏi hậu môn khi bệnh nhân đi đại tiện và sẽ trở lại như cũ sau đó. Những lần tiếp theo, người bệnh phải đẩy khối sa về vị trí cũ và sa trực tràng có thể tiến triển thành mạn tính.

Trong giai đoạn đầu, bệnh sa trực tràng có thể được điều trị bằng thuốc làm mềm phân, thuốc đạn hoặc các loại thuốc khác. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều phải điều trị bệnh triệt để bằng phẫu thuật.


Thời gian đầu bệnh nhân sa trực tràng có thể điều trị bệnh bằng thuốc
Thời gian đầu bệnh nhân sa trực tràng có thể điều trị bệnh bằng thuốc

2. Phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị sa trực tràng

Mổ sa trực tràng nội soi bao gồm bóc tách giải phóng trực tràng, khâu trực tiếp cố định vào ụ nhô bằng phương pháp Orr – Loygue hoặc các kỹ thuật cải tiến như dùng miếng Teflon, Ivalon làm trung gian, cố định trực tràng vào ụ nhô, cân trước xương cùng.

2.1 Chỉ định/chống chỉ định

  • Chỉ định: Sa trực tràng toàn bộ ở người lớn và đoạn trực tràng bị sa không bị hoại tử;
  • Chống chỉ định: Đoạn trực tràng bị sa bị hoại tử hoặc sức khỏe bệnh nhân không cho phép phẫu thuật nội soi.

2.2 Chuẩn bị phẫu thuật

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa, kíp gây mê;
  • Phương tiện kỹ thuật: Đèn chiếu sáng ánh sáng lạnh, bộ dụng cụ phẫu thuật hậu môn (ống soi hậu môn, que thăm dò, van hậu môn, máy hút, dao điện, panh, kéo, kẹp phẫu tích,...); chỉ khâu, thuốc bôi trơn, oxy già, xanh metylen; bàn phẫu thuật có thể xoay được các tư thế; 2 bàn để dụng cụ;
  • Bệnh nhân: Được giải thích rõ về tình trạng bệnh, khả năng phẫu thuật, nguy cơ tai biến, di chứng có thể gặp; hoàn thiện đủ các bước khám lâm sàng, cận lâm sàng cần thiết; tối hôm trước ngày phẫu thuật cần thụt tháo sạch phần, dùng thuốc an thần; cạo lông quanh hậu môn thực hiện trên bàn phẫu thuật sau khi gây mê hoặc gây tê vùng; ngày phẫu thuật bệnh nhân nên nhịn ăn, uống và đi tiểu trước khi phẫu thuật;
  • Hồ sơ bệnh án: Đảm bảo hoàn thành các thủ tục theo quy định: bệnh án chi tiết, biên bản hội chẩn, biên bản khám trước gây mê và giấy cam đoan đồng ý phẫu thuật.

Bệnh nhân hoàn thành thủ tục trước khi tiến hành phẫu thuật
Bệnh nhân hoàn thành thủ tục trước khi tiến hành phẫu thuật

2.3 Thực hiện phẫu thuật

  • Kiểm tra hồ sơ và kiểm tra người bệnh, đảm bảo đúng người, đúng bệnh;
  • Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, để đùi hơi thấp và dạng chân để kiểm tra được ruột ra trong khi thực hiện phẫu thuật;
  • Vị trí nhân sự phẫu thuật: Đứng ở vị trí phù hợp thuận tiện cho thao tác;
  • Vô cảm: Gây mê nội khí quản;
  • Đặt 4 trocar ở các vị trí: Dưới rốn (trocar số 1), hố chậu phải (trocar số 2), mạng sườn phải (trocar số 3) và hố chậu trái (trocar số 4);
  • Thăm dò, đánh giá thương tổn và các tạng trong ổ bụng bệnh nhân. Tiếp theo, đưa bệnh nhân về tư thế đầu thấp tối đa và nghiêng sang phải, thực hiện gạt ruột non lên cao và sang phải, bộc lộ rõ vùng tiểu khung và nửa bụng trái;
  • Giải phóng trực tràng: Mở bờ phải mạc treo đại tràng xích ma - trực tràng trên ụ nhô, phẫu tích giải phóng đại tràng xích ma - trực tràng, phẫu tích mạc treo trực tràng phía sau. Chú ý thực hiện thao tác phẫu tích nhẹ nhàng để tránh thương tổn các mô xung quanh;
  • Phẫu tích bờ trái trực tràng: Đi xuống từ hố chậu trái, mở lá phúc mạc bên trái, để lộ khoang sau trực tràng, dùng dao siêu âm hoặc dao điện cắt lá phúc mạc bờ trái trực tràng;
  • Phẫu tích mặt trước trực tràng khỏi bàng quang, tuyến tiền liệt, 2 túi tinh (ở nam) hoặc tử cung, âm đạo (ở nữ) vừa đủ. Lúc này, trực tràng đã hoàn toàn tự do khỏi phúc mạc và các thành phần treo giữ ở tiểu khung;
  • Cố định trực tràng: Thực hiện khâu lớp thanh cơ trực tràng với ụ nhô, tránh khâu vào tĩnh mạch chậu. Sau khi cố định trực tràng cần kiểm tra lại từ phía hậu môn và kéo trực tràng lên đủ cao. Ngoài ra, có thể cố định trực tràng với ụ nhô gián tiếp bằng miếng Ivalon, Teflon;
  • Đặt dẫn lưu tiểu khung nếu cần thiết, rút và đóng các lỗ trocar, kết thúc phẫu thuật.

Tiến hành phẫu thuật nội soi điều trị sa trực tràng theo đúng quy trình
Tiến hành phẫu thuật nội soi điều trị sa trực tràng theo đúng quy trình

2.4 Theo dõi sau phẫu thuật

  • Theo dõi toàn trạng bao gồm các chỉ số sinh tồn như: Mạch, huyết áp, nhiệt độ, hô hấp;
  • Theo dõi sát tình trạng chảy máu, nhiễm khuẩn sau mổ;
  • Sau phẫu thuật phối hợp sử dụng 2 loại kháng sinh từ 5 - 7 ngày;
  • Bồi phụ nước - điện giải và năng lượng hằng ngày;
  • Cho ăn khi có lưu thông ruột;
  • Tập luyện cơ tròn sau khi phẫu thuật.

2.5 Tai biến và cách xử trí

Tai biến trong phẫu thuật:

  • Chảy máu: Trường hợp không cầm máu được bằng phẫu thuật nội soi thì chuyển mổ mở;
  • Tổn thương các tạng lân cận: Chuyển mổ mở để kiểm tra, xử trí theo từng tình huống cụ thể.

Tai biến sau phẫu thuật:

  • Táo bón: Nguyên nhân do khâu gập góc hoặc làm hẹp lòng trực tràng. Những trường hợp bị táo bón nặng phải phẫu thuật lại;
  • Tái phát sa trực tràng: Do nguyên nhân phẫu thuật không đủ kéo trực tràng lên cao và cũng cần phải mổ lại.

Phẫu thuật nội soi điều trị sa trực tràng có ưu điểm là giúp bệnh nhân mau hồi phục, sẹo mổ nhỏ, thời gian nằm viện ngắn,... hơn so với phẫu thuật mở. Khi được chỉ định thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cần phối hợp với mọi yêu cầu của bác sĩ. Điều này giúp quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, giảm nguy cơ tai biến.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe